Ngành Điện tử - Viễn thông khá rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực bên trong. Đây là ngành đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hưng thịnh của nhiều quốc gia. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp của ngành cũng khá phong phú.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, người ra đã quen với việc sử dụng các sản phẩm của ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Tiếng anh: Electronics and Telecommunication Engineering) như TV, điện thoại, máy tính, mạch điều khiển,... Điện tử - Viễn thông là cho thấy tiềm năng trở thành một trong những ngành có thể phát triển đột phá, đặc biệt là trong giai đoạn vạn vật kết nối.
Do đặc điểm ngành rộng lớn, chia đa dạng lĩnh vực, nhiều người có thể gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu. Nội dung sau đây cung cấp một số thông tin cần thiết về ngành Điện tử - Viễn thông hiện nay, bạn đọc có thể tham khảo.
Điện tử và Viễn thông là hai ngành có mối quan hệ mật thiết, thường song hành với nhau.
Cụ thể, ngành Điện tử nghiên cứu, chế tạo các vi mạch nhằm điều khiển hoạt động của thiết bị. Trong khi đó, ngành Viễn thông có nhiệm vụ nghiên cứu, sử dụng những thiết bị điện tử để tạo nên hệ thống truyền dẫn thông tin, không chỉ trong vùng lãnh thổ mà còn hướng tới mục đích giao tiếp xuyên biên giới.
Vậy, có thể hiểu kỹ thuật điện tử viễn thông là gì? Sự kết hợp của ngành Điện tử - Viễn thông có thể hiểu đơn giản là việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm sản xuất và cải tiến các thiết bị truyền dẫn thông tin. Một số thiết bị quen thuộc sử dụng trong cuộc sống hàng ngày có thể kể đến như: Thiết bị ghi hình, ghi âm, điện thoại, máy tính, máy photocopy, máy chiếu,...
Từ lâu nay, ngành Điện tử - Viễn thông đã đóng một vai trò quan trọng đối với việc xây dựng hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu. Nhờ đó, chúng ta có thể trao đổi, truy xuất thông tin nhanh chóng, giám sát và điều khiển các thiết bị thông minh từ xa vô cùng thuận tiện.
Sự phát triển của điện thoại di động là minh chứng cho bước tiến của ngành Điện tử - Viễn thông - Ảnh: Internet
Điện tử - Viễn thông là một trong những ngành nghề thu hút nhiều sinh viên theo học và nghiên cứu.
Đối với chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực điện tử, nguyên lý truyền dẫn thông tin, cũng như có cơ hội tiếp cận gần hơn với công nghệ kỹ thuật điện tử tiên tiến, bao gồm: Mạng không dây; Mạng truyền số liệu; Kỹ thuật siêu cao tần và anten; Hệ thống phát thanh truyền hình; Công nghệ phân tích và xử lý tín hiệu, âm thanh, hình ảnh;...
Sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ những kỹ năng chuyên môn cần thiết, đi kèm theo một số kỹ năng mềm khác. Tốt nghiệp chuyên ngành, sinh viên có thể thiết kế, chế tạo, vận hành thiết bị và hệ thống điện tử viễn thông.
Thời gian đào tạo cử nhân ngành Điện tử - Viễn thông của các trường Đại học thường rơi vào khoảng 4-5 năm.
Tại sao nên lựa chọn ngành học Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông?
Trong giai đoạn bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Điện tử - Viễn thông được xem là một trong những ngành mũi nhọn, yêu cầu nhiều nhân lực.
Là một ngành không ngừng vận động, phát triển, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông yêu cầu sinh viên có sự chủ động, sáng tạo.
Kiến thức sinh viên dung nạp từ quá trình học chuyên ngành Viễn thông - Điện tử có tính ứng dụng cao, bám sát thực tiễn theo nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội và xu thế công nghệ tiên tiến.
Thông thường, sinh viên sẽ có khoảng tối thiểu 30% thời lượng học tập để thực hành, trực tiếp trải nghiệm nhằm trang bị đầy đủ kỹ năng với trang thiết bị, nâng cao năng lực thực chiến thay vì chỉ nắm được lý thuyết trên sách vở, tài liệu.
Một số kỹ năng thực hành cần thiết bao gồm:
Vận hành, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống, thiết bị điện tử - viễn thông
Tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông trong công nghiệp và đời sống
Tìm hiểu sâu, kỹ lưỡng hơn, sinh viên sẽ tiếp xúc với khối lượng kiến thức đặc thù vô cùng rộng lớn, phong phú, có thể ứng dụng vào nhiều trường hợp công việc khác nhau.
Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông không khó xin việc nếu bạn trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng - Ảnh: Internet
Ngành Viễn thông - Điện tử học trường nào?
Ở Việt Nam hiện nay, ngành Điện tử - Viễn thông là một trong những ngành yêu cầu điểm đầu vào khá cao trong những năm gần đây. Một số trường đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tốt, có chất lượng sinh viên đầu ra cao kể đến như:
Học Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông ở miền Bắc:
Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông
Đại học Điện lực Hà Nội
Học Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông ở miền Trung:
Đại học Khoa học (ĐH Huế)
Đại học Bách khoa (Đà Nẵng)
Học Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông ở miền Nam:
Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Nếu có học bổng hoặc điều kiện kinh tế, sinh viên hoàn toàn có thể lựa chọn học chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tại các quốc gia phát triển mạnh như: Mỹ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada,...
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường Đại học đào tạo sinh viên ngành Điện tử - Viễn thông tốt nhất Việt Nam - Ảnh: Internet
Tương lai ngành Điện tử - Viễn thông Việt Nam: Ra trường làm gì?
Nhiều ý kiến cho rằng: “Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông khó xin việc”. Thực tế thì sao?
Trong quá trình thực tập hoặc sau khi hoàn tất chương trình học tại nhà trường, sinh viên có khá nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp với những vị trí như sau:
Chuyên viên tư vấn, thiết kế và vận hành, điều hành kỹ thuật tại các đài phát thanh, đài truyền hình, công ty tư vấn thiết kế mạng viễn thông, công ty sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, những công ty sản xuất vi mạch, hệ thống Internet vạn vật (IoT).
Chuyên viên thiết kế, quy hoạch mạng và tối ưu mạng tại những công ty viễn thông.
Kỹ sư vô tuyến với kiến thức chuyên sâu về vận hành mạng, các mạng di động 2G/ 3G/ 4G/ 5G và cấu trúc mạng cũng như các thuật toán, tham số của tính năng mạng vô tuyến.
Kỹ sư truyền dẫn đảm nhận việc vận hành, khai thác, giám sát lắp đặt mạng truyền dẫn.
Kỹ sư thiết kế và viết phần mềm cho các thiết bị thông minh như điện thoại di động, rô bốt, xe ô tô,...
Giám đốc kỹ thuật, Trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, bưu chính viễn thông, bưu điện, công nghệ,...
Mức lương của ngành Điện tử - Viễn thông tùy thuộc vào kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và vị trí làm việc. Với những vị trí nêu trên, mức lương trung bình cụ thể như sau:
Theo kinh nghiệm
Cử nhân tốt nghiệp mới ra trường/chưa có nhiều kinh nghiệm: Từ 7.000.000 - 9.000.000 vnđ/tháng
Kỹ sư điện điện tử đã có từ 1-2 năm kinh nghiệm: Dao động 15.000.000 - 20.000.000 vnđ/tháng
Kỹ sư điện điện tử đã có nhiều năm kinh nghiệm, thành thạo ngoại ngữ: Dao động từ 25.000.000 - 30.000.000 vnđ/tháng
Theo vị trí công việc:
Kỹ sư điện điện tử có mức lương trung bình khoảng 11.500.000 vnđ/tháng và cao nhất có thể lên đến 17.500.000 vnđ/tháng.
Kỹ sư điện công nghiệp có mức trung bình khoảng 11.000.000 vnđ/tháng. Nếu năng lực tốt có thể có được mức lương 18.000.000 vnđ/tháng.
Kỹ sư điện tự động hóa trung bình là 12.000.000 vnđ/tháng. Thấp nhất khoảng 5.000.000 vnđ/tháng. Cao nhất có thể lên đến 36 triệu vnđ/tháng.
Kỹ sư điện điện tử viễn thông: có thu nhập trung bình rơi vào mức 12.000.000 vnđ/tháng. Thấp nhất có thể là 7.000.000 vnđ/tháng. Cao nhất lên đến khoảng 46.000.000 vnđ/tháng.
Ngành Điện tử - Viễn thông Việt Nam là một “mảnh đất” còn nhiều tài nguyên chưa được khai phá hết. Tuy nhiên, đây là ngành học khá khó, đòi hỏi người học cần trau dồi nhiều yếu tố về trí não, khả năng thực hành và chịu áp lực công việc.
Với bước phát triển vượt bậc của toàn ngành trên thế giới, người Việt cần có sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi liên tục để bắt kịp thời đại.
Link nội dung: https://career.edu.vn/nganh-dien-tu-vien-thong-la-gi-a51007.html