Sáng tạo nét đẹp, tôn nét thẩm mỹ trong từng sản phẩm, từng sự vật quanh ta luôn là yêu cầu không thể thiếu trong mọi thời đại. Trọng trách này được các doanh nghiệp tin tưởng đặt vào tay các chuyên viên thiết kế đồ họa, những người có năng lực sáng tạo cao cùng khả năng nắm bắt xu hướng thẩm mỹ tốt. Nếu bạn có đủ các tố chất này thì bài viết Ms. Uptalent sắp gửi đến sẽ gửi đến bạn một định hướng nghề nghiệp đầy tiềm năng. MỤC LỤC: 1. Chuyên viên thiết kế đồ họa là gì? 2. Công việc chính của chuyên viên thiết kế đồ họa 3. Yêu cầu kỹ năng đối với chuyên viên thiết kế đồ họa 4. Mức lương dành cho chuyên viên thiết kế đồ họa 5. Những nơi đào tạo chuyên viên thiết kế đồ họa
1. Chuyên viên thiết kế đồ họa là gì?
Chuyên viên thiết kế đồ họa - Graphic Designer - là những nhân sự giàu kinh nghiệm, óc tư duy nhạy bén trong lĩnh vực sáng tạo hình ảnh, cải tiến thiết kế có liên quan đến phối màu mang đến độ thẩm mỹ cao cho từng sản phẩm.
Ở cấp độ chuyên viên, bạn không chỉ trực tiếp kiến tạo nên sản phẩm mà còn phụ trách giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn các nhân viên thiết kế đồ họa triển khai ý tưởng chuẩn xác, đúng theo đơn đặt hàng, và không bị trùng lặp.
Một chuyên viên thiết kế đồ họa có thể sẽ đảm nhận nhiệm vụ thiết kế cho mọi dòng sản phẩm, hoặc sẽ được phân ra thành:
-
Chuyên viên thiết kế in ấn, tạp chí
-
Chuyên viên thiết kế web
-
Chuyên viên thiết kế logo
-
Chuyên viên thiết kế banner, bảng hiệu…
2. Công việc chính của chuyên viên thiết kế đồ họa
Để cho ra đời một sản phẩm thiết kế đồ họa đạt tiêu chuẩn, bên cạnh quá trình triển khai năng lực sáng tạo, chuyên viên thiết kế đồ họa còn phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ:
2.1. Trực tiếp trao đổi, tiếp nhận thông tin ý tưởng
Chuyên viên Designer không thể lấy quan điểm thẩm mỹ của mình để áp đặt cho sản phẩm mà phải tuân theo đúng ý tưởng mà khách hàng mong muốn. Do đó, trực tiếp chuyên viên thiết kế đồ họa sẽ gặp mặt và ghi nhận đầy đủ những ý tưởng thiết kế riêng từ phía khách hàng.
2.2. Ước tính chi phí cho dự án
Thiết kế là niềm đam mê nhưng chúng ta đang làm việc cho doanh nghiệp nên mục tiêu kinh doanh kiếm lợi nhuận cũng không thể bỏ qua. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, khi được quản lý giao dự án, chuyên viên thiết kế đồ họa phải ước tính chi phí sản xuất dự kiến, bao gồm cả chi phí có thể phát sinh
2.3. Lên mẫu thiết kế sơ bộ
Nhờ có những phần mềm thiết kế đồ họa mà việc phác thảo sơ bộ ý tưởng thiết kế được rút ngắn tối đa thời gian. Chuyên viên thiết kế đồ họa một lần nữa sẽ gặp khách hàng, đưa bản phác thảo và ghi nhận những điều chỉnh cần thiết theo yêu cầu.
2.4. Lên kế hoạch thiết kế hoàn chỉnh
Từ bản phác thảo được duyệt và những chi phí sản xuất, chuyên viên sẽ lên kế hoạch thiết kế hoàn chỉnh, bao gồm số lượng nhân sự, chi phí giải ngân, nguồn cung nguyên vật liệu …
2.5. Giám sát toàn bộ quy trình thiết kế
Toàn bộ quá trình thiết kế từ đầu đến cuối sẽ do chuyên viên thiết kế đồ họa giám sát và cùng thực hiện. Đảm bảo mọi ý tưởng của khách hàng được đáp ứng, mọi tiêu chuẩn đặt ra cho thiết kế được hoàn thành.
2.6. Hướng dẫn kỹ thuật cho nhân viên
Chuyên viên thiết kế đồ họa sẽ là người phân công, đánh giá chất lượng công việc của nhân viên trong bộ phận, đồng thời trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn những kỹ thuật thiết kế đồ họa phù hợp cho nhân viên triển khai.
2.7. Cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới
Là một ngành vừa liên quan đến sự sáng tạo, cải tiến, vừa liên quan đến công nghệ thông tin nên tốc độ thay đổi rất nhanh. Bản thân chuyên viên thiết kế đồ họa phải chủ động học tập, trau dồi, đề xuất với ban lãnh đạo các khóa học bổ sung năng lực phù hợp cho nhân viên và cho cả chính chuyên viên.
2.8. Đề xuất phát triển sản phẩm thiết kế
Chuyên viên thiết kế đồ họa thường xuyên tiếp cận thực tế công việc nên những cải tiến mới về thẩm mỹ đương đại, phương pháp thiết kế, công nghệ hỗ trợ… chuyên viên sẽ là người nắm rõ nhất. Từ kinh nghiệm này, những đề xuất cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh càng trở nên giá trị.
2.9. Xây dựng cơ sở dữ liệu tham khảo
Mỗi doanh nghiệp có ngành nghề riêng, có dòng sản phẩm riêng nên việc lưu trữ sẵn kho hình ảnh và kỹ thuật thiết kế đồ họa đặc thù cả cũ lẫn mới sẽ là nguồn tài liệu tham khảo rất hữu ích, giúp công tác thiết kế được triển khai nhanh, tiết kiệm công sức.
2.10. Báo cáo trực tiếp với quản lý
Chuyên viên thiết kế sẽ tổng hợp định kỳ những số liệu triển khai dự án, thiết lập báo cáo trình quản lý để cập nhật tiến độ thực hiện, cũng như đề xuất giải pháp kịp thời cho những phát sinh ngoài kế hoạch.
3. Yêu cầu kỹ năng đối với chuyên viên thiết kế đồ họa
Designer là ngành thiên về sáng tạo, do đó, kiến thức học được ai cũng giống nhau nhưng mức độ thành công trong ngành cao hay thấp còn phụ thuộc bạn sở hữu và vận dụng các kỹ năng dưới đây hiệu quả thế nào:
3.1. Kỹ năng giao tiếp, đàm phán giỏi
Graphic Designer
-
Vừa phải đảm nhận phần việc thiết kế chuyên môn
-
Vừa phải tiếp cận, mở rộng mối quan hệ với khách hàng / đối tác
-
Vừa phải duy trì đội ngũ thiết kế đồng lòng, phối hợp chặt chẽ trong công việc
Năng lực giao tiếp dường như là chưa đủ, mà còn phải là giao tiếp linh hoạt, đàm phán nhạy bén, có nhu có cương, tùy cơ ứng biến.
3.2. Tư duy phân tích nhạy bén
Tiếp nhận ý tưởng từ khách hàng là điều tất yếu, nhưng khách hàng không chuyên sâu về thiết kế nên họ vẫn rất cần những lời tư vấn chất lượng từ các chuyên viên Designer giàu kinh nghiệm. Với kỹ năng giao tiếp và đàm phán linh hoạt, chuyên viên thiết kế đồ họa vừa nắm bắt nhanh ý tưởng đối tác, vừa thuận lợi diễn giải ý tưởng điều chỉnh mang lại chất lượng cao cho sản phẩm.
3.3. Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả
Làm việc độc lập là điều cần thiết, nhưng dưới chuyên viên còn là đội ngũ các nhân viên thiết kế đang đảm nhận những phần việc chi tiết. Do đó, chuyên viên Graphic Designer còn phải rèn luyện năng lực quản lý, điều hành, giám sát đội nhóm tốt.
3.4. Kỹ năng lên kế hoạch, quản lý thời gian
Một chuyên viên thiết kế đồ họa cùng một lúc sẽ phải nhận nhiều dự án. Dự án nào cũng cần tổng hợp thông tin, lên kế hoạch, điều phối triển khai, kiểm tra giám sát, xử lý vấn đề phát sinh… Nếu không có kỹ năng lên kế hoạch tốt, kỹ năng quản lý thời gian đan xen hiệu quả thì sẽ khó hoàn thành tất cả nhiệm vụ.
3.5. Kỹ năng xử lý vấn đề nhạy bén
Kinh nghiệm càng nhiều, năng lực xử lý vấn đề càng tốt. Bằng thời gian và thực tế trải nghiệm, chuyên viên thiết kế đồ họa phải không ngừng bổ sung thêm kho kiến thức cho bản thân, bao gồm cả kiến thức về những sự cố và phương án phối hợp xử lý sự cố hiệu quả tối đa với nguồn lực hao tổn tối thiểu.
3.6. Học, học nữa, học mãi
Sáng tạo chính là yếu tố sống còn trong ngành. Một chuyên viên Designer muốn mang đến những sản phẩm thiết kế có giá trị thời đại thì kiến thức chuyên sâu có ở hiện tại là chưa đủ, mà còn phải thường xuyên cập nhật những kỹ thuật, công nghệ, xu hướng thẩm mỹ trong thiết kế đồ họa hiện đại cả trong và ngoài nước.
4. Mức lương dành cho chuyên viên thiết kế đồ họa
Thiết kế đồ họa mang lại giá trị độc quyền cho doanh nghiệp, cho khách hàng về mặt hình ảnh và độ thẩm mỹ trong từng sản phẩm. Công việc luôn đòi hỏi sáng tạo cái mới và cập nhật kỹ thuật thiết kế mới liên tục nên thu nhập của chuyên viên Designer ở mức khá cao, cụ thể:
-
Kinh nghiệm 01 năm: 10 - 15 triệu đồng/ tháng
-
Kinh nghiệm 02 - 03 năm: 11 - 17 triệu đồng/ tháng
- Kinh nghiệm trên 03 năm: 18 - 28 triệu đồng/ tháng
5. Những nơi đào tạo chuyên viên thiết kế đồ họa
Ngành thiết kế là một ngành đòi hỏi sự sáng tạo, kỳ vọng những bứt phá vượt xa tiêu chuẩn thẩm mỹ quá quen thuộc, khó gây ấn tượng. Chính vì vậy, nhà tuyển dụng không chú trọng nhiều về mặt bằng cấp mà sẽ đánh giá trực tiếp thông qua thực lực, cụ thể là những tác phẩm thiết kế mà ứng viên là người tạo nên.
Do đó, nếu bạn muốn trở thành chuyên viên thiết kế đồ họa thì sẽ có nhiều sự lựa chọn dành cho bạn:
5.1. Đại học mỹ thuật
Đây là cái nôi đào tạo chuyên sâu về mỹ thuật và thiết kế. Từ thiết kế vẽ tay đến thiết kế bằng phần mềm máy tính, bạn đều sẽ tìm thấy ngành học phù hợp.
5.2. Đại học kiến trúc
Nơi đây cũng có chuyên ngành thiết kế đồ họa nhưng sẽ thiên về các công trình xây dựng hơn là các lĩnh vực thiết kế khác. Vì vậy, với những bạn có ý định trở thành chuyên viên thiết kế đồ họa kiến trúc thì đây chính là môi trường hoàn hảo nhất.
5.3. Đại học đa ngành đào tạo
Nhiều trường đào tạo đa ngành nghề cũng có khoa đào tạo chuyên viên thiết kế đồ họa đa năng, xét tuyển thí sinh theo các môn khối V hoặc khối H, điển hình như:
-
Đại học FPT
-
Đại học Văn Lang
-
Đại học Hoa Sen
-
Đại học Công nghệ TP.HCM
-
Đại học Nguyễn Tất Thành…
5.4. Trung tâm đào tạo chuyên viên thiết kế đồ họa
Ngoài ra, bạn có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn do những trung tâm đào tạo thiết kế đồ họa uy tín tổ chức. Với chứng chỉ này kèm theo kiến thức chuyên môn phù hợp chuyên ngành mà nhà tuyển dụng đang hoạt động, cơ hội trúng tuyển chuyên viên thiết kế đồ họa của bạn vẫn không hề thua kém những ứng viên khác.
-
Trung tâm Arena Multimedia
-
Trung tâm đào tạo HDMotion
-
Trung tâm FPT Arena
-
Viện Công nghệ thông tin trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội…
Công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ nhưng Ms. Uptalent tin chắc nhu cầu tuyển dụng chuyên viên thiết kế đồ họa vẫn sẽ tăng cao. Bởi lẽ, công nghệ chỉ cung cấp phương tiện, còn sự sáng tạo vẫn phải dựa trên trí tuệ và quan điểm thẩm mỹ độc đáo của mỗi cá nhân. Đây cũng là cơ sở giúp các bạn ứng viên yêu thích công việc Graphic Designer an tâm trau dồi tay nghề và kiến thức cho định hướng nghề nghiệp đã chọn.
-
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet