Nghệ và Curcumin: Sức khỏe, gia vị và chất bổ sung

Nghệ là một loại gia vị và thảo mộc có xuất xứ từ Đông Nam Á. Chúng có chứa nhiều chất chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp ngăn ngừa được nhiều bệnh lý như bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì hoặc viêm.

1. Tại sao mọi người nên uống nghệ?

Curcumin là một chất có trong nghệ, giúp giảm thiểu các tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Một số nghiên cứu đã cho thấy, curcumin có tác dụng làm giảm các triệu chứng của viêm xương khớpviêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như viêm và đau. Ngoài ra, các hợp chất khác trong nghệ cũng được sử dụng làm thuốc để điều trị cho một số vấn đề về sức khỏe.

Trong các thử nghiệm mới đây đã cho thấy, chất curcumin trong nghệ dường như ngăn chặn được sự phát triển của một số loại khối u. Cũng có nghiên cứu phát hiện ra rằng, chiết xuất nghệ có chứa curcumin có thể kiểm soát được bệnh ung thư đại trực tràng mà nhiều phương pháp điều trị khác không thể đạt được.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nghệ hoặc chất curcumin trong nghệ có thể giúp bạn chống lại các loại viêm đại tràng, cholesterol cao và loét dạ dày. Hơn nữa, nhiều người cũng đã sử dụng nghệ để điều trị cho chứng đau dạ dày, bệnh tiểu đường, HIV, trầm cảm, nhiễm vi rút và viêm màng bồ đào.

XEM THÊM: Ăn nghệ có tốt cho gan không?

Dưới đây là một số lợi ích khác của nghệ, bao gồm:

1.1. Tăng cường sức khỏe cho làn da

Da chính là một lớp “vỏ bọc” bảo vệ hoàn hảo cho cơ thể chúng ta khỏi sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gây hại, đồng thời điều hoà được nhiệt độ bên trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nghệ và chất curcumin trong nghệ có thể cải thiện được các vấn đề về da, chẳng hạn như bệnh chàm, mụn trứng cá mãn tính và bệnh vẩy nến. Sở dĩ, nghệ có thể thực hiện được điều này do chất curcumin trong chúng có khả năng làm giảm stress oxy hóa, tăng cường collagen và chữa lành những tổn thương ở các mô.

Chất curcumin trong nghệ giúp cải thiện tình trạng bệnh chàm

1.2. Hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Thừa cân béo phì là những yếu tố chính dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe, bao gồm tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch và đột quỵ. Những người mắc rối loạn chuyển hoá thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát hoặc giảm cân nặng. May mắn thay, chất curcumin trong nghệ được cho là rất có lợi đối với các tình trạng rối loạn chuyển hoá vì chúng có thể giúp cải thiện được quá trình trao đổi chất của cơ thể, từ đó ngăn ngừa sự tăng cân mất kiểm soát. Ngoài ra, nghệ cũng giúp cơ thể điều chỉnh được sự chuyển hóa lipid và tăng độ nhạy insulin.

1.3. Giảm thiểu các triệu chứng của dị ứng và hen suyễn

Khi hệ miễn dịch phản ứng thái quá với một chất lạ có thể gây hại cho cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng dị ứng. Vấn đề này thường có các triệu chứng khó chịu như ho, ngứa hoặc hắt hơi. Các chuyên gia khuyến cáo rằng bạn nên dùng củ nghệ vì chất chống viêm trong chúng sẽ hoạt động mạnh mẽ để chống lại các triệu chứng của dị ứng và làm giảm nguy cơ lên cơn hen.

1.4. Giúp điều chỉnh mức cholesterol

Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng việc tiêu thụ nghệ có thể giúp làm giảm cholesterol và mức chất béo trung tính trong cơ thể. Nó đặc biệt có lợi đối với những người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hoá hoặc các tình trạng mãn tính khác.

XEM THÊM: Ăn củ nghệ có thể chống lại ung thư?

2. Bạn nên tiêu thụ bao nhiêu nghệ?

Nghệ là một phương pháp điều trị bệnh chưa được chứng minh cụ thể, mặc dù nó đã được sử dụng trong nhiều năm nay. Hiện nay, không có bất kỳ liều lượng tiêu chuẩn nào được khuyến cáo về việc sử dụng nghệ. Tuy nhiên, nếu bạn đang mang thai hoặc đang sử dụng một số loại thuốc nhất định, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ trước khi bổ sung thêm nghệ hay các sản phẩm từ nghệ.

3. Sử dụng nghệ có thể mang đến những rủi ro gì?

Tuy đem lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe, nhưng việc sử dụng nghệ cũng có thể để lại một số rủi ro nhất định, cụ thể như sau:

3.1. Phản ứng phụ

Nghệ được xem là một loại thực phẩm an toan. Tuy nhiên, nó có thể gây buồn nôn và tiêu chảy nếu sử dụng ở liều lượng cao hoặc dùng trong một thời gian dài. Trong một số trường hợp, tiêu thụ nghệ cũng có thể dẫn đến nguy cơ loét.

Ngoài ra, khi sử dụng nghệ như một phương pháp điều trị tại chỗ, nó có thể gây kích ứng da. Đối với những người mắc bệnh sỏi thận nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêu thụ nghệ.

3.2. Một số rủi ro khi sử dụng nghệ

Phụ nữ mang thai không nên sử dụng các thực phẩm chức năng đến từ nghệ. Theo đó, các sản phụ nên trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khoẻ trước khi dùng chất bổ sung nghệ thường xuyên nếu bạn đang mắc phải bất kỳ bệnh lý nào, bao gồm bệnh thận, bệnh túi mật, tiểu đường, rối loạn chảy máu và các vấn đề về miễn dịch.

Do nghệ có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, bạn nên ngừng sử dụng chúng ít nhất khoảng 2 tuần trước khi thực hiện phẫu thuật.

Nữ giới trong quá trình mang thai không nên uống viên bổ sung nghệ để tránh rủi ro

3.3. Tương tác thuốc

Nếu bạn đang sử dụng thường xuyên một số loại thuốc điều trị bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng chất bổ sung nghệ. Chúng có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc giảm đau NSAID, aspirin, statin, thuốc huyết áp, thuốc tiểu đường và thuốc làm loãng máu. Ngoài ra, nghệ cũng có thể tương tác với các chất bổ sung làm giảm đông máu, chẳng hạn như nhân sâm, bạch quả và tỏi.

Nghệ là một gia vị, đồng thời cũng là một vị thuốc có công dụng chữa trị rất nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, sử dụng nghệ cũng có thể tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Vì thế để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng nghệ điều trị bệnh, bạn nên nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Link nội dung: https://career.edu.vn/nghe-la-j-a51695.html