Cholesterol có mặt ở khắp các bộ phận trong cơ thể và có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, giúp cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sự mất cân bằng cholesterol có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, nguy hiểm là các bệnh lý về tim mạch. Do đó, hiểu rõ về các loại, chức năng cũng như vai trò của cholesterol sẽ giúp mỗi chúng ta chủ động hơn trong việc cân bằng, giữ cho lượng cholesterol trong cơ thể ổn định.
Cholesterol là gì?
Cholesterol là một loại lipid thực hiện nhiều công việc thiết yếu trong cơ thể. Lipid là những chất không hòa tan trong nước nên cholesterol không bị phân hủy trong máu. Thay vào đó, cholesterol di chuyển qua máu đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể, góp phần trong việc tạo ra hormone, vitamin D và các chất giúp tiêu hóa thức ăn.
Cholesterol cần thiết trong hầu hết các hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, khi lượng cholesterol trong máu tăng lên, nguy cơ đối với sức khỏe cũng tăng theo, đặc biệt là các vấn đề về bệnh tim mạch. Cholesterol di chuyển trong máu một cách âm thầm, khi cholesterol cao có thể kết hợp với các chất khác trong máu tạo thành mảng bám, bám vào thành động mạch, gây xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh động mạch vành, khiến động mạch vành bị hẹp, thậm chí tắc nghẽn hoàn toàn.
Nhiều người có mức cholesterol cao trong thời gian dài nhưng không có triệu chứng nào cụ thể, cho đến khi xuất hiện cơn đau tim hoặc đột quỵ. Do đó, việc kiểm tra lượng cholesterol định kỳ là điều cần thiết, giúp phát hiện sớm tình trạng tăng lipid máu, có biện pháp khắc phục để đưa cholesterol về mức ổn định. (1)
Các loại cholesterol
Cholesterol có hai loại chính là cholesterol LDL (cholesterol xấu) và cholesterol HDL (cholesterol tốt). Ngoài ra, còn có VLDL cholesterol ở mật độ rất thấp. LDL, HDL và VLDL là các lipoprotein, được tạo thành từ các chất béo (lipid) và protein. Lipid cần phải được gắn vào protein để có thể di chuyển trong máu. Mỗi loại lipoprotein sẽ có những vai trò khác nhau.
1. LDL-C
Cholesterol LDL-C đề cập đến lipoprotein tỷ trọng thấp, chủ yếu được tạo thành từ cholesterol. LDL cholesterol rất quan trọng đối với cơ thể, nhưng nếu có quá nhiều LDL trong máu, có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. LDL tăng cao sẽ kết hợp với các chất khác, tích tụ trên thành động mạch. Theo thời gian, chúng sẽ tạo thành mảng bám, khiến lòng mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, gây xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các bệnh khác.
LDL tăng lên có thể do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, yếu tố gia đình, các thói quen xấu như hút thuốc lá, ít vận động, người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.
2. HDL-C
Cholesterol HDL-C đề cập đến lipoprotein tỷ trọng cao, được tạo thành chủ yếu từ protein. HDL-C là cholesterol “tốt” vì nó lấy thêm cholesterol ra khỏi máu và vận chuyển đến gan. Gan sau đó sẽ thực hiện việc phân hủy cholesterol và loại bỏ ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, HDL-C chỉ loại bỏ khoảng 1/4 đến 1/3 lượng cholesterol LDL.
3. VLDL-C
VLDL cholesterol là viết tắt của lipoprotein tỷ trọng rất thấp. Vì nó góp phần tích tụ mảng bám trong động mạch nên cũng được xem là cholesterol “xấu”. Nhưng VLDL-C khác với LDL-C, VLDL-C chủ yếu mang chất béo trung tính, cholesterol và hàm lượng protein thấp; còn LDL-C chủ yếu mang cholesterol.
4. Cholesterol toàn phần
Cholesterol toàn phần bao gồm tổng lượng LDL-Cholesterol, HDL-Cholesterol và 20% Triglyceride. Trong đó, LDL và HDL là hai loại lipoprotein cơ bản, được tạo thành từ cholesterol liên kết với protein vận chuyển để có thể di chuyển trong máu. (2)
Cholesterol được tổng hợp từ đâu trong cơ thể?
Cholesterol đến từ hai nguồn chính: Gan và chế độ ăn uống. Gan, các cơ quan khác và các tế bào khác trong cơ thể sản xuất khoảng 75% lượng cholesterol trong máu. 25% còn lại được tạo ra từ những loại thực phẩm mà bạn ăn hằng ngày.
Những thực phẩm giàu chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa có thể làm tăng mức cholesterol trong cơ thể. Các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, bơ, sữa, phô mai chứa nhiều chất béo bão hòa. Chất béo chuyển hóa có nhiều trong những thực phẩm được chế biến sẵn, thức ăn nhanh.
Phân tử cholesterol có trong tất cả các tế bào của cơ thể, nhưng chủ yếu được biết đến trong máu. Cholesterol có thành phần hóa học ngăn nó di chuyển một mình qua máu, mà cần phải được gắn vào phân tử khác là protein và một loại lipid khác gọi là chất béo trung tính. Những phân tử này liên kết với nhau tạo thành một hạt gọi là lipoprotein.
Các lipoprotein này cung cấp cholesterol đến các mô trong cơ thể, giúp cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, lượng cholesterol trong cơ thể quá cao có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe. Do đó, cơ thể cần các lipoprotein khác để thu nhận lượng cholesterol dư thừa và loại bỏ ra khỏi cơ thể. (3)
Chức năng của cholesterol
Cholesterol lưu thông khắp cơ thể trong máu và được tìm thấy trong mọi tế bào. Mỗi người cần một lượng cholesterol nhất định để có thể hoạt động bình thường. Cơ thể sử dụng nguồn cholesterol để:
- Giúp xây dựng mô mới và sửa chữa tổn thương cho các mô;
- Sản xuất hormone steroid, bao gồm cả estrogen;
- Giúp tạo mật trong gan, chất cần thiết để tiêu hóa thức ăn;
- Hỗ trợ sản xuất vitamin D.
Mức cholesterol trong cơ thể quá cao có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như nguy cơ gây ra bệnh lý về tim, bệnh về thận.
Vai trò của cholesterol đối với cơ thể
Tác dụng của cholesterol đóng vai trong quan trọng bên trong cơ thể, mức cholesterol ổn định giúp cơ thể hoạt động hiệu quả. Xem thêm một số vai trò chính của cholesterol bên trong cơ thể:
1. Tạo ra hormone
Cholesterol được cơ thể sử dụng trong việc sản sinh ra các hormone steroid cần thiết cho sự phát triển và hoạt động bình thường, bao gồm:
- Tạo hormone giới tính: Estrogen và progesterone ở nữ và testosterone ở nam giới;
- Cortisol: loại hormone tham gia vào việc điều tiết hàm lượng đường huyết và bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng;
- Aldosteron: có vai trò quan trọng trong việc giữ muối và nước trong cơ thể.
2. Tổng hợp vitamin D
Hai loại vitamin D quan trọng là D2 và D3 là dẫn xuất của steroid. Khi tiếp xúc với tia UV (tia cực tím) từ ánh nắng mặt trời, cơ thể sẽ tự tổng hợp vitamin D từ một dạng cholesterol trong da.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, giữ cho xương chắc khỏe, cải thiện sức khỏe tim mạch, bảo vệ sức khỏe phổi và đường hô hấp, tăng cường chức năng cơ và cải thiện chức năng miễn dịch của cơ thể.
3. Hỗ trợ hệ tiêu hóa
HDL cholesterol được sử dụng trong gan để sản xuất axit mật. Cơ thể cần mật để tiêu hóa thức ăn chứa chất béo. Mật được giải phóng vào ruột và phân hủy các hạt mỡ lớn thành những mảng nhỏ hơn, giúp chúng hòa trộn với các men tiêu hóa. Sau khi chất béo được tiêu hóa, ruột non có thể hấp thụ vào máu. Cơ thể cũng cần mật để giúp hấp thu các vitamin A, D, E, K và các vitamin tan trong dầu, được lấy từ thức ăn hoặc các chế phẩm bổ sung.
4. Là thành phần cấu trúc của tế bào
Cholesterol là một thành phần cấu trúc của các tế bào. Nó cùng với các lipid phân cực tạo ra cấu trúc của tất cả các tế bào trong cơ thể, giúp màng tế bào hình thành nên các lớp bảo vệ. Các lớp này có vai trò kiểm soát chặt chẽ sự ra vào của các chất.
Khi lượng cholesterol tăng lên hoặc giảm xuống, các tế bào cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa của cơ thể, khả năng hấp thu và tiêu hóa thức ăn.
5. Chất chống oxy hóa
Cholesterol đóng vai trò như một chất chống oxy hóa trong cơ thể và giúp làm lành những tổn thương gây ra bởi các gốc tự do. Các vết thương trong cơ thể chứa nhiều gốc tự do, vì vậy, cần cholesterol để trung hòa.
Đối với người bệnh sau phẫu thuật, các mô bị cắt đi, nhiều động mạch, tĩnh mạch và mao mạch nhỏ bị tổn thương. Khi đó, LDL cholesterol sẽ làm sạch và chữa lành những vết thương ở các mạch máu và mô.
Mức cholesterol an toàn cho cơ thể là bao nhiêu?
Đối với người trưởng thành, cholesterol LDL nên được giữ ở mức độ thấp nhất, dưới 100mg/dL. Người có tiền sử xơ vữa động mạch nên giữ mức cholesterol LDL dưới 70mg/dL.
Cholesterol HDL nên được giữ ở mức cao. Nam giới nên hướng tới mức HDL ít nhất là 40mg/dL và ít nhất 50mg/dL đối với nữ giới. HDL trên 60mg/dL là mức lý tưởng nhất cho tất cả người lớn, ở mức này có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Các mức cholesterol điển hình (đơn vị đo: mg/dL) (4)
Mức LDL cholesterol
Tối ưu Dưới 100 Gần tối ưu/trên tối ưu 100 - 129 Giới hạn cao 130 - 159 Cao 160 - 189 Rất cao Trên 190Mức HDL cholesterol
Thấp Dưới 40 Cao >= 60Mức Triglyceride lúc đói
Bình thường Dưới 150 Tăng Triglyceride nhẹ 150 - 499 Tăng Triglyceride vừa phải 500 - 886 Tăng Triglyceride cao/rất cao Trên 886Mức cholesterol bình thường theo độ tuổi (đơn vị đo: mg/dL)
Tuổi Cholesterol toàn phần Non-HDL cholesterol LDL cholesterol HDL cholesterol 19 tuổi ≤ Dưới 170 Dưới 120 Dưới 110 Trên 45 ≥ 20 tuổi (đối với nam) 125 - 200 Dưới 130 Dưới 100 Từ 40 trở lên ≥ 20 tuổi (đối với nữ) 125 - 200 Dưới 130 Dưới 100 Từ 50 trở lênLoại xét nghiệm nào đo cholesterol?
Nhiều người có mức cholesterol cao nhưng không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Xét nghiệm mỡ máu (blood lipid test) hay còn gọi là xét nghiệm cholesterol máu là phương pháp đo mức cholesterol và chất béo trung tính có trong máu. Xét nghiệm này giúp kiểm tra định lượng cholesterol toàn phần, phân tích từng loại mỡ máu như: Triglyceride, HDL-c (cholesterol tốt), LDL-c (cholesterol xấu)… trong máu.
Thời điểm và tần suất nên thực hiện xét nghiệm mỡ máu tùy thuộc vào độ tuổi, các yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình. Đối với người từ 19 tuổi trở xuống, nên thực hiện xét nghiệm lần đầu tiên ở độ tuổi từ 9-11. Sau mỗi 5 năm, trẻ nên được xét nghiệm lại. Nếu trong gia đình có tiền sử cholesterol cao, đau tim hoặc đột quỵ, nên cho trẻ xét nghiệm mỡ máu bắt đầu từ 2 tuổi.
Đối với người từ 20 tuổi trở lên, nên xét nghiệm 5 năm/lần. Nam giới từ 45-65 tuổi và nữ giới từ 55-65 tuổi nên xét nghiệm mỡ máu từ 1-2 năm/lần.
Biện pháp giữ cho lượng cholesterol trong cơ thể ổn định
Thay đổi lối sống khoa học là giải pháp hữu hiệu giúp giữ cho lượng cholesterol trong cơ thể ổn định.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Tăng cường bổ sung chất xơ từ trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt; Ưu tiên ăn chất béo tốt có trong các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá cơm hoặc quả óc chó, hạnh nhân, dầu oliu. Đồng thời, hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt mỡ động vật, nội tạng động vật, bơ, phô mai; tránh sử dụng thức ăn nhanh, đồ ăn được chế biến sẵn; giảm lượng đường, muối khi chế biến món ăn.
- Tập luyện thể dục điều độ: Dành ít nhất 30 phút để vận động vào 5-7 ngày trong tuần. Duy trì chế chế tập luyện đều đặn có thể giúp nâng cao HDL cholesterol.
- Giữ cân nặng ở mức độ khỏe mạnh, nên giảm cân khoa học nếu bị thừa cân, béo phì.
- Bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá.
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Nếu lượng cholesterol cao, việc điều chỉnh về lối sống không đem lại hiệu quả cao, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để giảm cholesterol hoặc áp dụng phương pháp lọc lipoprotein đối với người bị tăng cholesterol máu gia đình. Khi đó, người bệnh vẫn nên có sự kết hợp giữa uống thuốc và điều chỉnh lối sống khoa học để đưa cholesterol về mức ổn định.
Kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm mỡ máu theo định kỳ, đặc biệt là người lớn tuổi, người có các yếu tố nguy cơ là rất cần thiết. Tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy siêu âm tim và mạch máu 4D, máy chụp cộng hưởng từ 1,5 - 3 Tesla, máy MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt, hệ thống máy DSA chụp mạch vành…, chẩn đoán và điều trị cho người bị rối loạn cholesterol và các bệnh lý về tim mạch, lồng ngực.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Cholesterol thực hiện các công việc quan trọng trong cơ thể, nhưng nếu quá nhiều cholesterol trong máu, có thể gây hại đến sức khỏe, nguy cơ gây ra các bệnh lý nguy hiểm về tim. Do đó, cần xây dựng một lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ để giúp giữ cho cholesterol ở mức ổn định.