Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn đang chạy xe trên đường, phía trước tay lái là ngút ngàn những rặng núi “đầu bạc” phủ tuyết trắng xóa; hai bên đường là những thảo nguyên xanh thẫm chạy dài không có điểm dừng… New Zealand đã hiện ra một cách bình yên, như một giấc mộng tuyệt đẹp trong mắt tôi như thế!
Sau nhiều chuyến đi đến những đô thị sầm uất, những thành phố nhà cao tầng chọc trời để chiêm ngưỡng vẻ hiện đại, phát triển của con người, thú thật, tôi đã bắt đầu hơi… ngán ngẩm! Tôi nói với người bạn đồng hành của mình rằng tôi cần phải đến một nơi nào đó để nhận ra mối liên kết giữa tự nhiên và con người, để thấy thiên nhiên và con người hoàn toàn có thể “nương tựa”, hòa hợp, tôn trọng và cùng nhau phát triển. Trong một cuốn sách nào đó tôi từng đọc đã viết: Chỉ khi cái cây cuối cùng trong rừng bị chặt hạ, dòng suối cuối cùng bị đầu độc, con người mới nhận ra: chúng ta không ăn được tiền! Sự thèm khát trở về bản nguyên thôi thúc tôi lên đường. Và cuối cùng New Zealand - đất nước của những chú chim kiwi xinh đẹp đã khiến tôi không ngần ngại xếp quốc gia này đứng đầu danh sách “100 điểm tôi phải đến trước khi chết” của chính mình.
.
.
AUCKLAND - THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG THỨ 3 TRÊN THẾ GIỚI
Đó là kết quả cuộc bình chọn do Tập đoàn tư vấn toàn cầu Mercer thực hiện mỗi năm dựa trên các tiêu chí về bình ổn chính trị, chất lượng cuộc sống, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân những thành phố này. Auckland, thành phố của New Zealand chỉ đứng sau Vienna của Áo và Zurich của Thụy Sĩ, dù là một thành phố nằm tận châu Úc xa xôi. Điều đó cho thấy phần nào cuộc sống “đáng mơ ước” của thành phố đông dân nhất New Zealand này.
Cảm giác đầu tiên của tôi khi đặt chân đến Auckland, thành phố của New Zealand là: thành phố gì mà hiền lành thế! Auckland không giống bất cứ thành phố nào mà tôi biết: rất ít trung tâm thương mại sầm uất, người dân tứ xứ khắp nơi, làm đủ ngành nghề và tất cả đều có đất để sống. Một người bạn của tôi đến Auckland du học cách đây năm năm đã yêu, và quyết định ở lại luôn mảnh đất này để lập nghiệp. Khí hậu ôn hòa, mùa Hè mát mẻ, mùa Đông gần như không có tuyết rơi khiến tính tình dân bản xứ ở đây cũng “dịu dàng” lạ lùng. Họ rất hay nói đùa, cởi mở và không hề “phân biệt chủng tộc” giống như một số thành phố phát triển khác mà tôi biết.
Ở Auckland khám phá vài ngày, chúng tôi tìm đường đến xứ sở cổ tích có thật: những ngôi làng Hobbit trong những trang truyện của The Lord of the Rings, nằm ở vùng Matamata, cách Auckland khoảng hơn hai giờ đi xe. Tôi còn nhớ như in, hồi 14 tuổi, trên đầu giường ngủ của mình có treo một tấm poster rất to cắt ra từ một tờ tạp chí: hình Legolas Greenleaf của tộc Elf do nam diễn viên điển trai Orlando Bloom thủ vai - cung thủ có mái tóc óng ánh như vàng ròng! Hồi đấy chưa có nhiều “vũ trụ điện ảnh” như bây giờ, The Lord of the Rings thực sự là một bộ fantasy cực phẩm mà sau này khi dựng thành phim, New Zealand chính là đất nước được chọn để biến vùng đất mộng mơ trong truyện thành sự thật!
Ngôi làng của người Hobbit trong phim là những ngôi nhà nằm sâu trong lòng đất, trên những cánh đồng trồng hoa quả mượt mà. Người Hobbit có triết lý sống thật đơn giản: Họ làm vườn, nấu thật nhiều món ngon và ủ rượu trăm năm tuổi cho những lễ hội kéo dài bất tận! “Và có lẽ với những giống loài khác, cách sống của chúng tôi là kỳ quặc!” - người Hobbit nói về mình như vậy… Làng của người Hobbit nằm ở Matamata thực ra là một phim trường được dựng lên vào năm 1999 để phục vụ cho bộ phim. Phim trường này được xây trong khuôn viên của một nông trại thật, có diện tích lớn nhất nhì New Zealand nên mọi thứ ở đây đều rất thật: cây trái, những đàn cừu đi lại trên… nóc nhà, những dòng suối róc rách uốn lượn quanh làng. Dọc đường đi những bản nhạc phim được mở lên réo rắt. Đó là những bản nhạc được chơi trong ngày mừng sinh nhật 111 tuổi của nhân vật Bilbo Baggins trong truyện, cảm giác thần tiên, thư thái phút chốc xâm chiếm lấy bạn. Trong giây phút ấy, bạn có cảm giác mình chính là cô bé Alice vừa lỡ chân lạc vào xứ sở thần thoại diệu kỳ. Và tất nhiên, bạn chẳng bao giờ muốn được tỉnh giấc!
Cách làng Hobbit không xa, khoảng một giờ đi xe, chúng tôi đến thị trấn Waitomo yên bình với những đồng cỏ bạt ngàn cừu, đà điểu. Cừu trắng như bông, như mây thả xuống vạt xanh non mượt của thảo nguyên. Cũng ở đây, chúng tôi đi đến một trong những nơi “siêu thực” nhất thế giới - Waitomo Caves, nơi cư trú của hàng triệu ấu trùng phát sáng (Glowworm) - được mệnh danh là “dải ngân hà” trong lòng đất sâu! Bơi thuyền trong hang lạnh và đắm chìm trong sự yên lặng tuyệt đối của Waitomo Caves có lẽ là một trong những cảm giác khó quên nhất.
Khi đi sâu vào lòng hang, bạn không được phép chụp ảnh, không được gây tiếng động mạnh. Tất cả nhằm bảo tồn nơi cư ngụ kín đáo của loài sâu phát sáng độc đáo nhất thế giới này. Một trong những hành động dễ thương nhất tôi từng thấy khi vừa vào hang đó là những người hướng dẫn sẽ bắt nhịp cho khách tham quan cùng hát ca khúc Silent night - giống như một sự cảm tạ ơn trên cho những điều tuyệt vời mà Ngài đã tạo ra. Người bạn đi cùng tôi có lúc buột miệng “ghen tị”: “Sao Thượng đế lại ban cho New Zealand quá nhiều đặc ân thiên nhiên đến thế!”.
.
.
QUEENSTOWN: HÃY CÙNG EM ĐI ĐẾN CUỐI CON ĐƯỜNG!
Nếu như Auckland nằm ở Bắc đảo, là một trong những điểm phải đến khi ghé thăm đất nước New Zealand xinh đẹp thì Queenstown, một thị trấn thơ mộng nằm ở Nam đảo đã khiến hành trình đến New Zealand của tôi trọn vẹn hơn. Khi nhìn thấy thị trấn Queenstown nằm lọt thỏm cạnh hồ nước ngọt Wakatipu quanh năm xanh màu ngọc lục bảo, tôi đã biết rằng mình cố gắng sống và làm việc thật chăm chỉ vì điều gì. Vì những điều tuyệt đẹp như thế này đây, tôi tự nhủ! Những lúc công việc dồn dập, phải nhận nhiều việc một lúc, thấy bế tắc chán nản, tôi nghĩ mình ít khi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc là bởi phần thưởng xứng đáng tôi có được sau tất cả những điều đó: những chuyến đi tuyệt vời để ngắm nhìn thế giới rộng lớn, đầy màu sắc và cả sức sống này.
Queenstown những ngày giữa tháng 12 đang bước vào mùa Hè mát lạnh. Những hàng rào trồng hoa hồng, hoa mẫu đơn to và thơm ngát mọc đầy quanh con đường ven biển nối vào thị trấn. Queenstown cổ điển, đẹp yên bình trong những rừng thông bạt ngàn, bao bọc xung quanh là nước hồ Wakatipu trong xanh quanh năm và rặng núi có cái tên thật “kêu” Remarkable. Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về hồ nước tuyệt đẹp này và những bí ẩn của nó mà người chủ khách sạn nơi tôi cư trú kể lại. Tương truyền xưa kia có một đôi trai gái yêu nhau say đắm, nhưng rồi một ngày nọ tên khổng lồ đã đến cướp người con gái đi. Chàng trai tìm đủ mọi phương kế nhưng không cách nào hạ được hắn. Cho đến một ngày, thừa lúc hắn ngủ say, anh đã châm lửa hỏa thiêu tên quái vật, đưa người yêu trở về.
Chỗ nằm của tên quái vật lúc bị thiêu giờ đây chính là hồ Wakatipu. Mực nước hồ ở đây vô cùng độc đáo, cứ năm phút một lần, nước hồ lại dâng lên và hạ xuống khoảng 12cm. Người dân tin rằng đó chính là nhịp đập trái tim của gã khổng lồ năm xưa… Tất nhiên, đó chỉ là một truyền thuyết, nhưng điều đó càng làm cho thị trấn không chỉ xinh đẹp mà còn nổi tiếng bởi những môn thể thao ngoài trời như trượt tuyết, nhảy bungee… hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến trải nghiệm và… ước ao được ở lại đây suốt đời.
Sau những chuyến khám phá quanh Queenstown như đi cung đường dài vài trăm cây số đến Milford Sound, một trong những cung đường rất đáng đồng tiền bát gạo khi đến Queenstown, hay ăn tối ở nhà hàng Skyline cao nhất nằm cheo leo trên đỉnh núi để nhìn ngắm toàn bộ cảnh quan kỳ vĩ của vùng đất này, tôi dành những buổi chiều hoàng hôn rất đẹp để thả bộ quanh bờ hồ Wakatipu. Đố bạn tôi đã bắt gặp điều gì nhiều nhất nào? Đó là những cặp đôi với mái đầu bạc trắng như kẹo bông gòn, tình tứ, chầm chậm nắm tay đi cạnh nhau. Nhìn họ, bất giác một niềm hạnh phúc ngọt ngào len lỏi thật nhẹ vào trái tim tôi, một điều gì đó dịu dàng, nhưng thật thấm thía.
Có lẽ nếu như không phải ở đây, giữa khung cảnh thiên nhiên trong trẻo, nơi có thể ngửi thấy rất rõ hương thơm của một cành hoa hồng khi đi bộ, tôi sẽ không bao giờ dám trả lời cho câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Giờ thì, tôi nghĩ mình đã biết câu trả lời!
.
.
(Nguồn: ELLE)