Ai không nên ăn tỏi?

Theo thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam, Bệnh viện K, tỏi rất giàu chất dinh dưỡng và là vị thuốc từ thiên nhiên. Ăn tỏi đúng cách giúp nam giới phòng ngừa bệnh tim mạch, giảm cân. Dù là gia vị tốt nhưng ăn tỏi nhiều quá lại gây tác dụng ngược, đặc biệt, một số người sức khoẻ đang gặp vấn đề cũng không nên ăn tỏi.

Ai không nên ăn tỏi?

Một số người không nên ăn tỏi như người chuẩn bị làm phẫu thuật, sử dụng thuốc chống đông. Lý do, tỏi làm loãng máu, ngăn hình thành huyết khối, ức chế ngưng tập tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy, mất máu.

Tỏi chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh, có thể gây hội miệng, đặc biệt là khi ăn với lượng lớn, nhất là ăn sống. Những người đầy hơi, đau dạ dày, bệnh đường tiêu hoá thì nên thận trọng khi sử dụng tỏi.

Người bị trào ngược dạ dày thực quản lưu ý khi ăn tỏi vì có thể làm giảm trương lực của cơ thắt dưới thực quản, cơ giúp cho việc tránh để thức ăn ở trong dạ dày khi co bóp, bị đẩy ngược lên thực quản. Khi cơ này yếu, đầu trên dạ dày đóng không kín, dẫn tới tình trạng trào ngược thức ăn và acid lên trên thực quản, gây cảm giác bỏng rát, ợ nóng, buồn nôn.

Tỏi có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. (Ảnh minh hoạ)

Tỏi có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. (Ảnh minh hoạ)

Những lợi ích của tỏi với sức khỏe

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỏi giúp giảm cân, giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, hạ triglycerid. Tỏi còn phòng ngừa bệnh tim mạch. Theo các nghiên cứu, tỏi có thể giảm 38% nguy cơ mắc bệnh tim, giảm hơn 50% đau tim và đột quỵ.

Tỏi còn có tác dụng giảm huyết áp do giảm độ nhớt của máu. Lưu huỳnh trong tỏi có tác dụng giãn cơ, giãn mạch máu, từ đó dẫn tới giảm huyết áp. Với người bệnh tiểu đường ăn vài tép tỏi có thể giúp hạ đường huyết tự nhiên.

Ngăn ngừa ung thư

Tỏi làm giảm nguy cơ mắc ung thư đường ruột. Thành phần của củ tỏi ức chế quá trình nitrat biến thành nitrite, ngăn cản sự hình thành nitrosamine, giúp phòng ngừa ung thư dạ dày.

Vì có chức năng thải độc nên tỏi còn có thể ngăn cản sự xâm hại của độc tố, kim loại nặng, chất gây ung thư đối với cơ thể. Các chất Germanium và selen trong tỏi giúp chống đột biến tế bào, ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do, hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả.

Với người bệnh ung thư, tỏi có tác dụng làm chậm tăng trưởng của khối u, giảm kích thước khối u. Vì vậy, tỏi hỗ trợ và kiểm soát nhiều bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư bàng quang.

Tỏi phòng cúm

Trong củ tỏi có chất sulfur giúp kháng khuẩn, tiêu viêm cực mạnh. Sử dụng tỏi hằng ngày giúp dự phòng cảm cúm và các bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Việc ăn tỏi sống mỗi ngày giúp giảm 63% nguy cơ bị cảm cúm, giúp rút ngắn 70% thời gian bị cảm, phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
 


Tốt cho xương khớp

Các chất trong tỏi như vitamin C, vitamin B6, mangan, kẽm cùng các chất chống oxy hóa và enzyme, tác dụng tốt trong việc ngăn chặn thoái hóa xương, nâng cao khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, giúp xương chắc khỏe hơn.

Với phụ nữ, việc ăn tỏi giúp làm chậm quá trình loãng xương bằng cách tăng cường nội tiết tố estrogen. Đối với những người mắc bệnh về xương khớp, tỏi có tác dụng giảm triệu chứng đau nhức rõ rệt.

Ngoài ra, tỏi còn có thể giúp phòng chống bệnh suy giảm trí nhớ, bệnh Alzeimer. Với phụ nữ, tỏi cũng giúp họ có làn da đẹp.

Link nội dung: https://career.edu.vn/doc-bao-thuoc-va-suc-khoe-a55981.html