Vẽ tranh đường phố: Xử lý nghiêm hành vi sơn, vẽ bậy

Mặc dù chủ đầu tư dán bảng khuyến cáo, nhưng kẻ xấu vẫn vẽ bậy lên vách công trình
Mặc dù chủ đầu tư dán bảng khuyến cáo, nhưng kẻ xấu vẫn vẽ bậy lên vách công trình

Kiên quyết xử lý

Mặc dù cơ quan chức năng chưa công bố chi phí bôi xóa ký tự, hoa văn xấu xí trên toa tàu metro số 1 và cầu thang bộ lên cầu Ba Son, nhưng chắc chắn không nhỏ. Bởi lẽ, các công nhân phải dùng dung môi đặc biệt để tẩy xóa loại sơn mà kẻ xấu sử dụng, và sơn lại màu sơn như ban đầu. Qua các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng xác định việc viết, vẽ bậy trên toa tàu metro do 2 người nước ngoài thực hiện, nhưng khi xác minh được danh tính thì 2 người này đã rời khỏi Việt Nam. Một số quốc gia trên thế giới khá kiên quyết trong việc xóa bỏ các tranh vẽ đường phố.

Ông Nguyễn Hùng, Việt kiều Canada, cho biết: “Tranh đường phố được xem như “tác phẩm” của những người vẽ bậy. Do vậy, cứ phát hiện bất kỳ tranh vẽ đường phố nào thì chính quyền sẽ tổ chức tẩy xóa ngay”. Luật sư Winston Phan Đào Nguyên, Việt kiều Mỹ, cho hay: “Khi bắt được người vẽ bậy, chính quyền xử phạt rất nặng, có thể xử hình phạt tù. Tiền phạt dựa trên mức độ thiệt hại. Graffiti thường là do băng đảng thực hiện. Hình vẽ của họ được xem như “lãnh thổ” của mình. Mỗi thành phố ở bang California có một đội chuyên bôi xóa những hình ảnh, chữ viết đó. Chính quyền khuyến khích công dân báo cáo qua số hotline để việc bôi xóa được tổ chức càng sớm, càng tốt. Có những thành phố “cao tay” hơn thì cho vẽ những tranh trên tường (Murals) ngay chỗ thường xuất hiện các bức vẽ Graffiti. Vậy là các “nghệ sĩ” vẽ bậy không đụng tới”.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc phòng chống vẽ bậy nơi công cộng đã được các nước triển khai với rất nhiều giải pháp. Trước tiên là quản lý chặt công cụ dùng để thực hiện việc viết, vẽ bậy: hạn chế người dân tiếp cận với bình sơn phun và quản lý chặt chẽ việc bán sơn phun. Một số tổ chức sử dụng trí tuệ nhân tạo tích hợp phân tích những nét vẽ, phong cách, loại sơn của những người đã từng vẽ bậy để yêu cầu các đại lý bán lẻ giảm nguồn cung. Một số nước sử dụng công nghệ để “đánh hơi” mùi của sơn phun và kết nối cảnh sát đến tận nơi bắt tại trận thủ phạm đang thực hiện hành vi phá hoại của mình.

Chung tay gìn giữ nét đẹp phố phường

Graffiti được ghi nhận là văn hóa của giới trẻ, và nam giới là trung tâm. Kể từ khi nghệ thuật đường phố bắt nguồn từ giới trẻ vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước, thì tàu hỏa và tàu điện ngầm đã được xác định là mục tiêu chính của các tác giả Graffiti. Tàu điện ngầm và nhà ga là những điểm được quản lý, bảo vệ chặt chẽ nên việc thực hiện Graffiti rất khó. Do vậy, nơi đó trở thành mục tiêu hấp dẫn và đầy thách thức để thể hiện cá tính và xác định lĩnh vực của mình. Trong một thời gian ngắn nữa, tuyến metro số 1 sẽ đi vào hoạt động và việc quản lý, bảo vệ cần có giải pháp căn cơ ngay từ bây giờ! Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và các lĩnh vực khác có quy định về việc xử lý hành vi viết, vẽ bậy lên tường.

Theo đó, hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Đồng thời, người thực hiện các hành vi này bị buộc khôi phục hiện trạng ban đầu. Hành vi viết, vẽ bậy lên tường công cộng do Nhà nước quản lý có thể cấu thành tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp làm hư hỏng tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng, đã bị xử phạt vẫn tái phạm; đã bị kết án về tội trên, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… thì vẫn bị xử phạt theo mức trên. Việc xử lý triệt để hành vi dùng sơn vẽ bậy cần sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của chính quyền cơ sở cần được nâng cao.

Ông Lý Nhơn Thành, Trưởng Ban Bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TPHCM) nêu ý kiến: “Khu vực trung tâm thành phố đang bị các đối tượng xấu xịt sơn, vẽ bậy tràn lan. Không những các nhà, cửa hàng ở mặt tiền mà cả một số bức tường, khoảng trống ở trong hẻm cũng bị vẽ bậy. Ngoài việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chúng tôi đang tập trung công tác tuần tra để kịp thời phát hiện và xử lý nhóm người này. Theo tôi, việc phòng chống vẽ bậy cần được tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; “thưởng nóng” đối với người phát hiện phun sơn, vẽ bậy. Đồng thời cần có các biển cấm phun sơn, vẽ bậy tại các vị trí thường bị phun sơn, vẽ bậy như cầu, hầm chui, kèm các mức phạt cụ thể”.

Link nội dung: https://career.edu.vn/ve-duong-pho-giao-thong-a45504.html