7 doanh nghiệp điện lực lớn nhất Việt Nam

1. Tổng công ty Phát điện 3

Tổng công ty Phát điện 3 được thành lập ngày 01/6/2012 trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Phú Mỹ, các Công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các Ban quản lý dự án nguồn điện. Tổng công ty đã trở thành công ty cổ phần vào năm 2018 và cổ phiếu của Tổng công ty chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM với mã PGV trong cùng năm.

7 doanh nghiệp điện lực lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1

Kết thúc năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu hơn 47.000 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 2.300 tỷ đồng - vượt lần lượt 4% và 29% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, do năm 2021 công ty báo lãi kỷ lục 3.178 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế năm 2022 vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt 2.360 tỷ đồng. Song, tổng công ty vẫn lần lượt vượt 4,1% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

2. Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam

Tháng 5 năm 2007, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ra Quyết định số 1468/QĐDKVN về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam . Ngày 01/07/2018, tổng công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. Cổ phiếu của Công ty chính thức giao dịch trên HOSE với mã chứng khoán POW vào ngày 14/01/2019.

7 doanh nghiệp điện lực lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là một trong những nhà sản xuất điện hàng đầu tại Việt Nam, với công suất đặt chiếm gần 8% tổng công suất nguồn toàn hệ thống. PV Power có lợi thế về nhiệt điện khí, hiện đang sở hữu các nhà máy điện có công nghệ hiện đại, hiệu suất cao.

BCTC kiểm toán năm 2022 của POW ghi nhận tổng doanh thu và thu nhập đạt 28.790 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021, trong đó doanh thu thuần đạt 28.224 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tổng chi tăng 13% lên 25.980 tỷ đồng.

POW cho biết, doanh thu và giá vốn hàng bán năm 2022 đều tăng do lượng điện huy động tại các nhà máy điện tăng đáng kể. Đồng thời trong năm 2022, POW ghi nhận doanh thu chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện tại các nhà máy điện Vũng Áng 1, Nhơn Trạch 2 và Đakđrinh giai đoạn 2015-2019 là 1.131 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thủy điện Đakđrinh và Hủa Na trong năm qua gặp điều kiện thủy văn thuận lợi nên huy động được nhiều sản lượng điện, giúp tăng doanh thu.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt 2.809 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.553 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021.

3. TKV - Tổng công ty Điện lực

Ngày 01/01/2010 Tổng công ty Điện lực - Vinacomin (nay là Tổng công ty Điện lực - TKV) chính thức đi vào hoạt động và ngày 29/12/2015 đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của tổng công ty.

7 doanh nghiệp điện lực lớn nhất Việt Nam - Ảnh 3

Tổng công ty hiện có 5 nhà máy nhiệt điện. Việc duy trì vận hành ổn định các nhà máy nhiệt điện của Công ty không chỉ cung cấp điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng chung của Tập đoàn TKV.

Năm 2023, Tổng công ty Điện lực (TKV) phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 9,6 tỷ kWh (tăng 1,28 tỷ kWh so với năm 2022). Để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, ngay từ những tháng đầu năm, các nhà máy nhiệt điện trực thuộc TKV đã tập trung vận hành ổn định sản xuất.

4. Nhiệt điện Hải Phòng SJC

Tháng 2/2002, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam và Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thành lập Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng để đầu tư xây dựng nhà máy điện. Ngày 17/09/2002, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng chính thức được thành lập. Năm 2016, Công ty chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán UPCOM với mã chứng khoán HND.

7 doanh nghiệp điện lực lớn nhất Việt Nam - Ảnh 4

Năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 10.511 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 571 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 25,5% so với năm 2021. Năm 2022, công ty đặt kế hoạch kinh doanh mục tiêu với doanh thu 10.574,8 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 594,3 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty đạt 8.219,5 tỷ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm. Trong đó, công ty sở hữu hơn 515,6 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; phải thu ngắn hạn 2.314 tỷ đồng, tăng 31%; hàng tồn kho 404,9 tỷ đồng, giảm 27,7%.

Nợ phải trả cũng giảm hơn 24% xuống 1.878 tỷ đồng; nợ ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 784,9 tỷ đồng và 392,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 570,8 tỷ đồng và EPS là 1.142 đồng.

5. Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh

Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, tỉnh có trữ lượng than lớn nhất Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh có vị trí thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất và cung cấp điện đốt than cho hệ thống điện Quốc gia.

Công ty quản lý vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có tổng công suất 1.200 MW (04 tổ máy) đấu nối với hệ thống điện Quốc gia thông qua Trạm biến áp 500kV Quảng Ninh với các cấp điện áp 500kV và 220kV, sản lượng điện năng thiết kế bình quân 7,2 tỷ kWh/ năm.

7 doanh nghiệp điện lực lớn nhất Việt Nam - Ảnh 5

Năm 2022, Nhiệt điện Quảng Ninh ghi nhận 10.417 tỷ đồng doanh thu thuần và 770 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 21,5% và 33% so với năm 2021.

Năm 2022, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 9.580 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 436 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,8% và giảm 24,6% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, công ty đã vượt 8,7% kế hoạch doanh thu và gần 77% lợi nhuận.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Nhiệt điện Quảng Ninh đạt 8.048 tỷ đồng, giảm 9,6% so với đầu năm do khấu hao tài sản cố định hàng năm. Về nguồn vốn, nợ phải trả của công ty năm 2022 giảm 31% xuống 1.880 tỷ đồng, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính giảm mạnh.

6. CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2

Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 được thành lập ngày 15 tháng 6 năm 2007 theo Nghị quyết số 01/NQ-ĐH của Đại hội đồng cổ đông với vốn điều lệ ban đầu là 2.560.000.000 đồng. Hiện tại công ty có vốn điều lệ là 2.878.760.290.000 đồng.

7 doanh nghiệp điện lực lớn nhất Việt Nam - Ảnh 6

Công ty là chủ đầu tư, quản lý và vận hành Nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2. Nhà máy sử dụng tua-bin khí chu trình hỗn hợp thế hệ F công nghệ tiên tiến với cấu hình 2-2-1, gồm 2 tua-bin khí, 2 lò thu hồi nhiệt và 1 tua-bin hơi, với tổng công suất 750 MW.

Năm 2022, Nhơn Trạch 2 đạt 9.786 tỷ đồng doanh thu thuần và 729 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 43% và 36,6% so với năm 2021. Như vậy, công ty đã vượt 8,5% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận.

7. Tổng công ty IDICO - CTCP

Tổng công ty IDICO - CTCP (Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Nam) được thành lập năm 2000 với xuất phát điểm là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay IDICO đã trở thành một Tổng công ty lớn mạnh hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với mã chứng khoán IDC.

7 doanh nghiệp điện lực lớn nhất Việt Nam - Ảnh 7

Tổng công ty IDICO - CTCP đã trải qua một năm 2022 thành công rực rỡ khi doanh thu tăng gấp đôi và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 4 lần, đều đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Kết thúc năm 2022, doanh thu thuần của IDC đạt 8.242 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 3.580 tỷ đồng, tăng 4,8 lần. Biên lợi nhuận gộp đạt 43,4%, tăng mạnh so với mức 17,1% của năm trước.

Cùng với 144 tỷ đồng doanh thu tài chính và 45 tỷ đồng lợi nhuận khác, IDC kết thúc năm 2022 với mức lãi trước thuế 3.246 tỷ đồng, tăng 4,3 lần; lợi nhuận sau thuế 2.596 tỷ đồng, tăng 4,5 lần. Đây là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất trong lịch sử của IDC.

Bảo An

Link nội dung: https://career.edu.vn/cac-cong-ty-dien-o-viet-nam-a50517.html