Gia Lai là một trong số những địa phương trồng cà phê sớm nhất tại Tây Nguyên. Người ta đã trồng nhiều loại cây cà phê trên mảnh đất bazan trù phú này như cà phê chè (Arabica), cà phê mít (Liberica). Nhưng cuối cùng, loại cà phê thích hợp nhất với nơi đây là cà phê Robusta - “Chiến binh robot” với hàm lượng cafein cao, hương vị mạnh mẽ, đậm đà khó quên.
Robusta - đặc sản của Gia Lai
Gia Lai đã và đang góp một phần lớn vào ngành xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam với trữ lượng cà phê lớn. Tính đến năm 2019, tổng diện tích trồng cà phê tại Gia Lai là 97.200 hecta, trong đó, cà phê Robusta chiếm tới gần 94.000 hecta với sản lượng trung bình 15-20 tấn/ha. Các địa phương trồng cà phê Robusta tại Gia Lai bao gồm Chư Sê, Đak Đoa, Ia Grai và Chư Prông. Trong đó, Đắk Đoa có tới 27.000 ha diện tích đất canh tác cà phê - chiếm 55% diện tích đất nông nghiệp, với sản lượng trung bình đạt 70.000 tấn cà phê nhân/năm. Cây cà phê cũng mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ và giúp tình hình kinh tế của huyện phát triển ổn định. Chất lượng cà phê Robusta của Gia Lai cũng được đánh giá cao bởi hàm lượng cafein vượt trội. Trong đó, hương vị cà phê tại Chư Sê và Đak Đoa được cho là đậm đà hơn cà phê tại Ia Grai, Chư Prông. Tuy nhiên, sự khác biệt này là rất nhỏ, chỉ những người sành sỏi hoặc người trong ngành mới có thể nhận ra.
Khó khăn của cà phê Robusta Gia Lai
Giống như các địa phương khác tại Tây Nguyên, người dân Gia Lai gặp nhiều trở ngại trong canh tác cà phê bởi thời tiết thất thường. Mặc dù niên vụ 2020 chưa kết thúc, nhiều nông hộ cho biết năng suất cà phê giảm mạnh so với các năm trước. Mọi năm, trung bình mỗi ha thu hoạch được 18-20 tấn cà phê tươi, nhưng năm nay chỉ thu hoạch được 12-13 tấn/ha. Nguyên nhân lớn nhất là do mùa mưa đến muộn, lượng mưa ít nhưng lại xuất hiện mưa bão khiến nông dân không thể chăm sóc cây trồng. Là một vùng trồng cà phê lâu năm, số lượng đất đai già cỗi cần cải tạo của Gia Lai là không nhỏ. Mặc dù có 97.200 hecta đất trồng cà phê, nhưng thực tế chỉ có 83.200 hecta đang kinh doanh, phần còn lại đang được tái canh. Hơn nữa, kỹ thuật trồng và chế biến cà phê tại Gia Lai chưa cao. Người nông dân vẫn sử dụng các cách thức nuôi trồng lạc hậu, sử dụng nhiều chất hóa học, thuốc trừ sâu, ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng cà phê. Hiện nay, thương hiệu cà phê Robusta Gia Lai vẫn chưa được định vị rõ ràng trên thị trường dù chất lượng không thua kém cà phê từ các địa phương và quốc gia khác. Nguyên nhân lớn nhất là do cà phê xuất khẩu là nguyên liệu thô, không được gắn mác thương hiệu. Điều này cũng làm giá của cà phê nơi đây không cao, thiếu tính cạnh tranh.
Nỗ lực tiếp cận thị trường khó tính
Các thị trường nhập khẩu cà phê năng động nhất thế giới là Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, các “thực khách” tại đây không hề dễ tính với nhiều yêu cầu về chất lượng. Để tiếp cận được các thị trường này, tỉnh Gia Lai đã đưa ra nhiều giải pháp giúp nâng cao chất lượng thành phẩm cà phê. 231 lớp huấn luyện về kỹ thuật sản xuất và tái canh được tổ chức để phổ biến cho người dân các thông tin cần thiết, mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao cũng được thành lập và áp dụng bởi Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã và nông hộ trong khu vực cũng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C. Kết quả nhận được là 12.000 ha diện tích trồng cà phê tiêu chuẩn 4C, 45 ha được cấp giấy chứng nhận. Với những nỗ lực trên, kim ngạch xuất khẩu cà phê chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Cà phê Gia Lai cũng đã xuất hiện tại các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Dự kiến trong tương lai, “chiến binh rô bốt” của Gia Lai sẽ càng phát triển trên bầu trời quốc tế.