Báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) ghi nhận doanh thu cả năm 2023 giảm 11% xuống còn 118.280 tỷ đồng. So với kế hoạch đặt ra, doanh nghiệp đã hoàn thành 88% mục tiêu. Riêng trong tháng 12 doanh thu tăng trưởng 5% so với tháng 11 liền trước và đồng thời là tháng thứ 2 trong năm 2023 tăng trưởng dương 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Điểm sáng đến từ chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh với doanh thu tháng 12 tăng trưởng trở lại sau tháng trước đó có phần chững lại. Chuỗi siêu thị của MWG ghi nhận 3.189 tỷ đồng doanh thu, nâng lũy kế doanh thu cả năm lên 31.581 tỷ đồng, chiếm gần 27% tỷ trọng cả doanh nghiệp và tăng trưởng 17% so với năm trước.
Trái ngược, chuỗi cửa hàng Thế Giới Di động và Topzone ghi nhận doanh thu tháng cuối năm tiếp tục giảm 7% xuống 2.144 tỷ đồng, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp sụt giảm so với tháng trước. Tính chung cả năm 2023, chuỗi cửa hàng bán đồ điện tử, điện thoại, máy tính của MWG đóng góp gần 24% cơ cấu tổng doanh thu, tương ứng 28.269 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với năm trước.
Xét tương quan giữa doanh thu hai chuỗi cửa hàng của MWG trong tháng 12, doanh thu của chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh cao gấp 1,5 lần doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động và Topzone. Đây là tỷ lệ cao nhất trong lịch sử hoạt động của MWG (trừ hai tháng 7,8/ 2021 do ảnh hưởng của COVID) và là tháng thứ 9 trong năm 2023 doanh thu bán thịt, cá, rau… vượt mặt doanh thu từ bán điện thoại, máy tính.
Sự đối lập về kết quả kinh doanh càng thể hiện rõ khi số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng vọt trái ngược với sự chững lại của chuỗi Thế Giới Di Động. Tại thời điểm 31/12/2023, Bách Hóa Xanh có 1.698 cửa hàng, Thế Giới Di Động và Topzone có 1.078 cửa hàng. Con số này vào thời điểm cuối năm 2017 lần lượt là 283 cửa hàng và 1.072 cửa hàng. Như vậy sau 6 năm, Bách Hóa Xanh ngày càng phình to và hiện đã gấp 1,6 lần quy mô của Thế Giới Di Động và Topzone.
Bách Hoá Xanh được biết đến là hướng đi mới của MWG khi hai ngành hàng ICT, điện máy đi vào giai đoạn bão hoà. Sau 8 năm bước chân vào thị trường bán lẻ thực phẩm, vào tháng 12/2023, với doanh thu bình quân là 1,8 tỷ/cửa hàng, MWG chính thức tuyên bố Bách Hóa Xanh đã đạt mục tiêu hòa vốn sau mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại, và trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi (không bao gồm (i) các chi phí phát sinh 1 lần đã hạch toán hết trong quý 4 và (i) một phần chi phí khấu hao liên quan đến nâng hạ diện tích cửa hàng do tái cấu trúc sẽ giảm dần theo thời gian, BHX tự tin sẽ bù đắp được phần này để có lợi nhuận ròng cả năm 2024).
Điều này trước đó đã được Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài hé lộ trong buổi họp NĐT gần nhất. Ông Tài tự tin Bách Hóa Xanh sẽ đạt điểm hoà vốn với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lãi gộp đang cải thiện.
“Từ khi đi vào hoạt động, mỗi tháng Thế Giới Di Động đều phải tài trợ tiền cho Bách Hóa Xanh như bố mẹ chu cấp tiền cho con ăn học. Tuy nhiên, từ cuối năm nay, Bách Hóa Xanh sẽ bước sang giai đoạn hoàn toàn khác khi có thể tự kiếm tiền, trang trải chi phí và tập đoàn không phải bù lỗ nữa” - ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Liên quan, CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh (Đầu tư BHX) - công ty con của MWG và nắm toàn bộ cổ phần của CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh- vừa công bố kế hoạch huy động vốn thông qua chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông cho các nhà đầu tư tiềm năng. Số lượng cổ phần chào bán dự kiến từ 5% đến tối đa 10% tổng số cổ phần của Đầu tư BHX tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn thực tế tại thời điểm huy động vốn. Giá chào bán hiện chưa được tiết lộ.
Tuy nhiên khó khăn phía trước vẫn còn nhiều khi nếu xét riêng về khía cạnh lợi nhuận, mảng này lại là gánh nặng lớn nhất. Bách hóa Xanh công bố lỗ tính thuế 306 tỷ đồng trong quý 4/2023, tương đương mỗi ngày chuỗi siêu thị lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến cuối năm 2023, Bách Hóa Xanh lỗ hơn 8.600 tỷ đồng, trong đó 7.850 tỷ còn có thể chuyển lỗ sang năm sau để bù trừ lợi nhuận (trong vòng 5 năm kể từ ngày phát sinh khoản lỗ).
Phương Linh