Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Đà Lạt
GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT
I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
Phần đất thuộc Giáo phận Ðà Lạt ngày nay nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở phía nam Tây Nguyên. Xưa kia, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân bản địa người Koho, người Mạ và người Churu. Sau nhiều đợt di dân, hiện nay, Giáo phận Đà Lạt có 43 dân tộc anh em chung sống trên địa bàn giáo phận. Người Kinh chiếm đa số, trên 80% dân số.
Địa danh Đà Lạt có lẽ phát xuất từ hai chữ “Đà” và “Lạt”, có nghĩa là phần đất nơi người dân sắc tộc “Lạt” hay “Lát” sống ven bờ nước (tiếng dân tộc gọi là Đà). Đà Lạt được biết đến và bắt đầu phát triển thành khu nghỉ mát và dưỡng sức do điều kiện khí hậu mát mẻ ở độ cao trên 1.500 mét kể từ khi bác sĩ Yersin dẫn đoàn thám hiểm đặt chân lên vùng đất Lâm Viên (Lang-Biang) vào ngày 21/06/1893. Trong đoàn thám hiểm có cha Robert, một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris.
Năm 1907, vùng đất thuộc giáo phận Đà Lạt ngày nay, còn thuộc giáo hạt Phan Thiết, đã được sát nhập vào miền Nam kỳ Lục tỉnh, thuộc giáo phận Tây Đàng Trong (sau đổi tên thành Giáo phận Sài Gòn năm 1924).
Sau đó, vào năm 1917, cha Nicolas Couvreur, quản lý Hội Thừa sai Paris tại Viễn Đông, đã đến Đà Lạt tìm nơi nghỉ dưỡng cho các thừa sai đau yếu, mệt mỏi, vì đa số các ngài ít có cơ hội về Âu châu nghỉ phép. Cha đã cho xây một nhà nghỉ dưỡng, nay là một phần Nhà xứ Chính tòa Đà Lạt. Từ năm 1917 đến 1920, các linh mục thừa sai đến Đà Lạt nghỉ dưỡng đã Dâng lễ và ban Bí tích cho số giáo dân ít ỏi người Pháp và người Việt bắt đầu đến định cư.
Vào thời gian này, Đức cha Lucien Mossard Mão, Giám quản Tông tòa tại Sài Gòn, đã đặt chân lên Đà Lạt, và có lẽ chính ngài là người đã khai sáng con đường truyền giáo ở phần đất Đà Lạt ngày nay, mở đường cho biết bao thế hệ thừa sai đến rao giảng Tin Mừng tại vùng cao nguyên này.
Năm 1920, giáo xứ Đà Lạt được thành lập và cha Frédéric Sidot được cử làm cha xứ đầu tiên; đến năm 1927, thành lập thêm giáo xứ Di Linh do cha Jean Cassaigne coi sóc với nhiệm vụ đặc biệt là truyền giáo cho người bản địa.
Từ thời gian này, ngoài những sắc tộc ít người, nhiều đợt di dân từ các nơi đến Đà Lạt để lập nghiệp, và đó là một trong những nguyên nhân khiến số giáo dân tăng vọt và nhiều giáo xứ được hình thành.
Song song với việc hình thành các xứ đạo người Kinh, việc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số cũng được các vị chủ chăn quan tâm; các vị đã thiết lập nhiều trung tâm và địa điểm truyền giáo trong vùng.
Ngày 27/11/1960, Toà Thánh thành lập Giáo phận Đà Lạt. Giáo phận mới được trao cho Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, nguyên Giám quản Tông toà Sài Gòn (1955-1960) với 81 linh mục triều và dòng coi sóc 77.324 giáo dân trên tổng số 254.669 dân số địa phương. Vào thời điểm này có 1.547 giáo dân trên tổng số gần 100.000 người dân tộc thiểu số. Đà Lạt được chọn làm nơi đặt Tòa Giám mục và nhà thờ thành phố trở thành nhà thờ Chánh tòa.
II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ
1. Địa lý
Khi thiết lập Giáo phận Đà Lạt, Toà Thánh đã xác định địa giới hành chánh của Giáo phận gồm Thị xã Đà Lạt và các tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, Phước Long tách ra từ Giáo phận Sài Gòn và tỉnh Quảng Đức tách ra từ Giáo phận Kontum.
Ngày 22/06/1967, hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức được tách khỏi Giáo phận Đà Lạt để sát nhập vào Giáo phận mới, Giáo phận Ban Mê Thuột.
Sau năm 1975, hai tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng được gộp lại với tên gọi tỉnh Lâm Đồng và giáo phận Đà Lạt nằm gọn trong tỉnh này với diện tích 9.764.79 km2.
Hiện nay, Giáo phận Đà Lạt bao gồm thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và mười huyện: Bảo Lâm, Cát Tiên, Di Linh, Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà.
2. Dân số trên địa bàn
Dân số địa phương hiện nay là 1.390.000 người. Ngoài dân tộc Kinh, Giáo phận còn có 42 sắc tộc khác, trong đó hai sắc tộc chính là Koho và Churu.
3. Dân số Công giáo
Theo thống kê năm 2017, Giáo phận Đà Lạt có 378.269 giáo dân (241.629 Kinh - 137.493 Thượng?)
4. Giáo hạt và giáo xứ
Hiện nay, Giáo phận Đà Lạt được chia thành 6 giáo hạt với 105 giáo xứ, 22 giáo sở (có linh mục thường trực) và 35 giáo họ, giáo điểm:
- Giáo hạt Bảo Lộc: 37 giáo xứ; 2 giáo sở; 9 giáo họ, giáo điểm
- Giáo hạt Di Linh: 11 giáo xứ; 6 giáo sở; 7 giáo họ, giáo điểm
- Giáo hạt Đà Lạt: 20 giáo xứ; 3 giáo sở; 6 giáo họ, giáo điểm
- Giáo hạt Đơn Dương: 12 giáo xứ; 1 giáo họ
- Giáo hạt Đức Trọng: 20 giáo xứ; 10 giáo sở; 6 giáo họ, giáo điểm
- Giáo hạt Madaguôi: 5 giáo xứ; 1 giáo sở; 6 giáo họ, giáo điểm
5. Dòng tu
Số nam nữ tu sĩ: 1.281 (nam: 187; nữ: 1.094)
Hiện diện trong Giáo phận hiện có 65 dòng tu, tu hội, hiệp hội (19 nam và 46 nữ) với 166 cộng đoàn trong đó có 3 dòng tu, tu hội thuộc giáo phận Đà Lạt là: Dòng MTG Đà Lạt, Tận Hiến ICM Nam, Tận hiến ICM nữ và 3 hiệp hội nữ là: Chứng Nhân Đức Tin (sẽ trở thành dòng tu), Chứng Nhân Chúa Kitô, Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần.
Danh sách các dòng tu, tu hội và hiệp hội đang phục vụ tại Giáo phận: Anh Em Bác Ái - Bác Ái Bình Triệu - Biển Đức (nữ) - Biển Đức Thiên Bình - Cát Minh Têrêsa - Chúa Cứu Thế - Chúa Quan Phòng - Con Đức Mẹ Mân Côi - Con Đức Mẹ Phù Hộ - Con Đức Mẹ Vô Nhiễm - Don Bosco - Dòng Tên - Đa Minh Bà Rịa - Đa Minh Phú Cường - Đa Minh Rosa Lima - Đa Minh Lạng Sơn - Đa Minh Tam Hiệp - Đa Minh op - Đắc Lộ - Đức Bà - Đức Bà Truyền Giáo - Gioan Thiên Chúa - Lasan - Mẹ Đấng Cứu Chuộc - MTG Cái Nhum - MTG Chợ Quán - MTG Đà Lạt - MTG Gò Vấp - MTG Khiết Tâm - MTG Phan Thiết - MTG Quy Nhơn - MTG Thanh Hoá - MTG Thủ Đức - MTG Thủ Thiêm - MTG Xuân Lộc - MTG Nha Trang - MTG Tân Việt - Nô Tỳ Thiên Chúa - Nô Tỳ Thánh Tâm CGS - Nữ Thừa Sai Bác Ái Vinh - Nữ Tử Bác Ái - Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục - Nữ Tỳ Chúa Giêsu Thánh Thể - Nữ tu thừa Sai Đaminh - Nữ Tỳ Thánh Tâm CGS - Phan Sinh Thừa Sai - Phanxicô - Phaolô - Phaolô Thiện Bản - Phúc Âm Sự Sống - Tận Hiến (nam) - Tận Hiến (nữ) - Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời - Tiểu Muội - Trinh Vương Thừa Sai - Truyền Giáo Ngôi Lời - Truyền Giáo Vinh Sơn - Thánh Thể - Tôi Tớ Đấng Bầu Cử - Tông Đồ Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi - Xitô Châu Sơn - Xitô Châu Thuỷ - Chứng Nhân Đức Tin (Hiệp hội) - Chứng Nhân Chúa Kitô (Hiệp hội) - Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần (Hiệp hội).
6. Đôi nét chính yếu về đời sống giáo dân
Nhìn chung, người giáo dân trong Giáo phận có đời sống khá hiệp nhất, đạo đức. Tỷ lệ giáo dân tham dự lễ ngày thường và Chúa nhật khá cao. Đa số giáo dân sồng bằng nghề nông: canh tác chè, cà phê, dâu tằm, rau, hoa; và chỉ một số ít làm nghề thương mại. Đời sống kinh tế của các giáo dân Dân tộc thiểu số tuy có phát triển nhưng cũng còn nhiều khó khăn.
III. NHÂN SỰ
1. Giám mục đương nhiệm
- ĐGM Chánh tòa: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh (từ 2019)
2. Các Giám mục tiền nhiệm
- ĐGM Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (1960-1973)
- ĐGM Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm (1974-1994)
- ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (1991-2010)
- ĐGM Antôn Vũ Huy Chương (2011-2019)
3. Linh mục, chủng sinh, tu sĩ
Theo thống kê 11/2017. Giáo phận Đà Lạt có :
- 297 linh mục (triều: 177; dòng:120)
- 66 chủng sinh đang học tại Đại Chủng viện
- 21 ứng sinh được đào tạo 2 năm để chuẩn bị vào chủng viện
- Số nam nữ tu sĩ: 1.281 (nam: 187; nữ: 1.094)
IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN
1. Giám mục giáo phận: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
2. Tổng Đại diện
3. Giáo phủ: gồm Đức cha Tổng Đại diện, Đại diện Tư pháp, Chưởng ấn, Quản lý
4. Tòa án giáo phận: Đại diện Tư pháp, Chánh án, Bảo hệ, Lục sự, Thẩm phán
5. Hội đồng Linh mục: 33 thành viên (12 thành viên đương nhiên do chức vụ; 19 thành viên do bầu cử; 2 thành viên do Giám mục chỉ định)
6. Ban Tư vấn: Đức Giám mục phó và 14 linh mục
7. Hội đồng Mục vụ giáo phận: 70 thành viên (36 thành viên do để cử từ các giáo hạt, dòng tu, tu hội, các giới, ban ngành, đoàn thể; 30 thành viên đương nhiên do chức vụ, 4 thành viên do Giám mục bổ nhiệm).
8. Các Ban mục vụ Giáo phận: (18 ban) gồm Ban Giáo lý Đức tin (3.289 giáo lý viên), Kinh Thánh, Phụng tự, Thánh nhạc, Nghệ thuật thánh, Giáo sĩ-Chủng sinh, Tu sĩ, Giáo dân, Mục vụ gia đình, Mục vụ giới trẻ, Mục vụ Thiếu nhi, Mục vụ di dân, Loan Báo Tin Mừng, Văn hóa, Giáo dục Công giáo, Truyền thông xã hội, bác ái xã hội-Caritas, Công lý và Hòa bình.
V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN
1. Tòa Giám mục: 9, Nguyễn Thái Học, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
2. Nhà thờ Chánh tòa: 17, Trần Phú, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
3. Trung tâm Mục vụ: 51A, Vạn Kiếp, phường 8, thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
4. Chủng viện Minh Hòa: 51, Vạn Kiếp, phường 8, thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng.
VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ, LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI
1. Hoạt động mục vụ: Hoạt động mục vụ tại Giáo phận có định hướng chung là xây dựng Hội Thánh địa phương thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, nhằm trở nên một cộng đoàn loan báo Tin Mừng. Giáo phận cũng bám sát các định hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong các thư mục vụ hằng năm.
2. Truyền giáo: Giáo phận Đà Lạt đặt nặng vấn đề truyền giáo cho anh chị em người dân tộc bản địa với một định hướng chung nhằm: củng cố đời sống đức tin qua việc củng cố việc dậy giáo lý; duy trì các kinh đọc đa dạng theo sắc tộc, nhưng hiệp nhất trong ngôn ngữ cử hành phụng vụ Thánh Thể; xây dựng tình bác ái liên kết giữa các giáo xứ Kinh và các giáo xứ, giáo họ Dân Tộc; thúc đẩy việc truyền giáo với việc phát huy bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống.
3. Về bác ái xã hội: Ngoài các chương trình của Caritas giáo phận, hầu như tất cả các giáo xứ đều có chương trình bác ái. Ngoài ra, Giáo phận có 4 chương trình bác ái đặc biệt:
- Quỹ khuyến học
- Sửa chữa nhà cho gia đình nghèo
- Chén cơm cho người già neo đơn và người nghèo
- Tủ thuốc gia đình
VII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
- Địa chỉ email của văn phòng Tòa Giám mục: vptgmdl@gmail.com
- Số điện thoại: 0263.3822415
- Liên kết đến website của Giáo phận: https://giaophandalat.org
Văn phòng TGM Giáo phận Đà Lạt
Cập nhật ngày 31/12/2017
Link nội dung: https://career.edu.vn/giao-phan-da-lat-a4649.html