Lễ cúng giao thừa được thực hiện vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch. Nghi lễ cúng giao thừa năm Giáp Thìn 2024 cần được tiến hành vào giờ Tý (vào 23h), thời điểm tốt nhất là vào giờ chính Tý (0h) và kết thúc trước 1h ngày mùng 1 Tết.
Đây là lễ cúng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các gia đình để cầu mong sự bình an, may mắn, thịnh vượng và xua đi những khó khăn, đen đủi trong một năm sắp tới.
Theo đúng phong tục thì để cúng giao thừa, gia đình cần chuẩn bị hai lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người thắc mắc không biết nên cúng giao thừa ngoài trời hay trong nhà trước mới đúng.
Theo quan niệm của người Việt, mỗi năm sẽ có các vị thần khác nhau xuống cai quản hạ giới. Cứ hết một năm, các vị thần cũ sẽ bàn giao công việc cho những vị thần mới và cứ 12 năm luân phiên hết một vòng.
Thời khắc giao thừa, các vị quan hành khiển bàn giao công việc cai trị trong năm với nhau. Lúc đó, họ đi thị sát hạ giới, rất vội nên không kịp vào tận bên trong nhà, vì thế lễ cúng các quan hành khiển này thường được đặt ở ngoài trời, gần cửa chính mỗi nhà.
Gia chủ cần thực hiện cúng giao thừa ở ngoài trời trước nhằm "tống cựu nghinh tân", tiễn đưa các vị thần năm cũ và nghênh đón những vị thần mới. Sau khi cúng giao thừa bên ngoài xong, gia chủ làm lễ cúng Thổ công, vị thần cai quản trong nhà.
Lưu ý, với nhiều gia đình sống tại chung cư, do không gian chật hẹp nên việc cúng chỉ cần tập trung ở trong nhà mà không nhất thiết phải cúng ngoài trời. Nếu các gia đình cần cúng giao thừa ngoài trời nên xuống dưới sân chung cư chứ không phải ở trên tầng.
Việc cúng ngoài trời cần có khoảng không gian có trời và có đất, do vậy lễ vật cần được đặt gần với mặt đất. Nếu cúng ở ban công tầng lầu chung cư thì không gian bày lễ cách nhau quá xa mặt đất nên không thể gọi là cúng ngoài trời được.
Cần chuẩn bị hai mâm cỗ cúng giao thừa, bao gồm:
Lễ vật cúng giao thừa ngoài trời có thể là mâm lễ mặn hoặc chay tùy theo điều kiện của mỗi gia đình sẽ được chuẩn bị theo cách khác nhau, tuy nhiên trong mâm cúng không thể thiếu trầu cau, hoa quả, chén nước hoặc rượu.
Mâm cỗ mặn gồm có: Gà trống lộc, bánh chưng, xôi gấc, khoanh giò lụa, đĩa hoa quả, đĩa gạo, đĩa muối, rượu, nước, hoa, đèn, hương.
Mâm cỗ chay gồm có: Lon bia/nước ngọt, bánh kẹo, xôi, hoa, đĩa hoa quả, đèn/nến, trầu cau, hương, rượu, nước, đĩa muối, đĩa gạo.
Ngoài ra, trong mâm lễ cúng giao thừa, gia chủ cũng có thể chuẩn bị thêm tiền vàng mã, chiếc mũ của Ðại vương Hành khiển.
Mâm lễ cúng giao thừa trong nhà sẽ được chuẩn bị đầy đủ hơn và tuỳ theo từng vùng miền mà chuẩn bị các món khác nhau.
Mâm cỗ miền Bắc thường tính theo bát, đĩa gồm 4 bát, 4 đĩa, nếu cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Cỗ thường có các món: Móng giò hầm măng, bóng bì nấu thập cẩm, canh mọc, miến nấu lòng gà, xôi, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm và dưa hành muối.
Mâm cỗ miền Trung có các món truyền thống mang đậm chất vùng miền Trung như dưa món, giò lụa, thịt đông, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, bát măng khô ninh, bát miến, cá chiên hay chả ram.
Mâm cỗ cúng miền Nam có phần đơn giản hơn. Do thời tiết miền Nam chủ yếu là nắng nóng nên phong tục chuẩn bị mâm cúng ngày cỗ của người miền Nam thường ưu tiên các món nguội như canh khổ qua nhồi thịt, canh măng, thịt kho hột vịt, chả giò, củ kiệu, bánh tét...
Lưu ý, đối với gà luộc, gia chủ cần chọn gà trống mới bắt đầu tập gáy, chưa đạp mái, khỏe mạnh, mỏ vàng, mào cờ, chân gà màu vàng.
Link nội dung: https://career.edu.vn/le-vat-cung-giao-thua-ngoai-troi-a6712.html