Bệnh ung thư tuyến giáp tuy xuất hiện ở tuyến giáp nhưng lại có liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống của người bệnh. Dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp cần dựa trên những người chưa từng, đã từng điều trị và lời khuyên của bác sĩ đối với bệnh nhân.
1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp
- Nếu như người bệnh đã từng điều trị bằng liệu pháp iot phóng xạ, các thực phẩm trong khẩu phần ăn tránh các thực phẩm có chứa hàm lượng iot cao đặc biệt là muối iot. Bạn cũng có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ sau khi đi điều trị bệnh.
- Trong thời gian hóa trị, người bệnh có thể mất đi cảm giác ngon miệng cùng với những vết loét ở miệng cùng một số triệu chứng đau đầu, buồn nôn…
- Trong các trường hợp điều trị ung thư tuyến giáp, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng có thể dẫn đến việc ăn uống không ngon như khô miệng, khó nuốt. Do vậy, các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến cáo họ không nên ăn các loại đồ khô như bánh mỳ, bánh quy cứng, các loại hạt ngũ cốc vì có thể những loại này làm cho tình trạng nặng lên, bệnh tình cũng trở nên trầm trọng hơn. Bệnh nhân mà cảm thấy khó nuốt, bạn có thể nghiền nhỏ hoặc nấu nhừ các loại thức ăn ra cho nhuyễn, người bệnh có thể nuốt một cách dễ dàng.
- Sau điều trị, người bệnh có triệu chứng buồn nôn, nôn, khó tiêu, thì người chăm sóc nên nấu các loại thức ăn lỏng, cháo, mỳ, nước hoa quả bổ sung vào cơ thể để họ phần nào hấp thụ được thêm năng lượng. Chia các bữa ăn đó ra làm nhiều phần để bất cứ khi nào đói, họ có thể tự lấy ăn.
- Chọn các loại thực phẩm giàu protein để khi hấp thụ tạo năng lượng hoạt động trở lại cho các cơ bắp cho cơ thể.
- Đối với bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp, một số nhà chuyên gia còn khuyên ăn các thực phẩm có độ lạnh vừa phải sẽ làm dịu cổ họng và dạ dày của người bệnh.
- Những người có khối u đã di căn ra xa và không thể điều trị được, nên dựa trên ý thích của bệnh nhân, có thể làm nhiều món đó hơn các món khác để kích thích được sự ăn uống của họ. Người chăm sóc nếu có thời gian nên cùng làm những việc có lợi cho sức khỏe của người bệnh như cùng họ đi bộ, cùng họ chơi cờ hay khuyến khích họ đọc những cuốn sách về cuộc sống, đưa họ đi tham quan nhiều nơi để có thể mở mang thêm đầu óc, khiến cho người bệnh bớt đi được tâm lý trầm cảm cũng như cơn đau trong người mà họ vẫn đang phải gánh chịu từng ngày.
2. Ung thư tuyến giáp nên ăn gì?
Dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp: nên ăn một số loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như thực phẩm giàu I-ốt, rau màu xanh đậm, các loại hạt và hoa quả mọng, hải sản, vitamin A, B, C, E, omega 3… Tuy nhiên, khi ăn những thực phẩm này cũng cần lưu ý một số điều nhất định.
2.1. Các loại thực phẩm giàu i-ốt
I-ốt giúp tuyến giáp tổng hợp các hormone. Vì thế, sử dụng các loại thực phẩm giàu i-ốt sẽ làm cho tuyến giáp hoạt động ổn định, giảm sự hình thành và phát triển khối u, tránh nguy cơ mắc hay tái phát bệnh ung thư tuyến giáp.
I-ốt thường có trong các loại thực phẩm như: Muối ăn có i-ốt, tảo, rong biển, cá biển, trứng gà, rau cần, cải thảo…
Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thực phẩm giàu i-ốt, người bệnh cần lưu ý:
- Không dùng quá lượng iốt khuyến nghị 150 mcg/ngày (ở người lớn) và 90 - 120 mcg/ngày (ở trẻ em): Việc hấp thụ quá nhiều i-ốt có thể làm cho tuyến giáp người bệnh gặp vấn đề (như viêm tuyến giáp) và làm cho các triệu chứng càng trở nên nặng hơn.
- Kiêng i-ốt trong vòng 2 tuần trước khi điều trị bằng liệu pháp phóng xạ I-131: Bởi I-131 được dùng để tiêu diệt các mô giáp còn sót lại sau quá trình phẫu thuật. Nếu trong quá trình điều trị này, người bệnh sử dụng nhiều i-ốt thì tuyến giáp sẽ hấp thụ i-ốt thay vì chất I-131. Điều này làm cho việc điều trị bị cản trở.
2.2. Rau có màu xanh đậm
Rau có màu xanh đậm tốt cho người bị ung thư tuyến giáp vì nó chứa hàm lượng magie và khoáng chất cao, giàu vitamin C và chất xơ.
- Giàu hàm lượng Magie và khoáng chất: Giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp, xua tan cảm giác mệt mỏi, đau cơ, thay đổi nhịp tim.
- Giàu Vitamin C: Tăng sức đề kháng, giúp vết thương nhanh hồi phục và giảm nguy cơ hình thành sẹo.
- Giàu chất xơ: Giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tốt cho hệ tiêu hóa và đường ruột của bệnh nhân ung thư tuyến giáp đang xạ trị gặp chứng táo bón.
Các loại rau xanh đậm mà người ung thư tuyến giáp nên ăn là rau mồng tơi, rau muống, rau bina, súp lơ…
Tuy rau xanh đậm có nhiều tác dụng như vậy nhưng người bệnh cũng không nên ăn quá nhiều trong quá trình điều trị. Bởi việc nạp nhiều chất xơ sẽ ngăn cản sự hấp thu thuốc của cơ thể.
2.3. Các loại hạt và hoa quả mọng
Các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, hạt bí… cung cấp magie, là chất dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp rất tốt. Hơn nữa, các loại hạt này còn chứa nhiều protein thực vật, đồng, kẽm, vitamin B, vitamin E có thể giúp tuyến giáp hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các loại quả mọng, liền khối như cà chua, chuối, táo, dâu tây, nho, cam, việt quất… giàu chất oxy hóa hỗ trợ chức năng tuyến giáp, giúp chống lại các tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư tuyến giáp. Lượng vitamin, protein và khoáng chất trong quả giúp tăng cường dưỡng chất cho người bệnh.
2.4. Hải sản
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên ăn các loại hải sản như tôm, cua, cá… Vì những loại hải sản này giàu i-ốt, canxi, kẽm, selen, omega 3, vitamin B cung cấp năng lượng, đảm bảo quá trình hoạt động bình thường của cơ thể để duy trì hoạt động của tuyến giáp.
2.5. Vitamin A, B, C, E
Vitamin A, C, E là những chất oxy hóa giúp loại bỏ những tác nhân gây tổn thương cho tuyến giáp. Còn vitamin B giúp bổ sung chất dinh dưỡng để tuyến giáp khỏe mạnh hơn. Vì thế, người bệnh ung thư tuyến giáp nên bổ sung các loại vitamin này.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy vitamin A, B, C, E trong thịt lợn, thịt gà, rau lá xanh, hải sản có vỏ cứng, mầm lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, cà rốt, khoai lang, ớt chuông, bơ, dâu tây, rau diếp…
2.6. Axit béo Omega-3
Các axit béo Omega-3 rất tốt cho người bị ung thư tuyến giáp vì có khả năng chống viêm và điều chỉnh miễn dịch, giúp tuyến giáp ổn định và hoạt động tốt hơn. Để bổ sung omega-3, bạn nên ăn các loại thực phẩm như dầu cá, cá hồi, cá mòi, cá trích, cá ngừ, thịt bò, hạt lanh, tôm,…
3. Ung thư tuyến giáp không nên ăn gì?
Dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp cần tránh có thể kể đến như đậu phụ, đậu nành, thực phẩm chế biến sẵn, các loại rau họ cải, thực phẩm giàu gluten, nội tạng, đồ nướng, thức ăn cay nóng, đường, đồ uống có chất kích thích, sữa…
3.1. Đậu phụ, đậu nành
Đậu phụ, đậu nành, tào phớ, sữa đậu… chứa chất isoflavone gây cản trở khả năng hấp thụ i-ốt và tạo hormone của tuyến giáp. Hơn nữa, hợp chất goitrogen trong những thực phẩm này có thể gây bướu cổ và làm gián đoạn hoạt động của tuyến giáp. Vì thế, người bệnh ung thư tuyến giáp không nên ăn các loại thực phẩm này.
Tuy nhiên, những sản phẩm đậu nành đã lên men như tempeh, tương miso… lại tốt cho tuyến giáp và cơ thể. Do đó, người bệnh có thể sử dụng các sản phẩm này.
3.2. Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn chứa calo rỗng, đậu tương, chất phụ gia, chất bảo quản không tốt cho sức khỏe cơ thể và tuyến giáp. Khi ăn nhiều, các chất này tích tụ lại và gây độc cho cơ thể.
Hơn nữa, hàm lượng chất béo trong thực phẩm chế biến sẵn cao khi dung nạp vào sẽ làm cho việc sản xuất thyroxin của tuyến giáp bị giảm xuống. Thậm chí, tác dụng của các loại thuốc điều trị suy giáp cũng bị ảnh hưởng.
Một số loại thực phẩm chế biến sẵn mà người bệnh ung thư tuyến giáp cần tránh xa là thịt hun khói, xúc xích, pate…
3.3. Các loại rau họ cải
Các loại rau họ cải như cải bruxen, cải xoăn, củ cải… chứa nhiều isothiocyanates gây cản trở hoạt động của tuyến giáp. Vì thế, người bệnh ung thư tuyến giáp nên hạn chế ăn các loại rau này. Nếu muốn ăn, bạn nên luộc sơ qua để loại bỏ chất isothiocyanates.
3.4. Thực phẩm giàu gluten
Gluten ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm cho người bị ung thư tuyến giáp bị đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, mệt mỏi ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Hơn nữa, gluten còn gây ra phản ứng miễn dịch tự động, giảm hiệu quả của thuốc điều trị và tăng nguy cơ mắc bệnh suy giáp hoặc cường giáp.
Các thực phẩm giàu gluten cần tránh có thể kể đến như lúa mạch, lúa mì, bánh quy, bánh mỳ, bánh ngọt, các món ăn chay…
3.5. Nội tạng động vật
Các loại nội tạng động vật như tim gan, thận, lòng… chứa nhiều acid lipoic. Khi dung nạp vào, hoạt động tuyến giáp của người bệnh có thể bị phá hủy.
Hơn nữa, chất này cũng làm giảm tác dụng của những loại thuốc điều trị ung thư tuyến giáp. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế ăn nội tạng động vật.
3.6. Đồ nướng
Đồ nướng như thịt lợn nướng, thịt gà nướng, chân gà nướng, rau củ nướng… chứa một lượng lớn hoạt chất AGE. Khi ăn đồ nướng, hoạt chất này sẽ đi vào cơ thể ảnh hưởng đến mô, tế bào, mạch máu… ở tuyến giáp làm cho tình trạng tổn thương càng năng hơn.
Vì thế, người bệnh ung thư tuyến giáp không nên ăn đồ nướng mà có thể thay bằng đồ hấp, luộc.
3.7. Thức ăn cay nóng
Ăn thực phẩm cay nóng như ớt, hạt tiêu… có thể làm chỗ tổn thương của tuyến giáp càng thêm nặng. Hơn nữa, ớt bột thường bị nhiễm nấm mốc sinh ra độc tố Aflatoxin gây độc hại cho cơ thể con người và gây ung thư, có hại cho tuyến giáp, tăng nguy cơ sau điều trị.
Vì thế, những người bị ung thư tuyến giáp, đặc biệt là ung thư tuyến giáp thể nhú không nên ăn loại thức ăn này.
3.8. Đường
Tuyến giáp bị suy giảm chức năng nên khó chuyển hóa đường thành năng lượng, gây ra bệnh huyết áp cao, tiểu đường, béo phì và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình ung thư.
Hơn nữa, đường cũng làm cản trở việc hấp thu thuốc điều trị của cơ thể. Điều này làm cho tế bào ung thư càng có cơ hội để phát triển. Do đó, người bệnh ung thư tuyến giáp nên hạn chế ăn đường.
3.9. Đồ uống có chất kích thích
Đối với người bệnh ung thư tuyến giáp, đặc biệt là sau phẫu thuật, các đồ uống có chất kích thích như nước có ga, bia, rượu và cà phê gây ra hiện tượng khó tiêu, ngăn cản tuyến giáp sản xuất hormone và khả năng tận dụng hormone của cơ thể.
Điều này làm cho vết thương cũ của tuyến giáp khó chữa lành và tạo điều kiện cho ung thư tuyến giáp tái phát. Ngoài ra, các loại đồ uống này còn kích thích hệ tiêu hóa và làm giảm tác dụng của thuốc điều trị ung thư nên khiến tình trạng người bệnh nặng hơn.
3.10. Sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, kem, bơ, phô mai… không tốt cho tuyến giáp và có thể làm giảm khả năng hấp thụ thuốc điều trị ung thư. Đặc biệt là với những bệnh nhân sau điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc phải uống hormone tuyến giáp Levothyroxine thay thế suốt đời.
Bởi theo khuyến cáo của TS. BS Vũ Hữu Khiêm - Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai: “Người bệnh không nên uống thuốc hormon tuyến giáp cùng với sữa bò vì sữa bò có hàm lượng canxi cao, có thể làm giảm khả năng hấp thu levothyroxine. Nên uống sữa xa khoảng thời gian uống thuốc levothyroxine”.
4. Lưu ý trong dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp
Ngoài những thực phẩm nên ăn và kiêng, khi thực hiện chế độ dinh dưỡng, người bệnh ung thư tuyến giáp cần lưu ý:
- Hỏi ý kiến bác sĩ khi chưa chắc chắn về tác dụng của thực phẩm đến việc điều trị: Nhiều loại thực phẩm có thể tác động không tốt tới quá trình hấp thu thuốc của tuyến giáp. Điều này làm cho thuốc đi vào cơ thể quá nhanh hoặc quá chậm ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Vì thế, trước khi ăn các loại thực phẩm chưa rõ tác dụng, người bệnh nên xin ý kiến bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị.
- Nên chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày: Người bệnh ung thư tuyến giáp thường hay có cảm giác chán ăn. Vì thế, bạn nên chia nhỏ bữa ăn thành 5 - 6 bữa và mỗi bữa ăn một lượng nhỏ để người bệnh không có tâm lý ngại ăn và có thể dung nạp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.
- Nấu chín và nghiền nhỏ thức ăn: Bệnh nhân ung thư bị tổn thương tuyến giáp nên thường khó nuốt. Chế biến thức ăn chín mềm và nghiền nhỏ sẽ giúp người bệnh dễ nuốt hơn.
- Không ăn đồ ăn sống, tái hoặc chần: Vì các thức ăn này không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các vi khuẩn còn sót lại trong đó có thể tấn công vào chỗ tổn thương của tuyến giáp làm cho tình trạng càng nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, thức ăn chưa chế biến kĩ thường cứng, dai và khó nuốt, cản trở việc ăn uống của người bệnh.
- Bổ sung thêm sinh tố, nước ép trái cây, chất xơ vừa đủ: Đây là những thực phẩm dễ nuốt, có chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, ngăn ngừa tình trạng táo bón.
- Tăng cường bổ sung nước uống: Uống nhiều nước sẽ nhanh thải được các loại độc tố trong cơ thể giúp cho người bệnh khỏe mạnh hơn.
- Chế biến thức ăn nên giảm lượng dầu mỡ, để nguội bớt thức ăn: Cách chế biến này vừa giúp giảm cảm giác buồn nôn, chán ăn do dầu mỡ, vừa hạn chế chất béo không tốt cho người bệnh.
Thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp ở trên sẽ giúp người bệnh có thêm năng lượng, sức đề kháng và mau chóng phục hồi hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập thể thao nhẹ nhàng và suy nghĩ tích cực để tăng cường sức khỏe.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.