Khiếm thính là gì? Cách phát hiện và biện pháp điều trị
Khiếm thính là tình trạng nghe kém trong khi những người khác có thể nghe thấy âm thanh một cách bình thường. Khiếm thính ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, học tập và công việc của mỗi người. Vậy khiếm thính là gì? Phát hiện và điều trị khiếm thính như thế nào?
Khiếm thính là gì? Nguyên nhân do đâu?
Khiếm thính hay điếc là tình trạng suy giảm hoặc mất hẳn khả năng nghe. Đó là khi người khác có thể nghe thấy các âm thanh một cách bình thường trong khi người khiếm thính không nghe thấy gì hoặc nghe thấy rất nhỏ.
Tình trạng khiếm thính có thể xảy ra một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nhưng dù xảy ra trong khoảng thời gian nào và do nguyên nhân gì, nó cũng gây cản trở quá trình giao tiếp và tương tác xã hội của người bị khiếm thính.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếm thính, trong đó điển hình nhất là:
Khi tuổi tác càng cao, các tế bào thần kinh bên trong tai bị lão hóa và tổn thương dẫn đến tình trạng giảm hoặc mất thính lực.
Một số người khiếm thính bắt nguồn từ nguyên nhân mắc các bệnh lý về tai như viêm màng nhĩ, viêm tai giữa, trong tai có dị tật hoặc khối u,… dẫn đến ù tai giảm thính lực.
Một số người bị chấn thương, tổn thương tai do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chơi thể thao hoặc do vô tình bị tác động một lực mạnh vào tai,… Những việc này đều có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng khiếm thính.
Nếu ai đó phải tiếp xúc với tiếng ồn, chịu ảnh hưởng của tiếng ồn trong một thời gian quá dài cũng có thể khiến ốc tai bị tổn thương gây khiếm thính.
Tuy không phải nguyên nhân phổ biến nhưng việc sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng độc, thuốc chống ung thư cũng có thể dẫn đến suy giảm thính lực nghiêm trọng.
Một trong số những nguyên nhân có thể gây khiếm thính chính là yếu tố di truyền. Nếu ai đó có bố hoặc mẹ bị khiếm thính thì nguy cơ bị khiếm thính của họ cũng sẽ cao hơn người bình thường.
Khiếm thính bẩm sinh xảy ra khi trẻ sơ sinh gặp các vấn đề về phát triển từ lúc còn là bào thai trong bụng mẹ.
Trong mỗi trường hợp, người bị khiếm thính cần được thăm khám để tìm ra nguyên nhân chính xác. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong điều trị và giảm những bất tiện trong cuộc sống do khiếm thính gây ra.
Ai có nguy cơ cao bị khiếm thính?
Khi tìm hiểu các nguyên nhân gây khiếm thính, có lẽ chúng ta đều biết bất cứ ai trong số chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân của tình trạng này. Tuy nhiên, có một số nhóm đối tượng có nguy cơ bị khiếm thính cao hơn những người khác như:
Những người lớn tuổi với cơ thể nói chung và các tế bào thần kinh trong tai nói riêng ngày càng lão hóa.
Trẻ sơ sinh có người mẹ gặp vấn đề về sức khỏe hay phải điều trị bệnh bằng thuốc trong suốt thai kỳ, trẻ sơ sinh sinh ra sau một thai kỳ không khỏe mạnh có nguy cơ khiếm thính cao hơn các trẻ khác.
Người lao động phải làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn kéo dài có nguy cơ cao bị khiếm thính vĩnh viễn. Đây cũng là lý do suy giảm thính lực ở người trẻ ngày càng phổ biến.
Người bị bệnh nặng, phải sử dụng thuốc ung thư, thuốc kháng độc hay kháng sinh mạnh sau khi điều trị bệnh có thể bị khiếm thính.
Người từng bị tai nạn và chấn thương vùng đầu, tai.
Người có tiền sử mắc các bệnh về tai cũng có nguy cơ khiếm thính cao hơn những người bình thường.
Nếu bạn hoặc người thân nằm trong nhóm những đối tượng kể trên, hãy kiểm tra thính lực thường xuyên để phát hiện tình trạng khiếm thính sớm giúp điều trị kịp thời. Bởi khi đã biết khiếm thính là gì, không ai muốn gánh chịu những hậu quả mà nó gây nên đúng không nào?
Khiếm thính dẫn đến hậu quả gì?
Khiếm thính ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bị khiếm thính. Có thể kể đến một số hậu quả nhãn tiền của tình trạng này như:
Ảnh hưởng lớn đến khả năng giao tiếp và tương tác với những người xung quanh.
Làm suy giảm hiệu quả học tập và làm việc.
Trẻ em bị khiếm thính bẩm sinh có thể gặp khó khăn trong học ngôn ngữ, khả năng giao tiếp và tương tác với môi trường xung quanh khi lớn lên.
Một số người vì bị khiếm thính nên cảm thấy bị cô lập, chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. Họ có thể bị mất đi nhiều cơ hội trong công việc, tình yêu, cuộc sống. Đời sống tinh thần và tâm lý của họ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Khiếm thính cũng làm tăng nguy cơ bị tai nạn khi người khiếm thính giảm khả năng nhận biết các tín hiệu nguy hiểm. Điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng và luôn khiến họ cảm thấy bất an trong cuộc sống.
Với những ảnh hưởng trên đây, việc phát hiện sớm khiếm thính và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
Phát hiện khiếm thính bằng cách nào?
Khi đã biết khiếm thính là gì và ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào, mỗi chúng ta nên tìm hiểu cách phát hiện khiếm thính để chủ động chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người thân. Một số cách giúp phát hiện khiếm thính như:
Với trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể kiểm tra thính lực ngay từ khi bé mới sinh bằng thiết bị máy móc hoặc bằng phản xạ với âm thanh xung quanh.
Bất cứ ai khi thấy có dấu hiệu giảm khả năng nghe đều nên đi kiểm tra tai tại chuyên khoa tai mũi họng. Ở đây các bác sĩ sẽ có những thiết bị giúp bạn kiểm tra thính lực một cách chính xác.
Khi bạn nghi ngờ ai đó gặp vấn đề về thính lực, hãy tạo ra âm thanh và quan sát phản ứng của họ. Nếu họ không phản ứng với âm thanh bạn gây ra, nguy cơ họ bị khiếm thính là khá cao.
Một bài kiểm tra khác là yêu cầu người nghi ngờ bị khiếm thính nói lại chính xác một câu nói. Nếu họ không hiểu được hoặc không hiểu chính xác câu nói đó, rõ ràng thính lực của họ đang có vấn đề.
Khi ai đó bị khiếm thính, họ có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ nghe. Những người bị khiếm thính vĩnh viễn có thể học ngôn ngữ ký hiệu. Nếu khiếm thính do bệnh lý, mẫu chốt vấn đề sẽ là điều trị dứt điểm bệnh lý gây ra khiếm thính. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật (ví dụ cắt bỏ khối u, thay xương mang tai,…) để cải thiện thính lực cho người bệnh.
Hy vọng với những thông tin được Nhà thuốc Long Châu cung cấp trên đây, bạn đã hiểu rõ khiếm thính là gì, cách phát hiện và xử lý khi bị khiếm thính. Tốt nhất, mỗi chúng ta nên có thói quen kiểm tra thính lực thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng này.