Lính Đứclúc đầusợbịbắtlàmtù binh
Trong thời gian đầu của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), lính Đức Quốc xã sợ bị bắt làm tù binh còn hơn tử trận. Họ sợ hãi trước những câu chuyện do chính các đồng đội của họ kể về “sự tàn bạo” của binh lính Xô viết. Ngoài ra, những tờ truyền đơn do Liên Xô phát tán trên thực tế không ảnh hưởng đến tinh thần của quân Đức.
Trung úy quân đội Đức Quốc xã Evert Gottfried kể lại rằng, vào đầu mùa thu năm 1941, ông tình cờ nhìn thấy trong lùm cây có một tờ tuyền đơn của Liên Xô, một mặt trên đó có in hình của nhà lãnh đạo Joseph Stalin cùng với người lính Đức, còn mặt bên kia là bài thơ đầy cảm xúc. Ngoài ra, trên truyền đơn còn có hướng dẫn cách để lính Đức đào tẩu sang phía Liên Xô.
Sau những thất bại đau đớn của quân Đức vào cuối năm 1942 đến giữa năm 1943, tình hình chiến trận đã thay đổi căn bản. Những binh sĩ Đức suýt bị treo cổ do từ chối chiến đấu chống Liên Xô đã bắt đầu muốn buông súng đầu hàng hơn. Càng ngày, họ càng bị thuyết phục bởi những tờ truyền đơn, trong đó Ban lãnh đạo Liên Xô hứa sẽ đối xử tử tế với điều kiện giam giữ tốt cho những ai tự nguyện hạ vũ khí.
Thay đổi nội dung tuyên truyền
Ban Tuyên truyền quân chính Liên Xô được thành lập vào ngày 26-6-1941. Nhiệm vụ đầu tiên của Ban này là lật tẩy câu chuyện bịa đặt cho rằng, Liên Xô là mối đe dọa đối với nhân dân Đức, đồng thời thay đổi quan điểm của binh lính Đức về việc cần phải chiếm lấy “không gian sống ở phía Đông”. Nhiệm vụ tiếp theo là thông tin đến binh sĩ Đức Quốc xã rằng, cuộc chiến chống lại Nhà nước Xô viết trong bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ gặp thất bại.
Những tờ truyền đơn đầu tiên mang một sắc thái chung, đó là: “Kẻ thù chính của người dân Đức chính là Hitler, kẻ đã khai mào cuộc thảm sát đẫm máu này”. Những người lính Đức khi đó vẫn chưa bị thuyết phục đầu hàng, họ được kêu gọi quay vũ khí chống lại nhà độc tài của đất nước mình, đồng thời chuyển sang ủng hộ phía Hồng quân. Tuy nhiên, Liên Xô đã nhanh chóng nhận ra rằng, cách tuyên truyền đó không phù hợp với bối cảnh tâm trạng của binh lính Đức Quốc xã vào thời điểm đó.
Tù binh Đức Quốc xã trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Ảnh: waralbumCuối năm 1941, nội dung tuyên truyền của Liên Xô đã thay đổi, bắt đầu trở nên cảm xúc và dứt khoát hơn. “Hãy lựa chọn cuộc sống tù binh hoặc chết trong vòng vây”, nội dung một tờ truyền đơn viết. Đồng thời ghi rõ rằng, mỗi binh sĩ Đức đầu hàng sẽ được cấp chỗ ở ấm áp, thực phẩm dồi dào và có thể trao đổi thư từ với người thân.
Tiếp đó, truyền đơn nhấn mạnh hơn vào giá trị gia đình. Toàn bộ loạt tờ truyền đơn mang sắc thái tình cảm được in trên giấy màu hồng, trong đó người Đức được kêu gọi nghĩ đến sự thật rằng, gia đình cần anh ta còn sống trở về. Trên truyền đơn ghi dòng chữ “Vater ist tod” (Bố đã tử trận) với hình ảnh một đứa trẻ Đức đang khóc gào. Theo quan sát của quân đội Liên Xô, khẩu hiệu này thường khiến cho binh lính Đức đưa ra một quyết định rất khó khăn.
Những tờ truyền đơn cảnh báo cho thấy nhiều câu chuyện thực tế đã có tác dụng rất tốt. Một tờ trong đó có kể về 4 người lính của Áo “mặc chiếc áo chẽn và đôi ủng rách” suýt nữa chết cóng, và chỉ có quyết định đầu hàng quân đội Liên Xô thì mới giữ được mạng sống của mình. Nhiều người đã thay đổi suy nghĩ bởi một tờ truyền đơn với lời hứa rằng, đích thân đồng chí Stalin sẽ đảm bảo quyền bất khả xâm phạm cho tất cả những ai đầu hàng.
Quy chế đặc biệt về tù binh
Ngày 1-7-1941, Hội đồng Dân ủy Liên Xô ban hành “Quy chế đặc biệt về tù binh”. Những điểm trong quy chế này không thể không khơi dậy niềm tin trong số những binh lính và sĩ quan quyết định đầu hàng. Quy chế tuyệt đối nghiêm cấm việc đối xử tàn bạo và thậm chí xúc phạm tù binh, ép buộc họ làm điều gì đó hoặc đe dọa họ, sử dụng tù binh như người hầu, lấy đi đồ đạc cá nhân, phù hiệu và các phần thưởng của họ.
Theo Quy chế, ban quản lý trại giam có nghĩa vụ đảm bảo cho tù binh chỗ ở, quần áo, đồ dùng thiết yếu, trong một số trường hợp còn được trợ cấp bằng tiền. Tù binh có quyền được chăm sóc sức khỏe cùng với binh sĩ Hồng quân Liên Xô.
Ngoài ra, các tù binh Đức còn có thể được nhận bưu kiện từ Đức hoặc những nước khác. Khi đi làm việc, cấp binh sĩ có thể sử dụng hệ thống bảo hộ lao động hiện hành tại Liên Xô, trong khi các sĩ quan chỉ có thể tham gia công việc nếu họ tự nguyện đồng ý.
Bên cạnh đó, còn có quy định truyền miệng rằng, trước khi đầu hàng, binh lính Đức được hứa có thể hút thuốc lá, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi đầy đủ, tăng tiêu chuẩn dinh dưỡng, và nếu cần, sẽ được chăm sóc y tế đầy đủ theo tiêu chuẩn. Được biết, trong một số trường hợp, người Đức thậm chí còn được phép làm nghề cắt tóc và phục vụ không chỉ tù nhân, mà cả binh sĩ Liên Xô.
Lĩnh vực việc làm dành cho tù binh Đức là nhiều nhất, bao gồm xây dựng, khai thác gỗ, bốc vác, hầm mỏ và nông nghiệp. Một người nào đó nếu may mắn thì được làm việc trong những điều kiện thoải mái hơn, chẳng hạn như công việc đóng sách. Người Đức cho rằng, thái độ của người dân địa phương đối với họ không phải lúc nào cũng tiêu cực. Một tù binh kể lại cách một phụ nữ Nga đến gần anh ta tại lễ Phục sinh, trao cho anh ta một gói bánh mì, trứng và thịt.
Ân xá và trả tự do
Thêm một công cụ nữa để khuyến khích người Đức đầu hàng là thông qua Ủy ban Quốc gia “Nước Đức tự do”. Đây là trung tâm chính trị của những người chống phát xít Đức, được thành lập ngày 12-7-1943 tại Liên Xô theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Đức. Bên cạnh những người chống phát xít, Ủy ban này còn có các thành viên là những sĩ quan Đức bị bắt làm tù binh tại Stalingrad. Người được bầu làm Chủ tịch Ủy ban là nhà thơ nhập cư người Đức Erich Weinert.
“Ủy ban “Nước Đức tự do” ngay lập tức xác định mục tiêu của mình. Thứ nhất, đó là ân xá cho tất cả những người từng ủng hộ Hitler, những người sẵn sàng chứng minh được họ đã từ chối Học thuyết Quốc xã. Thứ hai, trao cho những cựu binh lính Đức Quốc xã quyền tự do hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có thương mại và nghề thủ công. Họ được hứa sẽ được bảo vệ những tài sản có được một cách hợp pháp, cũng như trả lại tài sản mà Chính phủ Đức Quốc xã đã tịch thu.
Nhằm tăng cường cho hoạt động của Ủy ban “Nước Đức tự do”, tháng 12-1943, tại Liên Xô đã thành lập “Hội sĩ quan Đức” do Tướng pháo binh Walter von Seydlitz-Kurzbach đứng đầu. Mục đích chính của Hội là tuyên truyền chống phát xít trong các đơn vị hiện có của quân đội Đức, cơ quan ngôn luận chính thức của Ủy ban này là Tuần báo và Đài phát thanh “Freies Deutschland”.
Sau khi chiến tranh kết thúc, tất cả các thành viên của Ủy ban “Nước Đức tự do” và hội viên Hội sĩ quan Đức đều trở về quê hương mình. Họ là những người đầu tiên góp phần quan trọng vào việc thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức), sau đó tham gia vào việc tổ chức Quân đội Nhân dân Quốc gia của nước cộng hòa này.
QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)
Link nội dung: https://career.edu.vn/lien-xo-da-co-thai-do-nhu-the-nao-voi-cac-nuoc-phat-xit-a57828.html