Xác lập kỉ lục khi vừa mới hoàn thiện
Năm 2014, Nhà hát “ba nón lá” đã được tổ chức Kỉ lục Việt Nam
(VietKings) xác lập kỉ lục “Nhà hát Cao Văn Lầu có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”. Khi tổ chức trao bằng kỉ lục Nhà hát mới hoàn thiện, chưa đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, do tính chất độc đáo của nó, có một không hai tại Việt Nam nên việc chứng nhận kỉ lục Việt Nam được đa số đồng tình.
Nhà hát Cao Văn Lầu là công trình nhà hát mang tên cố nhạc sĩ, cha đẻ của Dạ cổ hoài lang - Cao Văn Lầu tọa lạc tại khu vực trung tâm của quảng trường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu.
Nhà hát ra đời để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với nhạc sĩ Cao Văn Lầu và hi vọng ông sẽ tiếp thêm lửa nghệ thuật cho những thế hệ con cháu về sau. Đồng thời, đây cũng là điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá văn hóa Bạc Liêu.
Công trình Nhà hát ba nón lá Bạc Liêu được hoàn thành vào năm 2014, bao gồm khối nhà hát, nhà trưng bày và trung tâm hội nghị. Công trình văn hóa nghệ thuật này trở thành điểm đến mà các du khách phương xa không thể bỏ lỡ trong chuyến hành trình đến thăm Bạc Liêu. Công trình thiết kế mái nhà hình ba chiếc nón khổng lồ chụm vào nhau được xác lập kỉ lục là "Nhà hát có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”.
Ý tưởng để xây dựng Nhà hát này được thuyết trình: “Nón lá là biểu tượng của văn hóa phương Nam nói riêng, Việt Nam nói chung. Hình ảnh ba nón lá gần gũi, thân thương với đặc điểm của cư dân Bạc Liêu và đất Việt chúng ta gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ba mái nhà nón lá chụm lại với nhau còn là biểu tượng cho 3 dân tộc đông người nhất cộng cư lâu đời ở Bạc Liêu là người Kinh, người Hoa và người Khmer. Với ý nghĩa đặc biệt và tình cảm sâu sắc đó nên người dân địa phương còn gọi công trình Nhà hát Cao Văn Lầu này bằng một cái tên thân thương là Nhà hát ba nón lá, một công trình văn hóa độc đáo mang vẻ đẹp rất riêng của Bạc Liêu...”.
Nhà hát ba nón lá ở Bạc Liêu có tổng diện tích 2.262 m2, được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau. Trong đó, chiều cao nhất là 24,25 m; đường kính 45,15 m; mái lợp composite.
Ba chiếc nón cũng là phần trên cùng của 3 khối nhà. Khối nhà A là nơi diễn ra các sự kiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: Cải lương, dù kê, ca múa nhạc đương đại... với sức chứa hơn 850 chỗ. Khối nhà B là khu vực dành cho trung tâm hội thảo, hội nghị tầm cỡ khu vực và khối nhà C là nơi dành riêng để tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày văn hóa nghệ thuật thu hút khách du lịch đến tham quan.
Công trình được thiết kế theo mô hình ba chiếc nón lá vừa mềm mại, vừa sống động, gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng, duyên dáng, chịu thương, chịu khó. Công trình do Kiến trúc sư Vương Hoàng Lê (thuộc Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh) thiết kế nhân sự kiện Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival công nhận Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2013.
Nơi khó bỏ qua khi đến Bạc Liêu
Trong chuyến tháp tùng theo một đoàn du lịch lữ hành tham quan Bạc Liêu, đứng trước công trình ba nón lá, anh Nguyễn Văn Tới - Giám đốc Công ty xuất khẩu sơn mài Phương Nam (TP. Hồ Chí Minh) cảm nhận: “Đúng là một công trình có thiết kế quá đẹp! Đây phải nói là tài sản để Bạc Liêu làm du lịch. Bởi du khách bây giờ đi du lịch ngoài mục đích thưởng ngoạn các di tích, danh lam thắng cảnh, tìm hiểu về văn hóa xứ sở..., còn muốn lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng bên những địa điểm mang tính đặc thù ở mỗi nơi đến, mà Nhà hát ba nón lá là điểm check-in tuyệt vời khi đến với Bạc Liêu”.
Ngoài thu hút khách thập phương, Nhà hát ba nón lá còn là điểm chụp ảnh lý tưởng của nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, những đôi uyên ương khi đầu tư bộ ảnh cưới lưu giữ kỷ niệm ngày trọng đại của đời mình cũng thường chọn nơi này.
Nhiếp ảnh gia Dương Văn Nhi cho biết, rất nhiều cặp đôi cô dâu chú rể muốn lưu lại hình ảnh cưới tại đây. Bởi, cảnh trí ở khu vực này rất đẹp.
Hiện Nhà hát ba nón lá mới đưa vào khai thác khu A mang tên “Nhà hát Cao Văn Lầu”. Từ năm 2019, với sự tài trợ của Vinaphone, Nhà hát Cao Văn Lầu đã có thêm điều kiện về kinh phí để đầu tư, dàn dựng những chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả yêu thích sân khấu cải lương.
Nơi đây cũng từng tổ chức cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2015. Cuộc thi này quy tụ khoảng 1.000 nghệ sĩ đến từ 27 đơn vị nghệ thuật cải lương với 33 vở cải lương trên khắp cả nước, trong đó có 7 đơn vị xã hội hóa. Đây được xem là kỉ lục về số lượng nghệ sĩ và đơn vị tham gia từ trước đến nay.
Nhà hát Cao Văn Lầu tiếp tục đầu tư nâng cấp cho sân khấu thực cảnh, một chương trình văn nghệ tổng hợp có sự phối hợp về âm thanh, ánh sáng, đạo cụ hiện đại và bối cảnh ngoài trời công phu tạo hiệu ứng thực cảnh để chương trình xứng tầm là sản phẩm du lịch, tiến tới mục tiêu bán sản phẩm này cho các công ty du lịch lữ hành.
Nhiều kế hoạch đã, đang và sẽ tiến hành để Nhà hát Cao Văn Lầu sáng đèn, thu hút khán giả yêu mến cải lương. Còn đối với khách phương xa, nhất là giới trẻ đây là điểm không thể bỏ qua khi dừng chân trên đất Bạc Liêu trong hành trình khám phá đất phương Nam.
Link nội dung: https://career.edu.vn/nha-hat-cao-van-lau-a4939.html