Đáp án đề thi môn ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Đáp án đề thi môn ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Nhiều thí sinh cho biết đã ôn "trúng tủ" môn Ngữ văn. Ảnh: LĐO

Sáng 7.7, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã bước vào làm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn, theo hình thức tự luận.

Dưới đây là đề thi và gợi ý đáp án môn Ngữ văn được Lao Động cập nhật để thí sinh tham khảo:
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Huyên Nguyễn
Dưới đây là gợi ý đáp án môn Ngữ văn:

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ TỐT NGHIỆP THPT 2022 - MÔN NGỮ VĂN (Thực hiện: Ban chuyên môn Tuyensinh247)

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ: Tự do.

Câu 2. Những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ là: trong, tinh khiết, khỏe, mơn mởn.

Câu 3. • Biện pháp so sánh: "Tuổi trẻ như sao trời mát mắt" trong bối cảnh yên bình; và tuổi trẻ "cháy bùng như lửa thiêng liêng" trong bối cảnh giặc giã đụng vào bờ cõi.

• Ý nghĩa: • Biện pháp so sánh giúp có hình ảnh được diễn đạt thêm sinh động, hấp dẫn, dễ hình dung.

• Sử dụng biện pháp so sánh “Tuổi trẻ” với "sao trời mát mắt" cho thấy sự tỏa sáng của lứa tuổi thanh niên trong công cuộc đóng góp dựng xây đất nước, mang đến niềm tin yêu và tự hào. Hình ảnh so sánh tuổi trẻ như ngọn lửa bùng cháy đã làm rõ nhiệt huyết, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi khi đất nước có ngoại xâm.

• Qua hình ảnh so sánh tác giả ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp của sức mạnh tuổi trẻ.

Câu 4. Gợi ý: Nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ:

- Đây là những suy ngẫm sâu sắc của tác giả, sự thấu đáo của người từng trải.

- Tuổi trẻ là độ tuổi hồn nhiên, vui tươi, mang trong mình đầy những ước mơ, hoài bão.

- Khi đất nước bình yên, hay khi đất nước bị xâm lăng những người trẻ tuổi ấy không ngại từ bỏ những hoài bão của mình để đứng lên chống lại quân xâm lược.

II. LÀM VĂN Câu 1. 1. Mở đoạn

- Giới thiệu vấn đề: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.

2. Thân đoạn a. Giải thích

- Trách nhiệm: là việc mà mỗi người phải làm và có ý thức với những việc làm đó. => Thế hệ trẻ phải có trách nhiệm trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.

b. Phân tích * Tại sao thế hệ trẻ ngày nay cần có trách nhiệm tiếp bước các thế hệ đi trước?

- Ông cha ta từ ngàn đời xưa đã gây dựng và giữ gìn đất nước, chúng ta được thừa hưởng nền độc lập dựa trên máu xương của biết bao thế hệ ấy, vì thế chúng ta cần có trách nhiệm phát huy và gây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

- Đối với thế hệ trẻ, tiếp bước các thế hệ đi trước không chỉ đang góp phần xây dựng nước nhà mà đó còn là cơ hội phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm, tạo ra cơ hội cho chính mình.

- Trách nhiệm xây dựng, phát triển đất nước là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người.

* Thế hệ trẻ cần làm gì để tiếp bước các thế hệ đi trước? - Đối với học sinh, sinh viên, chúng ta cần ra sức học tập, trau dồi bản thân và tích lũy cho mình nhiều kiến thức..

- Không ngại khó khăn, thử thách, dám dấn thân để có nhiều trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

- Có ý thức, biết ơn sâu sắc tới những thế hệ đi trước, những người đã có công gây dựng đất nước. => Ý nghĩa: Giúp mỗi người sống có lí tưởng và mục đích, có trách nhiệm về nghĩa vụ và bổn phận của bản thân đối với đất nước, từ đó giúp đất nước ngày càng vững mạnh.

c. Phản đề - Nhiều bạn trẻ vẫn sống ỷ lại, dựa dẫm, không có ý thức muốn học hỏi, cống hiến cho xã hội.

- Lối sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân và không muốn vươn lên đã kìm hãm sự phát triển của thế hệ ngày nay.

3. Kết đoạn - Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước là một điều quan trọng.

- Liên hệ bản thân: Là một học sinh, em cần có trách nhiệm với những gì cha ông ta đã gây dựng, phải cố gắng nỗ lực rèn luyện hơn nữa để xứng đáng kế thừa và phát huy các thành quả của các thế hệ đi trước.

Câu 2. I. Mở bài: * Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Tác giả: Nguyễn Minh Châu là cây bút văn xuôi tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Trước những năm tám mươi, ông sáng tác theo khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình, lãng mạn. Sau đó, ông chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức, triết lí nhân sinh. Là người mở đường tinh anh, cây bút tiên phong trong văn học thời kì đổi mới.

- Tác phẩm: “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện in đậm phong cách tự sự triết lí của Nguyễn Minh Châu, thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời.

* Khái quát vấn đề nghị luận: Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

II. Thân bài: 1. Phân tích đoạn trích

- Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng.

a. Giới thiệu vị trí đoạn trích. Đoạn trích nằm ở phần đầu tiên của tác phẩm khi nhân vật Phùng sau bao ngày tìm kiếm cũng phát hiện được một “cảnh đắt trời cho”.

b. Phân tích: Phát hiện thứ nhất - về cái tuyệt mĩ, tuyệt thiện: - Khung cảnh biển buổi sáng trong sương mai hiện lên đẹp đẽ, tuyệt bích như bức họa mực tàu.

- Khung cảnh rộng lớn của biển cả với hình ảnh chiếc thuyền thơ mộng, thanh bình xuất hiện giữa bầu sương mù trắng như sữa lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. - Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ. -> Cảm nhận tinh tế cùng với đôi mắt của người nghệ sĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống mà anh cho rằng đây là “cảnh đắt trời cho”. Đó là bức họa diệu kỳ do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người; là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được chứng kiến. Chính vì thế người nghệ sĩ cảm thấy bị rung động, hạnh phúc đó là niềm hạnh phúc của sự khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu.

- Trong giây lát, Phùng đã nhận ra được chân lý của sự hoàn mỹ, thì ra đứng trước cảnh đẹp, trước sự toàn bích, hài hòa, lãng mạn của cuộc đời, tâm hồn người nghệ sĩ có thể được thanh lọc để trở nên trong trẻo hơn. => Phát hiện đầu tiên của nhân vật Phùng cho chúng ta thấy hình ảnh của một người nghệ sĩ chân chính, một người nghệ sĩ với sự một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, yêu cái đẹp và trân trọng cái đẹp. Đối với anh cái đẹp chính là đạo đức. Thế nhưng cũng từ phát hiện này ta cũng nhận ra cái nhìn của nhân vật Phùng có chút phiến diện, chỉ toàn màu hồng, toàn những điều đẹp đẽ mà chưa mang sự từng trải, cái nhìn đa chiều. 2. Liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

- Hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích: là hình ảnh đẹp, bình dị có chút thơ mộng. Đây chính là hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật, vẻ đẹp của cuộc sống. - Hình ảnh chiếc thuyền phải chống chọi giữa phá: là hình ảnh mang tính hiện thực thể hiện những khó khăn, những góc khuất của cuộc đời. -> Nhìn hiện tượng thì đây là hai hình ảnh đối lập nhau nhưng trên thực tế cả hai con thuyền đều hướng đến giá trị riêng: một giá trị là cái dễ thấy, dễ nhìn, một giá trị thì cần đào sâu, tìm tòi mới có thể phát hiện được. Bởi vậy, người nghệ sĩ đứng trước cái đẹp không chỉ đơn giản là nhìn thấy mà còn cần phải nhìn thấu. => Thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống: Nghệ thuật phải gắn liền và bắt nguồn từ cuộc sống, không được xa rời cuộc sống và phải quay trở về để phục vụ cuộc sống. Và đối với người nghệ sĩ cũng cần có con mắt tinh tường, thấu cảm trước mọi sự việc của cuộc đời, để từ đó không chỉ phát hiện ra những vẻ đẹp bề nổi mà còn phát hiện những vẻ đẹp khuất lấp, gai góc của cuộc đời này.

III. Kết bài: - Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm

Link nội dung: https://career.edu.vn/de-minh-hoa-2022-mon-van-a23029.html