Người dịch ‘Hịch tướng sĩ’ của Trần Hưng Đạo ra thơ

Lai lịch của bài "Hịch tướng sĩ"

Như chúng ta đã biết, bài "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo ra đời vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai. Theo những tài liệu lịch sử, tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng: "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?", Hưng Đạo Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!".

Vua Trần Nhân Tông nghe thế yên lòng. Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân, và thảo bài "Dụ chư tỳ tướng hịch văn" (thường gọi là "Hịch tướng sĩ") để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách "Binh thư yếu lược", chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư.

Xin trích một đoạn trong bài "Hịch tướng sĩ" đã được dịch: "Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước….

Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; Chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm....".

Những dòng chữ hừng hực khí thế, chứa chan tâm huyết và tình cảm của bài hịch đã khích lệ, làm bừng lên hào khí của dân tộc ta, góp phần vào những chiến công chống quân Nguyên Mông. Người đời sau, trong đó có các sử gia, nhà văn, đánh giá cao giá trị và ý nghĩa, tác dụng to lớn bài hịch này. Một trong số đó là ý kiến của nhà văn Ngô Tất Tố và sử gia Trần Trọng Kim. Nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng: "Bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn cho thấy, tuy Hưng Đạo Vương là võ tướng, nhưng ông có tài học, có đọc nhiều sách và thông hiểu nhiều điển tích cổ kim". Còn trong cuốn "Việt Nam sử lược", sử gia Trần Trọng Kim đánh giá: "Binh sĩ nghe lời hịch nức lòng, lấy mực xăm vào tay hai chữ "Sát Thát" (nghĩa giết quân Mông Cổ), và hết lòng chiến đấu chống giặc".

Đến bản dịch "Hịch tướng sĩ" ra thơ

Ngưỡng mộ Trần Hưng Đạo, yêu mến bài "Hịch tướng sĩ", nhà thơ Phạm Thiên Thư đã dày công dịch bài hịch ra thành một bài thơ dài theo thể thơ lục bát, đậm hồn dân tộc Việt Nam. Bản dịch bài hịch đó nằm trong tác phẩm "Hát ru Việt sử thi" của nhà thơ Phạm Thiên Thư do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành và được tái bản vào năm 2012. "Hát ru Việt sử thi" là tác phẩm viết bằng thơ lục bát được nhà thơ Phạm Thiên Thư viết trong nhiều năm, kể lại những giai đoạn lịch sử quan trọng của nước ta từ thời huyền tích Lạc Long Quân - Âu Cơ đến thời nhà Tây Sơn. Bài thơ dịch bài "Hịch tướng sĩ" nằm trong giai đoạn về nhà Trần của tác phẩm trên.

Bìa tác phẩm "Hát ru Việt sử thi" của Phạm Thiên Thư.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư thổ lộ về nguyên nhân ông chọn viết theo thể lục bát ''vì nó mang đậm hồn dân tộc, dễ viết và truyền cảm hơn các thể loại khác. Đồng thời tôi chọn thể thơ lục bát để biên soạn lại những giai đoạn thiết yếu trong lịch sử dân tộc và thể hiện dưới hình thức hát ru với hy vọng thông qua những bài hát ru này mà các em có thể hiểu biết về lịch sử cha ông mà có tinh thần yêu nước. Nằm trong dự định đó, tôi thấy bài "Hịch tướng sĩ "rất hay nên nảy sinh dịch nó ra thơ lục bát và đưa vào trong tác phẩm "Hát ru Việt sử thi". Xin trích một đoạn trong bài thơ này: "Truyện xưa nay vẫn truyền đời/ Kỷ Tín nguyện chết bỏ đời thay vua/ Do Vu đỡ ngọn giáo đưa/ Nuốt than Dự Nhượng lòng chưa nguôi thù/ Vì cứu nạn nước cho dù/ Chặt tay Thân Khoái - thiên thu sử hồng…. Huống chi ta với các ngươi/ Làm trai Lạc Việt gặp thời nhiễu nhương/ Nhìn Ngụy sứ diễu ngoài đường/ Cậy Hốt Tất Liệt mà giương oai diều… Ta đây quên ngủ quên ăn/ Lòng đau rơi lệ chéo khăn đầm đìa/ Căm chưa diệt hết giặc kia/ Dầu cho phơi xác cận kề cỏ xanh/ Bọc thây da ngựa cũng đành/ Theo ta ngươi giữ quyền hành đã lâu/ Đói no, sống chết bên nhau/ Khác chi nhân vật sử Tầu, Tống, Nguyên…".

Với những ai đã từng đọc bài "Hịch tướng sĩ" khi đọc sang bài thơ này của nhà thơ Phạm Thiên Thư sẽ thấy ông dịch rất sát với nguyên tác, lại được thể hiện dưới dạng thơ lục bát truyền cảm, dễ nhớ, quả là một đóng góp ý nghĩa và thú vị của thi sĩ họ Phạm cho nền văn học nước nhà. Ngoài việc dịch "Hịch tướng sĩ", nhà thơ Phạm Thiên Thư còn thi hóa các pho kinh Phật và soạn ra Từ điển cười (tên gọi khác là "Tiếu liệu pháp").

Cho đến nay, chưa có căn cứ để xác định ai là người đầu tiên dịch bài "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ. Các tài liệu cho thấy người dịch sớm nhất có lẽ là học giả Nguyễn Đổng Chi, dịch và công bố bản dịch bài hịch này năm 1941 trong tác phẩm "Việt Nam cổ văn học sử". Sau đó là bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố trong tác phẩm "Việt Nam Văn học: Văn học đời Trần" do NXB Đại Nam ở Sài Gòn ấn hành năm 1960. Kế đó là bản dịch của học giả Trần Trọng Kim trong tác phẩm "Việt Nam Sử lược" tập 1, Trần Trọng Kim, NXB Đại Nam, xuất bản năm 1964 tại Sài Gòn.

Vài nét về nhà thơ Phạm Thiên Thư

Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh năm 1940 tại Lạc Viên, Hải Phòng trong một gia đình Đông y. Năm 1943-1951, ông sống ở trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương. Năm 1954 ông vào Sài Gòn và định cư ở đó cho đến nay. Năm 1973, ông đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm "Hậu truyện Kiều- Đoạn trường vô thanh" do Á Nam Trần Tuấn Khải tổ chức thi và trao giải. Từ đó, nảy sinh mối nhân duyên giữa ông với con gái của cụ Trần Tuấn Khải, người con gái này sau là vợ đầu của Phạm Thiên Thư.

Có 10 năm đi tu rồi hoàn tục, nên ông có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật. Ông được coi là "người thi hóa kinh Phật" (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý mà ông đã tin theo. Nhiều thơ của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, và trở nên phổ biến trong công chúng, nổi tiếng nhất là bài "Ngày xưa Hoàng thị", "Đưa em tìm động hoa vàng".

Link nội dung: https://career.edu.vn/ai-la-tac-gia-cua-hich-tuong-si-a57616.html