Phương pháp mới giúp bệnh nhân ung thư phổi sống lâu hơn

Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn điều trị hiệu quả ung thư phổi giai đoạn sớm; liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch… giúp bệnh nhân giai đoạn 4 sống thêm từ 2-3 năm, thậm chí 5 năm.

Phương pháp mới giúp bệnh nhân ung thư phổi sống lâu hơn

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, trước đây ung thư phổi giai đoạn 4 có thể chỉ sống thêm khoảng 6 tháng từ thời điểm chẩn đoán, nếu hóa trị cũng kéo dài thêm từ 9-12 tháng. Nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ung thư phổi được cải thiện đáng kể. Nếu đáp ứng tốt với liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch, bệnh nhân có cơ hội sống thêm từ 2-3 năm, thậm chí 5 năm.

Như trường hợp ông Hoàng Thiện (61 tuổi, TP. Thủ Đức) ho nhiều, thỉnh thoảng ho ra máu, kèm triệu chứng đau đầu, mờ hai mắt, yếu nửa người. Khám tại Bệnh viện Tâm Anh tháng 10/2022, ông được chẩn đoán ung thư phổi di căn não. Khối u to đã di căn xa nên không thể phẫu thuật triệt để. Phác đồ điều trị cho ông Thiện gồm xạ trị não, sau đó hóa trị kết hợp liệu pháp miễn dịch.

Ông Thiện được chăm sóc dinh dưỡng nâng cao tổng trạng trước khi bước vào liệu trình điều trị. Trong suốt các đợt truyền thuốc, bác sĩ kết hợp chăm sóc giảm nhẹ giúp ông giảm các triệu chứng đau đớn, khó thở, buồn nôn cũng như xoa dịu tâm lý nhằm giảm lo lắng và trầm cảm… Nhờ đó, quá trình điều trị diễn ra thuận lợi như dự kiến. Sau khi xạ trị não, ông đáp ứng tốt với hóa trị kết hợp miễn dịch, tình trạng bệnh của ông cải thiện đáng kể.

Sau gần một năm điều trị, tái khám giữa tháng 12/2023, sức khỏe ông ổn định, hết đau đầu, không còn ho ra máu, tiên lượng tốt. Ông tiếp tục được hóa trị kết hợp liệu trình miễn dịch để duy trì hiệu quả và ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Bác sĩ Nghi giải thích, liệu pháp miễn dịch có thể được hiểu đơn giản là phương pháp kích thích và hoạt hóa hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp hệ miễn dịch nhận biết, phát hiện, truy tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch kết hợp với các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, được đánh giá cho hiệu quả điều trị vượt trội, giúp cải thiện khả năng sống còn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để “nhắm mục tiêu” vào những thay đổi, đột biến gen của các tế bào ung thư, tấn công chúng mà không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh. Điều này khác với phương thức hóa trị truyền thống tiêu diệt cả tế bào ung thư lẫn tế bào bình thường. Liệu pháp nhắm trúng đích thường được chỉ định điều trị ban đầu, kết hợp với các phương pháp khác nhằm tối ưu hiệu quả điều trị ung thư phổi. Tuy nhiên, chỉ những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm đột biến gen phù hợp mới có thể điều trị bằng phương pháp này.

Liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích mở ra cơ hội điều trị hiệu quả, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư phổi dù phát hiện giai đoạn muộn
Liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích mở ra cơ hội điều trị hiệu quả, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư phổi dù phát hiện giai đoạn muộn

“Không còn là bản án tử tính bằng tháng, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư phổi được cải thiện rõ rệt nhờ những kỹ thuật tầm soát và điều trị tiên tiến”, bác sĩ Nghi chia sẻ.

Theo bác sĩ Nghi, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị phù hợp, tỷ lệ sống khỏe mạnh sau 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi đến 92%. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn do bệnh ít hoặc không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe.

Bà Thu An (62 tuổi, ngụ Q.3 TP HCM) là một trong những bệnh nhân may mắn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Tâm Anh. Bà sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục đều đặn và không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như ho, khó thở, đau ngực… Kết quả chụp X-quang ngực tình cờ phát hiện một nốt đặc ở thùy dưới phổi phải. Chụp CT phổi 768 lát cắt thấy rõ u có kích thước gần 3cm.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch cho biết, khối u chỉ giới hạn trong một thùy phổi, chưa thấy bất thường khác ngoài tổn thương này. Tuy nhiên, vẫn chưa thể phân biệt được đây là u lành hay ác tính. Sau khi hội chẩn cùng các bác sĩ Ung bướu, ê kip quyết định phẫu thuật nội soi lồng ngực ít xâm lấn cắt lạnh phần u phổi sinh thiết ngay trong cuộc mổ để đánh giá bản chất khối u và xử lý phù hợp.

Hình ảnh khối u ở thùy dưới phổi phải trên phim chụp CT 768 lát cắt
Hình ảnh khối u ở thùy dưới phổi phải trên phim chụp CT 768 lát cắt

Sau khi bác sĩ mở 2 đường mổ nhỏ khoảng 1 cm, và một đường mổ 3 - 5 cm tạo phẫu trường, camera và các dụng cụ được đưa vào lồng ngực để tiến hành cắt khối u. Với camera độ phân giải 4K cùng các dụng cụ phẫu thuật nội soi lồng ngực chuyên dụng, khối u được lấy ra dễ dàng. Kết quả sinh thiết lạnh trong mổ là u ác tính nên ê kíp tiến hành cắt một thùy phổi chứa u và nạo vét hạch trung thất để đánh giá giai đoạn bệnh.

Sau phẫu thuật, bà An hồi phục tốt và xuất viện sau 5 ngày. Kết quả sinh thiết xác định u phổi ác tính, chưa di căn hạch (giai đoạn IIa). Bà tiếp tục được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch để phòng ngừa ung thư tái phát. Hiện sức khỏe bà tiến triển tốt, không có triệu chứng bất thường nào khác.

Bác sĩ Dũng cùng ê kíp phẫu thuật nội soi cắt u phổi cho bệnh nhân
Bác sĩ Dũng cùng ê kíp phẫu thuật nội soi cắt u phổi cho bệnh nhân

Bác sĩ Nghi nhấn mạnh, khi có dấu hiệu như đau ngực, ho, khó thở kéo dài, người bệnh mới đi khám, lúc này, bệnh có thể đã tiến đến giai đoạn xa nên khả năng điều trị khỏi rất hạn chế. Phương pháp hiệu quả nhất giúp sàng lọc ung thư phổi ở giai đoạn sớm là chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp (LDCT). Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT) hai đầu bóng cao cấp nhất hiện nay, có khả năng tái tạo lên đến 768 lát cắt, giúp phát hiện những nốt phổi rất nhỏ chỉ 2-3 milimet mà máy chụp CT thông thường khó phát hiện, từ đó xử trí kịp thời.

Hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT) 768 lát cắt giúp phát hiện u phổi chỉ vài milimet
Hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT) 768 lát cắt giúp phát hiện u phổi chỉ vài milimet

Theo thống kê từ GLOBOCAN 2020, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai ở cả hai giới, chỉ sau ung thư gan ở nam và ung thư vú ở nữ. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng hơn 26.000 trường hợp mắc mới và khoảng 23.700 người tử vong do căn bệnh này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo, tầm soát ung thư phổi định kỳ 6 - 12 tháng/lần ở những đối tượng nguy cơ cao như: người 50 - 80 tuổi, có tiền sử hút thuốc từ 1 gói/ngày trong 20 năm hoặc 2 gói/ngày trong 10 năm, đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm qua, tiền sử gia đình ung thư phổi… nhằm phát hiện sớm bệnh, tăng tỷ lệ điều trị khỏi, và cải thiện chất lượng cuộc sống sau điều trị.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Link nội dung: https://career.edu.vn/cach-dieu-tri-ung-thu-phoi-a5581.html