ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

(ĐCSVN) - Cùng với tà áo dài của người Kinh thì những bộ y phục phối màu sặc sỡ của người Mông Hoa, hay những gam màu nguyên bản có sự tương phản tạo nét duyên dáng của người Thái Trắng; trang phục thể hiện sự phóng khoáng mạnh mẽ của người Ba Na, hay sự kín đáo của người Chăm Islam… đã cùng hòa quyện tạo nên nét đẹp, bản sắc trong văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG LÀ MỘT THÀNH TỐ VĂN HOÁ

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, ngoài 85,4% người Kinh thì 53 dân tộc thiểu số (DTTS) còn lại chiếm 14,6% dân số cả nước với những bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó không thể thiếu một thành tố văn hóa quan trọng, dễ nhận biết, đó là bộ trang phục truyền thống. Cùng với tiếng nói, chữ viết, lễ hội văn hóa, phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống, thì trang phục là phương tiện cấu thành, là dấu hiệu nhận diện và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét nhất. Trang phục truyền thống có vai trò như chỉ dấu văn hóa riêng cho mỗi dân tộc, tạo nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc cho các tộc người Việt Nam.

Trang phục truyền thống là cốt cách, linh hồn của từng dân tộc, là nét đặc trưng riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống của các dân tộc không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, là thông điệp của quá khứ để lại cho hiện tại và mai sau.

Người phụ nữ Mông, Dao với bộ y phục phối màu sặc sỡ kết hợp với các hình thức trang trí kim loại nhằm tạo hiệu quả màu sắc và âm thanh. Trang phục người Thái, Mường với những gam màu nguyên bản, có sự tương phản giữa màu váy và áo. Trang phục người Tày, Nùng với gam màu chàm thể hiện sự kín đáo, dịu dàng của người phụ nữ. Người Lô Lô với trang phục rực rỡ, được làm thủ công rất cầu kỳ, công phu... Thông qua trang phục truyền thống, các DTTS không chỉ thể hiện được “gu” thẩm mỹ mà còn phản ánh được tín ngưỡng, tôn giáo, nhân sinh quan, thế giới quan, thậm chí là cả cội nguồn hình thành, phát triển của dân tộc mình. Có thể nói, mỗi trang phục là một tác phẩm tổng hòa các yếu tố tạo hình, kỹ thuật thủ công, màu sắc và tri thức dân gian, chứa đựng nhiều câu chuyện về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, là biểu đạt, kết tinh tinh hoa văn hóa tộc người.

Trang phục truyền thống các DTTS cũng sớm hình thành bao gồm trang phục dành cho cuộc sống lao động bình thường, trang phục trong ngày lễ hội, trong các sự kiện quan trọng của đời người như cưới hỏi, tang ma; trang phục dành cho thầy cúng, thầy mo khi họ thực hành các nghi lễ giao tiếp với các lực lượng siêu nhiên; trang phục dành cho phụ nữ, đàn ông, người già, trẻ em... Nhiều dân tộc đã quy định khá rõ về mặc trang phục phù hợp với vị trí xã hội, lứa tuổi, giới tính, hoàn cảnh cụ thể khi giao tiếp, ứng xử; trong đó có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, trang phục mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau, các nhóm dân tộc khác nhau cũng có sự khác nhau.

Chính vì sự phong phú, đa dạng, giàu sắc thái biểu cảm đó nên trang phục là một trong những giá trị tiêu biểu góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các DTTS nước ta đã tạo dựng được bản sắc văn hóa riêng qua trang phục.

TRANG PHỤC DÂN TỘC - SẢN PHẨM KINH TẾ DU LỊCH TIỀM NĂNG

Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số không chỉ dừng lại ở việc mặc sao cho ấm, cho đẹp, mà thực tế đã trở thành vật phẩm vừa có giá trị di sản để lưu giữ, bảo tồn, trao truyền, vừa có giá trị kinh tế rất cao. Đã xuất hiện rất nhiều làng nghề truyền thống sản xuất trang phục dân tộc, gắn với phát triển du lịch vừa có tính quảng bá, vừa có tính kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS ở địa phương.

Dễ dàng nhận thấy, khách du lịch hoặc những người bên ngoài nhóm dân tộc thường có cảm hứng, thậm chí trầm trồ, thán phục trước kỹ thuật dệt vải, kỹ năng thêu thùa điêu luyện, hoạ tiết, hoa văn trang trí tinh xảo, đặc trưng trên trang phục hoặc các sản phẩm thủ công của người bản địa. Họ hào hứng khi được trải nghiệm các công đoạn thủ công như dệt, nhuộm, thêu thùa, vẽ sáp ong… tạo nên những sản phẩm mộc mạc như khăn đội đầu, dây lưng, túi.

Nhiều du khách, trong đó có nhiều bạn trẻ, khi đến các điểm du lịch vùng đồng bào DTTS sinh sống, thường có nhu cầu mặc trang phục dân tộc của người dân địa phương để chụp ảnh làm kỉ niệm. Đây là nhu cầu chính đáng, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc tại điểm đến, đặc biệt, giúp địa phương quảng bá hình ảnh du lịch.

Với nhu cầu thực tế đó, nhiều điểm du lịch, nhiều địa phương đã nở rộ dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc, mang lại nguồn thu lớn. Đơn cử như tại bản Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai), những ngày cuối tuần có tới hàng nghìn lượt khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, đa số du khách, nhất là giới trẻ đều có nhu cầu thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh.

Nếu tính sơ sơ, mỗi bộ trang phục nam, thường có giá thuê dao động từ 50 - 100 nghìn đồng/bộ, bộ nữ dao động từ 100 - 150 nghìn đồng/bộ thì thấy rằng, nguồn lợi từ dịch vụ cho thuê trang phục là rất lớn.

Thời gian qua, hầu khắp các điểm du lịch ở Việt Nam đều có dịch vụ cho thuê đồ truyền thống các dân tộc, như tại Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Hà Giang… Và ngay cả Thủ đô Hà Nội, dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc cũng rất sôi nổi.

Có thể thấy rằng, dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc mang lại nhiều lợi ích và đầy triển vọng. Với du khách, được trải nghiệm về văn hóa, trang phục các dân tộc tại điểm đến và có những bức ảnh lưu niệm đẹp. Với người dân thì có một khoản lợi nhuận lớn, đặc biệt là quảng bá và lan tỏa hình ảnh du lịch cho địa phương…

Vì thế, giờ đây, việc gìn giữ, bảo tồn trang phục dân tộc không chỉ là việc giữ lại kho báu văn hóa độc đáo của dân tộc mà còn là phát huy giá trị kinh tế của nó, biến nó từ di sản trở thành tài sản, tạo ra giá trị của cải, vật chất cho đồng bào.

BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC LÀ YÊU CẦU CẤP THIẾT

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới. Đồng bào DTTS được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, đồng bào các DTTS ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ. Trang phục các dân tộc đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng, nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống.

Trong sự mai một trang phục truyền thống của các dân tộc còn có tình trạng các trang phục được sản xuất công nghiệp dẫn tới thay đổi về họa tiết, hoa văn, đường nét. Những trang phục ấy chỉ hao hao, giông giống mà không còn đúng bản sắc, hồn cốt của nó. Một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS lại sử dụng loại trang phục truyền thống là hàng nhái, hàng giả được may sẵn bán trên thị trường. Điều này thường xảy ra với những tộc người sống ở địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao.

Nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, ngày hội, ngày tết, khiến trang phục truyền thống gần như trở thành một thứ lễ phục, không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt bình thường; nhiều y phục không còn nguyên gốc, thậm chí đã biến mất khỏi cộng đồng đối với những nhóm dân tộc ít người. Có nơi, thanh niên DTTS còn e ngại, thiếu tự tin khi mặc trang phục của mình trước đám đông đặc biệt là những thanh niên học tập ở các đô thị.

Vì thế, việc bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống nói chung, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS nói riêng, làm thế nào để các DTTS - chủ thể văn hóa, thế hệ trẻ có ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa đặc trưng riêng của mình để bảo tồn, gìn giữ và phát huy, để văn hóa của các DTTS hòa nhập, phù hợp văn hóa của nhân loại nhưng không thể bị hòa tan... là vấn đề đã và đang đặt ra với nhiều thách thức.

Không phải đến bây giờ câu chuyện bảo tồn và phát huy trang phục DTTS mới được đề cập, mà lâu nay nó luôn là vấn đề khiến những người làm công tác văn hóa cùng các cấp, ngành và cả xã hội phải quan tâm. Bởi tất cả chúng ta đều hiểu rõ một điều, trang phục không chỉ đơn thuần là chuyện “mặc”.

Xu hướng trang phục truyền thống dần biến mất khỏi cộng đồng đồng bào DTTS là thực trạng khách quan phản ánh tính tất yếu của đời sống văn hóa xã hội, trước mắt là đối với trang phục của nhóm DTTS có dân số ít, dưới 10.000 người. Trang phục truyền thống được sản xuất thủ công càng hiếm, nguyên nhân là do người dân quan niệm mặc gì cũng được, trong khi trang phục truyền thống vốn rất tốn công, tốn của để làm ra, lại vướng víu, không phù hợp với đời sống sinh hoạt hiện đại…

Hiện nay, nhiều dân tộc chỉ còn lại số ít người cao tuổi biết trang phục gốc của dân tộc mình. Những trang phục lễ hội, trang phục cưới hỏi, trang phục lao động sản xuất truyền thống của dân tộc mình có khi chỉ còn trong trí nhớ của một số nghệ nhân, già làng, trưởng bản mà thôi.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống DTTS vô cùng quan trọng và trở nên cấp bách trong giai đoạn hiện nay nếu không muốn những nét văn hóa trang phục truyền thống độc đáo, đa sắc màu, đậm đà bản sắc của cộng đồng 53 DTTS mất đi, cùng với đó, việc bảo tồn và phát triển nền tảng gốc của trang phục sẽ không thể thực hiện được.

Tại hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, được tổ chức ngày 19/11/2022, trong dịp Tuần lễ Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam, vấn đề này một lần nữa lại được đặt lên bàn của các nhà quản lý, nghiên cứu, thiết kế thời trang và cả người sử dụng. Một trong số những giải pháp đáng chú ý là việc cần khôi phục và nâng cao các lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; chú trọng xây dựng môi trường, bảo tồn không gian văn hóa để có điều kiện cho trang phục gìn giữ và phát huy vẻ đẹp truyền thống đặc sắc của mình. Gần đây, một số lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ít người có nguy cơ bị thất truyền, dần mai một làm suy giảm giá trị văn hóa của mỗi dân tộc. Không chỉ bị phá cách, trang phục truyền thống nhiều DTTS hiếm khi được trình diễn tại các lễ hội, thậm chí nhiều người không mặc trang phục của dân tộc mình khi tham gia lễ hội.

Và một điều hết sức quan trọng chính là ý thức của người dân, những chủ thể sáng tạo và sử dụng, với chính sản phẩm mình làm ra, với giá trị văn hóa của dân tộc mình. Do vậy cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để đồng bào hiểu và trân trọng, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, từ đó có ý thức giữ gìn, tôn vinh, tự bảo tồn. Chính vì thế, vai trò của những người làm công tác văn hóa là hết sức cần thiết, từ đó đặt ra những yêu cầu về trình độ năng lực, về Tâm và Tầm trong công tác chuyên môn và quản lý để đáp ứng được nhu cầu của công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các DTTS là hành trình không hề giản đơn. Bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện đã khó, bảo tồn động trong cuộc sống hằng ngày trong xu thế phát triển càng khó hơn. Vì thế rất cần sự quan tâm, góp sức nỗ lực, khẩn trương của cả xã hội vì mục đích giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị bản sắc văn hóa, yếu tố văn hóa đặc trưng cơ bản, cốt lõi trên trang phục các dân tộc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh vai trò chủ thể văn hóa và cộng đồng: Trang phục truyền thống của các DTTS chứa đựng nhiều giá trị về mặt xã hội của tộc người. Vì vậy, cần khích lệ, động viên đồng bào DTTS, nhất là thế hệ trẻ tự hào về giá trị đặc sắc của bộ trang phục truyền thống dân tộc mình, có ý thức sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng và cuộc sống hằng ngày.

Một thực tế khác phổ biến về nhận thức bảo tồn trang phục hiện nay, phần đông đồng bào DTTS cũng như cộng đồng dân cư đang coi bảo tồn trang phục truyền thống là trách nhiệm của chính quyền. Họ không ý thức rõ vai trò của mình trong bảo tồn, cho nên việc vận động nhân dân thấy được giá trị văn hóa đặc sắc và bảo vệ trang phục truyền thống chưa hiệu quả. Vì vậy, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS tự hào về bản sắc và đặc trưng riêng của dân tộc mình, từ đó có ý thức bảo tồn trang phục truyền thống cũng như nét đặc trưng riêng có của dân tộc mình. Những người có uy tín, nghệ nhân, người cao tuổi cần thể hiện vai trò cũng như tham gia mạnh mẽ vào công tác giáo dục, nhắc nhở để thế hệ trẻ, con em đồng bào hiểu, ý thức trách nhiệm rõ ràng, sâu sắc hơn khi mặc hay nhắc đến trang phục truyền thống.

Để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS hiện nay, ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, bản thân mỗi dân tộc phải có bản lĩnh, có ý thức nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình; song song với đó cần có sự tham gia của cộng đồng đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân, người cao tuổi DTTS nơi lưu giữ một kho tàng đồ sộ kiến thức về trang phục của dân tộc mình. Ông Thắng nhấn mạnh, văn hóa xuất phát từ chính nhu cầu của con người, do con người và vì con người. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của trang phục truyền thống trước tiên là phải xuất phát từ chính nhu cầu của đồng bào DTTS; phải xuất phát từ nhu cầu muốn bảo tồn, tiếp nhận và thụ hưởng các giá trị văn hóa của chính chủ thể văn hóa là từng người dân ở đó tham gia.

(Mời đọc Bài 2: Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số)

Link nội dung: https://career.edu.vn/so-voi-dan-toc-kinh-diem-khac-trong-trang-phuc-cua-cac-dan-toc-thieu-so-la-gi-a6598.html