Tại sao viết quan trọng?
Sự thật là rất nhiều người trong xã hội hiện nay ngại viết. Hay đúng hơn là ngại viết một cách “tử tế”—viết đôi ba dòng trạng thái Facebook thì được nhưng nếu bảo viết một email dài hay một bài luận có đầu có cuối thì rất ngại. Mà càng ngại, càng ít viết thì kỹ năng viết sẽ ngày càng thui chột dần đi, khiến mình càng ngại viết hơn nữa.
Nhưng viết là một kỹ năng vô cùng quan trọng
Viết phản ánh kiến thức, trải nghiệm, và thậm chí cả “thần thái” của con người. Bạn có thể là một người hoạt ngôn, nói giỏi và thu hút người nghe; nhưng nếu sau cuộc nói chuyện, bạn nhắn cho đối tác những dòng tin không đầu không cuối hay những email sai chính tả tè le thì đối tác sẽ ngay lập tức nghi ngờ về trình độ và tính chuyên nghiệp của bạn. Tương tự, như đã phân tích trong bài “Viết tiếng Anh như người có học”, người bình thường có thể khen gợi một em bé bán hàng rong ở Sapa nói tiếng Anh giao tiếp làu làu mà không biết viết. Nhưng sẽ không trường đại học nào chấp nhận bạn với một đơn xin học bổng chi chít lỗi sai ngữ pháp; không có cơ quan, tổ chức nào tin tưởng một nhân viên nói thì như chim hót nhưng bảo viết báo cáo hoặc gửi email cho khách hàng thì xin khất việc cho người khác làm. Viết, vì thế, vô cùng quan trọng cho sự nghiệp, học tập và xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Viết còn là cách thể hiện tư duy, cảm xúc và chính kiến của mình bằng ngôn từ. Viết giúp bộc lộ bản thân, giải toả cảm xúc và đào sâu hơn vào phần nội tâm của mình. Với những người hướng nội (như tôi), viết bù đắp những thiếu hụt trong giao tiếp bên ngoài và giúp kết nối sâu với mọi người mà không cần phải gặp gỡ, tiệc tùng, tham gia networking quá nhiều.
Tôi không thể kể cho bạn biết bao nhiêu lần tôi từng bị những người ở vị thế cao xem thường hoặc không để ý đến chỉ vì tôi là một cô bé Châu Á bé nhỏ, nói năng nhẹ nhàng và sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Nhưng ngay khi họ đọc được những gì tôi viết, thái độ của họ thay đổi 180 độ bởi vì họ nhận ra được khả năng giao tiếp bằng ngôn từ, cũng như trình độ của tôi. Rất, rất nhiều lần tôi trở về nhà mệt mỏi, thất vọng sau buổi networking không mấy ấn tượng, nhưng tôi vẫn cố gắng ngồi xuống, hít một hơi thật sâu và viết: “Cảm ơn ông/bà đã dành thời gian nói chuyện với tôi ngày hôm nay. Tôi muốn qua email này để chia sẻ thêm một số ý tưởng mà tôi chưa có cơ hội chia sẻ kỹ lưỡng trong buổi networking vừa rồi…” Và chỉ sáng hôm sau thôi, ngay khi tôi thức dậy, “thành quả” đã chờ sẵn trong hộp thư: “tôi rất ấn tượng về cô”, “cô viết rất hay”, “ý tưởng rất thú vị”, “tôi muốn đề nghị cô làm cùng dự án XYZ để chúng ta hợp tác lâu dài”….
Tôi viết ra những điều này không phải để quảng cáo, tung hô cho bản thân mà để chỉ cho bạn thấy rằng: viết là một kỹ năng tuyệt vời, nó có thể che giấu, lấp đầy khiếm khuyết của bạn, và làm người khác cảm thấy yêu mến, kết nối với mình một cách tự nhiên mà sâu sắc.
“Nhưng nếu mình không có năng khiếu viết thì sao?”
Năng khiếu đúng là có thể giúp bạn viết dễ dàng, suôn sẻ hơn ngay từ ban đầu. Nhưng năng khiếu không là gì nếu không có luyện tập. Viết suy cho cùng cũng là một loại kỹ năng, mà kỹ năng thì luôn có thể học được và nếu trau dồi, luyện tập hàng ngày thì chắc chắn sẽ tốt lên.
Về bản thân, tôi tự nhận mình là người có năng khiếu viết lách vì cả gia đình tôi có truyền thống làm về ngôn ngữ và tôi học chuyên văn từ khi còn nhỏ. Nhưng có một thời gian 3 năm liền sang nước ngoài tôi hầu như không viết tiếng Việt, khiến cho kỹ năng viết kém đi rất nhiều. Khi quyết định cho ra đời The Present Writer, tôi phải lục đăng lại những bài viết từ nhiều năm trước trên blog cũ và đã chật vật rất nhiều để cho ra đời bài viết mới. Còn nhớ những bài viết đầu tiên trên blog này, tôi phải viết nháp trước sau đó gửi email cho ba mẹ tôi ở Việt Nam chỉnh sửa. Những ngày đầu nhìn bản sửa chi chít lỗi sai ba mẹ gạch ra, tôi rất thất vọng: “Mình đã kém đến vậy sao? Mình không viết nổi một dòng tiếng Việt mà không có lỗi? Mình không đủ kỹ năng để duy trì blog này”—tôi đã từng nghĩ như vậy trong một thời gian dài. Rất may là sau một quá trình luyện tập viết hàng ngày, viết bằng cả hai thứ tiếng, tôi lấy lại được kỹ năng mình đã mất và từ đó tự duy trì và phát triển The Present Writer như ngày nay.
Bởi vậy, bạn đừng mãi bám vào hai từ “năng khiếu” để hạn chế khả năng viết của mình. Để viết tốt, viết dễ hiểu và viết như một người có trình độ, tất cả những gì bạn cần chỉ là luyện tập, trau đồi kỹ năng thường xuyên. Một khi đã vượt qua được cái ngại ngần ban đầu của việc viết (điều khó nhất!), bạn sẽ tự khắc viết tốt lên.
Thế nào là viết hay?
“Hay” là một phạm trù mang tính cá nhân cao. Có thể người này viết hay với tôi, nhưng lại là không hay đối với bạn. Tuy nhiên, có một “quy luật” chung để đánh giá một bài viết/tác phẩm có hay hay không, từ phương diện tiếp nhận của người đọc. Đây là một bí quyết mà tôi học được từ cô giáo chủ nhiệm cấp 3 của mình, Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết. Trong suốt hơn một thập kỷ qua, tôi vẫn nhớ nằm lòng bài học của cô và áp dụng nó trong tất cả mọi hoàn cảnh viết. Hôm nay tôi sẽ mạn phép cô chia sẻ lại với bạn đọc:
Một bài viết/tác phẩm hay là nó phải gợi ra được cái chung với người đọc, để cho người đọc cảm thấy như nhìn thấy mình trong đó; đồng thời, nó cũng phải thể hiện tính độc đáo để người đọc nhận thấy cái mới lạ, học được thêm điều gì đó khi đọc
Đây thực sự là một “tuyệt chiêu” đối với người viết. Thứ nhất, để tạo ra một bài viết/tác phẩm văn học hay, bạn phải cho người đọc thấy được điểm chung (relevant) giữa câu chuyện bạn đang kể với những gì người đọc trải nghiệm trong cuộc sống của họ. Điều này là yếu tố tiên quyết để thu hút người đọc ngay từ ban đầu vì họ thấy là: “À, mình cũng có trải nghiệm tương tự, mình cũng băn khoăn điều tương tự, mình cũng cần tìm câu trả lời cho câu hỏi này…” và đọc tiếp. Nhưng nếu chỉ nêu ra được cái chung thôi thì chưa đủ vì nếu chỉ có vậy, người đọc sẽ thấy nhàm chán, cảm thấy rằng mình không tìm được câu trả lời sau cả bài đọc dài, cảm thấy không học thêm được cái gì mới. Bởi vậy bạn phải tiếp tục thực hiện được vế thứ hai, đó là tính độc đáo (unique). Để làm được điều này, bạn cần khai thác điểm gì đó trong câu chuyện của mình mà chỉ riêng mình/nhân vật của mình mới có, đưa ra câu trả lời riêng của mình. Điều này khiến cho người đọc nhận ra rằng mặc dù hoàn cảnh chung có giống nhau nhưng cách xử lý của bạn/nhân vật bạn viết khác với họ và họ học thêm được điều mới từ trang viết của bạn.
Khi giảng dạy về kỹ thuật viết này, cô Tuyết chủ yếu nói về các tác phẩm văn học của các nhà văn xuất sắc như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng—những người có biệt tài tạo ra thế giới nhân vật gần gũi tới mức mặc dù hoàn cảnh đất nước đã khác đi nhiều, ta vẫn nhận ra những điểm chung trong giằng xé nội tâm, nỗi khổ vì túng thiếu, sự tha hoá về đạo đức con người trong cuộc sống hiện tại. Nhưng những nhân vật trong các tác phẩm đều có cảnh đời và suy nghĩ rất riêng khiến người đọc thấy được sự khác biệt thu hút.
Mặc dù không phải là nhà văn giả tưởng nhưng tôi đã ứng dụng kỹ thuật viết này trong cách viết blog, viết sách tiếng Việt, và trong các nghiên cứu bằng tiếng Anh của mình. Ví như như blog này, tôi thường bắt đầu bằng một vấn đề mà nhiều người quan tâm (như làm sao để viết tốt hơn) qua đó lồng ghép những vấn đề mà tất cả mọi người đều gặp phải (như ngại viết) để tạo sự kết nối chung với bạn đọc. Sau đó, tôi đưa ra ví dụ trải nghiệm của riêng mình (như đoạn về networking phía trên) để bạn đọc thấy được cách xử lý tình huống đặc biệt của tôi và (hy vọng) bạn có thể áp dụng vào cuộc sống của bạn.
Tương tự như vậy, khi tôi viết nghiên cứu khoa học về giáo dục, phần đầu tiên tôi viết thường là objectives (mục đích). Phần này chỉ ra những vấn đề chung trong giáo dục mà nhiều nơi gặp phải (dựa vào literature review hay tổng quan nghiên cứu, luận chứng chung) và tại sao tôi làm nghiên cứu để luận bàn thêm hoặc giải quyết vấn đề đó như thế nào. Như vậy, người đọc có thể thấy được đây là một đề tài được nhiều người quan tâm, đã từng có nhiều nghiên cứu về đề tài này; nhưng đồng thời cũng thấy được điểm khác biệt của nghiên cứu của tôi và giá trị nghiên cứu này mang đến cho giáo dục.
Vậy là bạn đã biết được “tuyệt chiêu” lớn nhất của tôi trong việc viết lách rồi ?. Phần còn lại chỉ là cách bạn ứng dụng kỹ thuật này vào trong từng hoàn cảnh viết cho phù hợp mà thôi.
Làm sao để cải thiện kỹ năng viết?
Viết, viết, và viết là cách duy nhất để viết tốt hơn. Viết vừa là khó khăn và vừa là giải pháp cho mọi khó khăn khi viết. Bạn phải bắt tay vào viết và viết thường xuyên thì mới có thể viết lên tay được, và một khi đã viết lên tay rồi bạn sẽ thích viết và viết đều hơn. Rất nhiều người từng hỏi tôi về bí quyết để viết đều đặn và viết tốt nhưng tôi biết mọi người đều trông chờ một bí mật, một phép màu nào đó cho việc viết lách. Nhưng sự thật là không có bí quyết nào cả, chỉ có viết như nó vốn có mà thôi. Viết hàng ngày là cách duy nhất để viết tốt hơn mỗi ngày.
Stephen King—tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ—từng nói: “Đọc và viết bốn đến sáu tiếng mỗi ngày. Nếu bạn không tìm nổi thời gian cho việc này, bạn không thể kỳ vọng mình trở thành một người viết tốt được”.
Ngoài ra, để viết chuẩn và viết có chiều sâu hơn, bạn cần đọc nhiều hơn. Càng đọc nhiều những tác phẩm chất lượng thì tự khắc mình sẽ học được cách viết tốt, viết ít sai lỗi chính tả hơn, diễn đạt dễ hiểu hơn, và cũng có thêm kiến thức để viết hơn.
Yếu tố nào quyết định thành công cho người viết chuyên nghiệp ?
Okay. Let’s be real for a moment…
Nếu bạn làm được tất cả như những gì vừa nêu lên trong bài (viết gợi ra được điểm chung lẫn điểm riêng khác biệt, đọc thường xuyên, luyện tập viết hàng ngày…) thì bạn chắc chắn có thể nâng cao khả năng viết của mình từ thấp lên tới trung bình hoặc từ trung bình lên tốt. Và bạn hoàn toàn có thể tự tin với chức danh: “người viết không chuyên”—một điều tuyệt vời!
Nhưng nếu bạn muốn trở thành người viết chuyên nghiệp, bạn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể thành công. Người viết chuyên nghiệp ở đây không chỉ là nhà văn, nhà thơ, nhà báo mà còn có thể mở rộng ra như blogger, content creator (sáng tạo nội dung), biên tập viên, người viết bài marketing, người làm nghiên cứu, người viết thông cáo báo chí …—tất cả những người muốn kiếm sống bằng nghề viết hoặc xây dựng mô hình kinh doanh dựa vào chữ nghĩa. Để trở thành người viết tốt thôi thì không khó nhưng để từ viết tốt lên đến viết chuyên nghiệp, đều đặn, xây dựng sự nghiệp xoay quanh việc viết lách thì lại là cả một câu chuyên khác.
Vậy, yếu tố nào quyết định thành công cho người viết chuyên nghiệp? Suy nghĩ về câu hỏi này, tôi vẫn phải quay lại mô hình QVCA của Alex Ikonn (đọc thêm chi tiết tại đây). Về cơ bản, QVCA là viết tắt cho bốn từ tiếng Anh: Quality (Chất lượng), Value (Giá trị), Consistency (Kiên định/Đều đặn), và Authenticity (Thật)
- Chất lượng luôn là chìa khoá của mọi thành công. Dù bạn có viết nhiều, viết dài nhưng nếu bài viết không có chất lượng, không làm cho người đọc thấy được sự tiến bộ của bạn qua từng trang viết thì người đọc cũng sẽ không có hứng thú đọc thêm những gì bạn viết. Chất lượng luôn phải đặt trên số lượng.
- Giá trị là điều khiến người đọc tìm đến với bạn. Trước khi đặt bút viết, bạn nên suy nghĩ: “Những gì mình viết mang lại giá trị gì cho bản thân mình và cho cộng đồng?” Giá trị này không nhất thiết phải “hàn lâm” như đưa ra kiến thức, bài học hay suy nghĩ gì sâu sắc cho độc giả, nó có thể đơn giản như đem đến cho độc giả một tiếng cười giải trí, một giây phút thư giãn, hay một đôi điều để “tám” chuyện với nhau khi rảnh rỗi… Nhưng nhất thiết bài viết phải mang lại một giá trị nào đó; nếu không, cả người đọc lẫn người viết đều chỉ làm tốn thời gian của nhau mà thôi.
- Đều đặn và ổn định là yếu tố khó nhất đối với người viết nói riêng và những người làm sáng tạo nói chung, nhất là khi cảm hứng và tâm lý ảnh hưởng nhiều đến năng lực làm việc. Nhưng đây lại là yếu tố quyết định thành-bại đối với người viết chuyên nghiệp. Nếu bạn không viết đều đặn, ổn định thì khả năng viết của bạn cũng sẽ thui chột dần và người đọc cũng dần quên đi trang viết của bạn. Bản thân tôi cũng có một thời gian hơn một năm khi nghỉ sinh em bé không viết được một bài nào mới trên blog này nên tôi hiểu viết ổn định khó như thế nào. Nhưng càng khó bạn lại càng cần phải duy trì bởi vì một khi mình rời khỏi nhịp viết đều đặn rồi thì rất khó quay trở lại với nó.
- Tính chân thật là nét riêng của từng người viết, là sự dũng cảm của người viết khi dám bước ra khỏi vỏ bọc an toàn của mình để cho người đọc thấy được một phần con người và suy nghĩ thầm kín của mình. Đây chính là yếu tố vô cùng quan trọng để người đọc tin tưởng vào nội dung bạn viết và không ngừng quay trở lại với trang viết của bạn mỗi khi họ gặp phải vấn đề gì cần tham vấn trong cuộc sống.
Cuối cùng, nếu tôi có thể đưa ra lời nào nhắn nhủ cho người viết chuyên nghiệp thì đó là: Đừng bắt đầu viết chỉ vì tiền—nó sẽ chỉ làm bạn thất vọng.
Viết không phải là công việc dễ để mang lại thu nhập và địa vị cao (bởi vậy mới có câu: “Lập thân tối hạ thị văn chương“) và thường phải mất rất nhiều thời gian và công sức bạn mới có thể kiếm được đồng tiền đầu tiên từ viết lách. Mà kể cả khi bạn đã kiếm ra tiền rồi bạn vẫn sẽ có cảm giác đồng tiền mình nhận được không thể so với công sức, tâm huyết và trí lực mình bỏ ra để viết (các tác phẩm văn học thường được gọi là “đứa con tinh thần” là vì thế).
Nhưng viết là một công việc mang lại rất nhiều niềm vui và giá trị cho cuộc sống. Viết khiến ta trở nên giàu có hơn về tâm hồn và cảm xúc. Viết cũng mở ra nhiều cơ hội và kết nối bất ngờ. Bởi vậy, bạn hãy cứ bắt đầu viết với một tâm hồn trong sáng; tiền bạc, sự nghiệp, cơ hội… sẽ dần đến với bạn theo một cách khác.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog