Ngày 3-1-2018, tại Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật địa điểm chùa Linh Sơn (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn - An Giang), thuộc đề án "Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa", đại diện Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, sau khi khai quật tại 2 hố với tổng diện tích 285,22m2 đã thu được trên 20.000 di vật của 5 lớp văn hóa thuộc 5 thời kỳ khác nhau phát triển liên tục, kế thừa trên 1 thời điểm từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên đến thế kỷ thứ XII. Đây được xem như "gạch nối" các thư tịch cổ để khẳng định thêm sự thật lịch sử: Phù Nam - Óc Eo cũng chính là một phần lịch sử của Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Chính xác hơn, Phù Nam chính là Vương quốc cổ của Việt Nam.
Rũ thời gian, đứng dậy sáng lòa
Sau khi nghiên cứu nguồn thư tịch cổ của Trung Hoa gồm cả những ghi chép cá nhân và chính sử, như: Tấn thư, Nam Tề thư, Tùy thư, Tân Đường thư... Paul Pelliot (Pháp) đi đến nhận định: "Nước Phù Nam xuất hiện vào khoảng đầu Công nguyên và biến mất vào khoảng thế kỷ VII". Tuy nhiên, theo các thư tịch này, lịch sử hình thành Phù Nam được bao trùm bởi các truyền thuyết và huyền thoại.
Vương quốc này lần đầu được người Trung Hoa ghi chép ở thế kỷ III, bắt đầu từ chuyến thăm của hai vị sứ thần là Khang Thái và Chu Ứng. Theo đó, có một người từ Ấn Độ, Malay hay các vùng biển phía Nam nào đó tên là Hỗn Điền - Kaundinya - được thần báo mộng, nhặt được cây cung ở dưới gốc cây và chỉ hướng đi thuyền lớn ra biển.
Núi Ba Thê, nơi nhà khảo cổ học Louis Malleret (Pháp) tiến hành khai quật vào năm 1944.Thuyền đến Phù Nam. Nữ hoàng Liễu Diệp cho người ra chống lại, Kaundinya giương cung bắn, tên xuyên qua mạn thuyền. Liễu Diệp sợ, xin hàng. Kaundinya cưới Liễu Diệp và cùng trị vì. Dù câu chuyện đẫm màu huyền thoại, nhưng vẫn hé lộ một tia sáng lịch sử: Vào thời điểm này, Phù Nam có người bản địa sinh sống và tương tác với những người từ bên ngoài.
Phải đến năm 1944, khi nhà khảo cổ học Louis Malleret (Pháp) tiến hành khai quật khu vực gần núi Ba Thê (nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) mới chính thức được xem là dấu mốc quan trọng về nhận thức đối với Phù Nam.
Sau cuộc khai quật, bắt đầu xuất hiện khái niệm Văn hoá Óc Eo. Các nhà khoa học đi tới nhận định rằng những di vật thuộc Văn hoá Óc Eo là di tích văn hoá vật thể của Vương quốc Phù Nam. Đặc biệt là các cuộc khai quật khảo cổ những thập kỷ gần đây ở Nền Chùa (Kiên Giang), Óc Eo (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp) và ở cả Campuchia của các nhà khảo cổ học Việt Nam, Campuchia, Mỹ, Pháp… càng khẳng định diện mạo của Phù Nam và các tương tác vùng của nó. Theo đó, Phù Nam phát triển trên địa bàn miền Tây sông Hậu ngày nay và mở rộng sang đến sông Tiền và mở rộng quyền lực hơn nữa ra bên ngoài. Và nổi tiếng với thương cảng Óc Eo...
Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước còn đưa ra nhiều bằng chứng, tư liệu cho thấy: Vào thời cực thịnh, lãnh thổ Phù Nam bao gồm phần lớn bán đảo Trung Ấn, khu vực của Nam Bộ và cả miền Trung, Hạ Lào cùng lưu vực sông Mê Nam và phía Bắc bán đảo Malaysia.
Phù Nam là của Việt Nam
Từ trước đến nay Óc Eo/Phù Nam vẫn còn không ít "lời ra tiếng vào". Có ý kiến cho "mấp mé" rằng Phù Nam là của Chân Lạp cổ. Tuy nhiên, dưới ánh sáng khoa học, nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến thống nhất: Tất cả những di tích thuộc Văn hoá Óc Eo khác biệt với Văn hoá Khmer. Nói chính xác hơn, Phù Nam không phải và không thể là giai đoạn đầu của Khmer như một số ý kiến trước đây. Sự hình thành phát triển của hai quốc gia này hoàn toàn khác nhau.
Vì sao có sự lẫn lộn này. Tại Hội thảo "Văn hóa Óc Eo - Nhận thức và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích" do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại An Giang vào năm 2009, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra nguyên cớ của vấn đề bắt nguồn từ sự sai sót về tên gọi cũng như cương vực liên quan đến Phù Nam và Chân Lạp.
Điển hình là việc cho rằng Vương quốc Phù Nam (hay Đặc Mục) có kinh đô là Vyadhapura (thành phố của "Những người đi săn", theo tiếng Trung Quốc phiên âm từ tiếng Khmer) nằm quanh vùng đồi Ba Phnom và Banam ở địa phận tỉnh Prây-veng (Campuchia) ngày nay...
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học cũng chứng minh một cách thuyết phục rằng, Phù Nam xuất phát từ sự kết hợp giữa Phnom và Bnam, trong đó Phnom là núi và Bnam là tộc người (bắt nguồn từ tiếng Phạn - được Khmer hóa). Phù Nam là danh từ riêng chỉ một tộc người tự nhận mình là "Người Núi". Sau khi tham chiếu với những kết quả về khảo cổ và dân tộc học, các nhà nghiên cứu đã đi đến nhận định: "Cư dân Phù Nam là kết quả của sự "giao thoa" giữ hai bộ lạc Môn cổ và Nam Đảo.
Cụ thể, Môn cổ là bộ lạc người miền núi, tiến dần xuống biển và gặp người biển - Nam Đảo. Người Môn cổ có khả năng chinh chiến và tổ chức xã hội, còn người Nam Đảo thạo khai thác biển và buôn bán. Sự kết hợp mang tính "bổ sung" đã tạo ra nguồn nhân lực đủ sức đưa Phù Nam trở thành Vương quốc hùng mạnh của khu vực Đông Nam Á trong suốt nhiều thế kỷ đầu Công nguyên.
Tài liệu từ thư tịch cổ Trung Quốc cũng phân biệt rất rõ Phù Nam với Chân Lạp. "Sử ký" của nhà Tuỳ chép rằng: "Nước Chân Lạp ở phía Tây Nam Lâm Ấp, nguyên là một chư hầu của Phù Nam". Điều này rất khách quan cho thấy Chân Lạp là một quốc gia xuất hiện ở vùng trung lưu sông Mê Kông, tức khu vực gần Biển Hồ ngày nay, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Còn Phù Nam là một quốc gia ven biển có truyền thống hàng hải và mua bán. Nhiều sử liệu cổ còn ghi nhận, vào thời kỳ cường thịnh của mình, Phù Nam được nhiều thuộc quốc hoặc chư hầu, trong đó có Chân Lạp đã đến thần phục. Tất cả như minh chứng hùng hồn: Phù Nam là Phù Nam, Chân Lạp là Chân Lạp.
Đến thế kỷ thứ VII, do nhiều nguyên nhân, Phù Nam dần suy yếu và bị Chân Lạp chinh phục. Sau đó đến lượt Chân Lạp "mất đoàn kết nội bộ", phân thành Thủy Chân Lạp (ở phía Nam) và Lục Chân Lạp (ở phía Bắc). Vùng đất Phù Nam mới bồi, còn ngập nước và sình lầy, trong khi đó người Khmer với số dân ít ỏi chưa thể tổ chức khai thác vùng đất này trên quy mô lớn. Vì vậy sau mấy thế kỷ thuộc Chân Lạp, vùng đất Phù Nam vẫn đầy hoang vu.
Trong "Chân Lạp phong thổ ký" - thế kỷ XIII - Châu Đạt Quan (Trung Hoa) đã ghi nhận vùng đất Nam Bộ ngày ấy đầy những "bụi rậm, tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi…". Vì vậy, theo chính sử, năm 1620 khi cưới con gái Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, vua Chân Lạp dễ dàng đồng ý cho người Việt mở rộng địa bàn khai phá vùng Thủy Chân Lạp.
Trên cơ sở những đơn vị tụ cư đã trù mật, Chúa Nguyễn đã cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý rồi cho lập ra phủ Gia Định, chính thức xác lập quyền lực của mình tại vùng trung tâm của Nam Bộ ngày nay, vùng đất mà trên thực tế Chân Lạp chưa bao giờ thực thi một cách đầy đủ chủ quyền. Đến năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (tương đương với vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu ngày nay) cho Chúa Nguyễn để đền ơn cứu giúp trong lúc hoạn nạn và giành lại ngôi vua. Ngay sau khi tiếp thu, đất Tầm Phong Long được lập thành 3 đạo: Đông Khẩu đạo (nay là Sa Đéc), Tân Châu đạo (nay là Tân Châu), Châu Đốc đạo (nay là Châu Đốc) đặt dưới sự quản lý của Dinh Long Hồ (lập năm 1732).
Như vậy, rất rõ ràng và thuyết phục rằng: "Phù Nam là của Việt Nam". Điều này không chỉ giúp hiểu đúng quá khứ mà quan trọng hơn là thể hiện lòng tôn trọng di sản, lãnh thổ, biên giới mà tiền nhân đã đổ biết bao công sức gầy dựng.
Ngày 14-9-2012 và 26-12-2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Óc Eo-Ba Thê (An Giang) và Gò Tháp (Đồng Tháp) - hai địa điểm được phát hiện có nhiều di tích của nền Văn hóa Óc Eo/Phù Nam - là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng để triển khai công tác bảo tồn, nghiên cứu chuyên sâu và phát huy giá trị xứng đáng với tầm vóc Vương quốc cổ xưa của Việt Nam. Mà việc thực thi nhiều đợt khai quật và công bố kết quả gần đây tại nhiều địa phương vùng Nam Bộ là minh chứng.