Kiến ba khoang cắn gây ra các triệu chứng viêm da khó chịu như ngứa, gây phỏng và phồng rộp. Việc nắm rõ các thông tin cần thiết về kiến ba khoang để phòng tránh là rất cần thiết, đặc biệt vào các thời điểm giao mùa. Hãy cùng tìm hiểu về dấu hiệu nhận biết, các triệu chứng cũng như cách điều trị kiến ba khoang cắn qua bài viết sau nhé!
1Kiến ba khoang là gì?
Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc họ cánh cộc (Staphylinidae). Nó là một loại côn trùng có ích đối với bà con nông dân nhờ đặc tính chuyên ăn các loài sâu rầy gây hại cho hoa màu. [1]
Kiến ba khoang có phần thân dài từ 8-10 mm, ngang khoảng 2-5 mm, có màu đỏ và ba khoang đen ở đầu, cánh và cuối bụng. Chúng có 6 chân, cánh ngắn đến nửa thân, râu hình sợi chỉ và phần cuối bụng có 2 đuôi nhỏ nhọn. Nhờ các đặc điểm này kiến ba khoang có thể bay và chạy rất nhanh, kể cả trên mặt nước. [2]
Kiến ba khoang phân bố khắp thế giới, thường sống ở ven ruộng, các bãi cỏ, gốc rạ hay ở những nơi đang xây dựng. Ở Việt Nam, kiến ba khoang thường xuất hiện ở những nơi có nhiều cánh đồng lúa bao quanh như Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa, nhất là sau các trận mưa lớn. Do có tính hướng sáng mạnh, vào ban đêm, kiến ba khoang thường bị ánh đèn trong nhà thu hút và bay vào cùng các loại côn trùng khác.
Kiến ba khoang thường sống chủ yếu ở các đồng ruộng, bụi cỏ và gốc rạ
2Kiến ba khoang cắn có sao không?
Kiến ba khoang thường không đốt hoặc cắn nhưng dịch cơ thể của chúng có chứa pederin - một alkaloid độc gây phồng rộp da mạnh, có thể xảy ra phản ứng sau 24 giờ tiếp xúc. [3]
Pederin dính vào da gây cảm giác bỏng, phồng rộp và đau đớn. Khi da tay vô tình tiếp xúc với chất tiết của chúng mà không kịp thời rửa sạch ngay thì chất độc có thể dính vào các nơi khác trên cơ thể gây viêm da lan tỏa. [1]
Kiến ba khoang cắn sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu vô tình truyền pederin sang các vùng khác trên cơ thể, chẳng hạn như bộ phận sinh dục hoặc mặt, đặc biệt vùng quanh mắt, mi mắt có thể gây viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, đồng thời ảnh hưởng đến thị lực.
Dịch cơ thể của kiến ba khoang chứa pederin - alkaloid độc gây phồng rộp da mạnh
3Nguyên nhân bị kiến ba khoang cắn
Điều kiện môi trường dễ bị kiến ba khoang cắn
Kiến ba khoang thường phát triển trong các đồng ruộng, trường học, ký túc xá, khu nhà trọ hay nhà ở tập thể, chung cư có nhiều cây cối bao quanh. Chúng thường ăn các loại rầy nâu hại hoa màu ở ruộng hay thậm chí là các loại côn trùng trong nhà nhờ vào ánh đèn huỳnh quang tập trung nhiều ở các chung cư cao tầng.
Mọi người thường có nguy cơ cao bị kiến ba khoang cắn vào mùa mưa khi thời tiết có độ ẩm cao, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kiến ba khoang. Đặc biệt vào ban đêm, kiến ba khoang sẽ theo ánh đèn vào nhà, bám vào các vật dụng như khăn tắm, quần áo, chăn nệm, nếu chúng ta vô tình đập phải hay chà sát trên da sẽ gây ra các tổn thương da, xuất hiện các mảng viêm đỏ, phồng rộp và dịch mủ.
Kiến ba khoang xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa và những nơi ẩm thấp
Đối tượng dễ bị tổn thương do kiến ba khoang
Những đối tượng có nguy cơ cao tiếp xúc với kiến ba khoang và dễ bị tổn thương như:
- Sống ở khu vực ẩm thấp, gần cánh đồng, ruộng lúa.
- Thường xuyên làm việc ngoài trời (như vườn tược, ruộng đồng, bãi cỏ,...).
- Làm việc dưới ánh đèn huỳnh quang vào ban đêm.
- Trẻ em: trẻ hiếu động, có thể vô tình chạm vào kiến ba khoang.
- Người sống trong khu dân cư, chung cư cao tầng.
4Dấu hiệu nhận biết kiến ba khoang cắn
Nếu vô tình tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang, sau đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết được vết kiến ba khoang cắn, bao gồm:
- Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.
- Tổn thương do kiến ba khoang cắn có dạng dát đỏ, thành đám hay vệt, nền hơi cộm theo chiều vệt tay, xuất hiện mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hình tròn hoặc bầu dục hơi lõm màu vàng nâu.
- Các tổn thương sẽ nhanh chóng lan ra nếu người bị đốt ngứa gãi lan ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
- Bệnh nhân có cảm giác ngứa, rát bỏng tại vết kiến ba khoang cắn, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. [4]
Vết kiến ba khoang cắn có dạng dát đỏ và có thể xuất hiện các mụn nước, mụn mủ li ti
5Triệu chứng kiến ba khoang cắn
- Sau khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh sẽ có cảm giác râm ran, rát nhẹ ở vết thương.
- 6-8 giờ sau đó sẽ xuất hiện ban hoặc dát đỏ.
- 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình.
- Sau 3 ngày, các thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng và bong vảy.
- Vảy sẽ bong hết sau 5-7 ngày nhưng có thể để lại vết thâm.
Ngoài ra, bạn cần phân biệt vết phỏng do kiến ba khoang cắn với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh Zona. Bệnh Zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người hay vùng da sắp nổi thương tổn, triệu chứng thường gặp là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể. [5]
Sau 3 ngày, vết cắn kiến ba khoang sẽ đỡ rát và bắt đầu bong vảy
6Cách điều trị khi bị kiến ba khoang cắn
Cách xử trí ban đầu khi bị kiến ba khoang đốt
- Thổi hoặc dùng các vật trung gian như găng tay, tờ giấy để loại bỏ kiến ba khoang ngay khi phát hiện được, tuyệt đối không dùng tay trần để bắt, giết hay miết kiến ba khoang.
- Nếu vô tình đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch vùng da tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý.
- Tránh đưa tay hay vật dụng đã tiếp xúc với kiến ba khoang chạm vào các vùng da lành khác.
- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da tiếp xúc thì có thể rửa bằng nước muối loãng hay xà phòng và cần chú ý các dấu hiệu tổn thương để chủ động thăm khám da liễu kịp thời.
- Nếu phát hiện kiến ba khoang trong quần áo, khăn, vật dụng, cần tránh tiếp xúc trực tiếp, đồng thời đem đồ vật giặt, rửa sạch để tránh dính pederin lên da.
Đem giặt áo quần, khăn, chăn mền ngay nếu phát hiện kiến ba khoang
Chăm sóc da khi bị kiến ba khoang cắn
- Bước 1: Rửa sạch chất độc dính trên da bằng nước sạch.
- Bước 2: Với những vết thương nhẹ, cần duy trì việc vệ sinh sạch sẽ và bôi thuốc mỡ từ 4 - 6 lần để làm giảm các triệu chứng theo chỉ định của Bác sĩ. Đối với vết thương nặng, có biểu hiện sốt, mệt mỏi, hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị hợp lý.
- Bước 3: Sử dụng các sản phẩm có chiết xuất từ nghệ khi vết thương bắt đầu lành có thể giúp hạn chế sẹo do vết kiến ba khoang cắn gây ra.
- Bước 4: Trong quá trình điều trị bạn nên bổ sung chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất cần thiết như protein, lipid và các vitamin, khoáng chất. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bởi các tia UV có thể gây hại cho vùng da tổn thương.
Kiến ba khoang cắn bôi gì?
Dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch bôi Maica, oxyd kẽm, mỡ kháng sinh.
Nếu loét mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sinh, kháng histamin, thuốc giảm đau, dùng cortiocid bôi hoặc đường toàn thân. Trường hợp nhẹ bệnh có thể tự khỏi.
Bôi thuốc mỡ chứa corticoid theo chỉ định của bác sĩ giúp giảm viêm hiệu quả cho vết kiến ba khoang cắn
7Ăn gì và kiêng gì để vết cắn kiến ba khoang nhanh lành?
Bị kiến ba khoang cắn nên ăn gì?
Khi bị kiến ba khoang cắn, bên cạnh việc tuân thủ điều trị bạn cũng cần bổ sung chế độ ăn giàu dinh dưỡng gồm nhiều rau xanh và trái cây tươi, cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa tình trạng viêm.
Ngoài ra, các loại ngũ cốc nguyên hạt cũng là một sự lựa chọn tốt cho người bị kiến ba khoang đốt, giúp làm giảm cảm giác ngứa và vùng da sưng đỏ.
Bên cạnh các loại thực phẩm tự nhiên, bạn cũng có thể bổ sung thêm các viên uống vitamin A, B, E để thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương.
Chế độ ăn giàu dinh dưỡng gồm rau xanh và trái cây giúp ngăn ngừa tình trạng viêm hiệu quả
Bị kiến ba khoang cắn nên kiêng gì?
- Thực phẩm dễ gây dị ứng và có mùi tanh: Ví dụ các loại hải sản như tôm, cua, sò,...Chúng sản sinh ra các histamin tự do - nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng. Do vậy, bạn không nên ăn hải sản để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng sưng đỏ, ngứa ngáy do vết kiến ba khoang cắn.
- Thực phẩm chứa nhiều đường: Các loại kẹo, siro, nước ngọt,... sẽ khiến tình trạng viêm da trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thực phẩm có vị chua: Lượng acid cao trong các loại thực phẩm này có thể kích thích da và làm gia tăng cảm giác ngứa rát khi tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da.
- Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn: Các chất phụ gia và bảo quản có trong sản phẩm có thể làm tăng khả năng dị ứng, làm nghiêm trọng thêm cảm giác ngứa ngáy và sưng đỏ.
- Chất kích thích: Các loại đồ uống chứa chất kích thích như nước ngọt có ga, cà phê, trà, bia có thể làm nặng thêm tình trạng viêm da và ngứa rát khi bị kiến ba khoang cắn, kéo dài thời gian hồi phục vết thương.
Hạn chế các loại thực phẩm có khả năng làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng do kiến ba khoang cắn
8Những lưu ý đối với vết cắn kiến ba khoang
- Không được tự ý sử dụng thuốc bôi lên vết thương do kiến ba khoang cắn.
- Tuyệt đối không tự ý bôi, đắp các loại thuốc tự chế từ mẹo dân gian, ví dụ như nhai gạo nếp, đậu xanh, kem đánh răng hoặc một số loại lá cây… điều này có thể làm bệnh nặng thêm và tăng nguy cơ bội nhiễm.
- Không được gãi vết thương do kiến ba khoang đốt. Điều này có thể làm vết loét sâu hơn, tăng khả năng lây nhiễm độc tố sang vùng da lành, đồng thời vi khuẩn từ tay có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng.
- Đặc biệt khi bị kiến ba khoang cắn vào mắt, dùng tăm bông hoặc dụng cụ y tế gắp từ từ và nhẹ nhàng kiến ba khoang ra khỏi mắt, tránh bóp mạnh kiến ba khoang vì sẽ khiến nọc độc đi sâu vào mắt. Tiếp theo rửa vết cắn dưới nước sạch hoặc dùng tăm bông nhúng vào nước sạch rồi lau nhẹ nhàng vào vết cắn và cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
- Khi trẻ bị kiến ba khoang cắn, đầu tiên cần rửa vết cắn dưới vòi nước sạch, sau đó đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được điều trị và chỉ định thuốc hợp lý. Ba mẹ không nên tự ý dùng thuốc bôi để chữa trị cho trẻ.
- Khi tiếp xúc trực tiếp với nước như vệ sinh hay tắm rửa, cần tránh những tác động mạnh khiến vết thương lâu lành.
- Theo dõi sát sao tình trạng của vết cắn kiến ba khoang, nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường nào cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Không được gãi vết thương do kiến ba khoang đốt để tránh tình trạng nhiễm trùng
9Phòng tránh kiến ba khoang cắn
Cách phòng chống kiến ba khoang đốt
Kiến ba khoang cắn thông thường chỉ gây ra các vấn đề khó chịu xuất hiện ngoài da, nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.
Vì vậy, việc phòng chống kiến ba khoang là rất cần thiết. Sau đây là một số cách bạn có thể tham khảo để phòng tránh kiến ba khoang cắn:
- Nếu phát hiện kiến ba khoang trong khu vực sống nên thay đèn huỳnh quang (thường có ánh sáng xanh, tím) bằng đèn có ánh sáng màu vàng.
- Sử dụng các lưới bảo vệ cho cửa sổ và cửa chính, đóng cửa thường xuyên ngay sau khi ra vào.
- Mắc màn ngủ để tránh sự tiếp xúc với kiến ba khoang. Trước khi đi ngủ nên kiểm tra giường, gối, chăn, chiếu.
- Tắt bớt các bóng đèn không cần thiết vào ban đêm.
- Khi tắm rửa vào buổi tối cần chú ý giũ mạnh và kiểm tra bề mặt khăn tắm trước khi dùng.
- Quét dọn, vệ sinh sạch sẽ thoáng mát nhà cửa để có thể phát hiện sớm sự xuất hiện của kiến ba khoang.
- Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà để hạn chế môi trường phát triển của kiến ba khoang.
- Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, đặc biệt ở khu vực gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn và công trình đang xây dựng.
- Người làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch hay mùa mưa bão cần sử dụng các dụng cụ bảo hộ như quần áo dài tay, mũ, khẩu trang, ủng để tránh tiếp xúc với kiến ba khoang.
Xử lý kiến ba khoang
Có thể tiêu diệt kiến ba khoang bằng cách phun thuốc trừ sâu, có 4 loại thường được sử dụng bao gồm Deltamethrin, Fipronil, Fenitrothion và Imidacloprid. Hiệu quả tiêu diệt kiến ba khoang của 4 loại thuốc trừ sâu trên theo thứ tự giảm dần là Deltamethrin, Imidacloprid, Fipronil, Fenitrothion.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và xử lý triệt để kiến ba khoang, bà con cần liên hệ ngay với đơn vị y tế chuyên trách ngay khi phát hiện đàn kiến ba khoang xuất hiện ở khu dân cư để được hướng dẫn và phối hợp xử lý hiệu quả. [1]
Có thể dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt kiến ba khoang
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin thiết thực về dấu hiệu nhận biết, triệu chứng cũng như cách điều trị khi bị kiến ba khoang cắn. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ đến bạn bè và người thân cùng đọc nhé!