Tại buổi tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng đồng chủ thể di sản Hội An ngày 22-12, rất nhiều người từng sống với số phận của Chùa Cầu đã cho rằng có nhiều nội dung chưa rõ cơ sở khoa học nhưng đã lên phương án vội vàng.
Chùa Cầu dáng cong hay thẳng?
Ông Nguyễn Thượng Hỷ - nguyên trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam - nói phương án trùng tu Chùa Cầu hiện nay chưa ổn.
Theo ông Hỷ, với ba chức năng chính gồm đi lại, tín ngưỡng và nơi nghỉ ngơi vãn cảnh thì khi tu bổ Chùa Cầu phải bám vào ba yếu tố để tiệm cận với "bản gốc".
Phương án làm lòng cầu cong như đang trùng tu là không chân xác, không có căn cứ khoa học, không làm "tỏa sáng" được giá trị của công trình cổ 400 năm tuổi này.
"Cần tu bổ như giai đoạn lòng cầu thấp chứ không phải tạo vòm cong cao lên ở giữa. Nếu nâng sàn cầu lên thì chiều cao từ sàn lên tới mái sẽ bị rút ngắn lại" - ông Hỷ nói.
Cùng quan điểm này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tại Hội An cho rằng nguyên tắc lớn nhất là làm sao phải tiệm cận đến phiên bản gốc nhất, không vì "hình ảnh quen mắt" lâu nay mà làm theo.
Ông Trần Văn An - nguyên phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho rằng không có hình ảnh, tư liệu nào để khẳng định Chùa Cầu cong hay thẳng.
Công trình này đã qua rất nhiều lần trùng tu, mỗi lần như vậy do bối cảnh, điều kiện khác nhau nên "phiên bản gốc" bị mờ nhạt dần, nhiều cấu kiện hư hại bị thay thế.
Theo ông An, cần lần mò, lục lọi từng cấu kiện còn tồn tại để phân tích đánh giá tổng thể.
Không vì tiến độ Chùa Cầu mà làm ẩu
Dù chỉ là một cuộc tham vấn nhỏ nhưng trong buổi gặp gỡ có mặt của Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn sáng 22-12, nhiều người có mặt đã nói rằng họ không phải là chuyên gia, nhưng là những người am hiểu về quá trình tồn tại của di tích đặc biệt.
Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết trong hồ sơ trùng tu Chùa Cầu gửi các cơ quan để phê duyệt phương án thì phần lòng cầu đi bộ được nâng lên theo.
Nếu giờ phải thay đổi thì sẽ rất vất vả để làm thủ tục, công trình cũng buộc phải gia hạn tiến độ. Ý kiến này không nhận được sự đồng tình của các nhà nghiên cứu văn hóa tại Hội An.
Đứng ở góc độ chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Nam, ông Trần Bá Tú - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam - cho rằng ông cảm giác "sợ sợ, thấy có gì đó chưa chuyên nghiệp lắm" khi xem trùng tu Chùa Cầu.
Các lập luận bảo vệ phương án làm lòng cầu cong của đơn vị chủ trì dự án là khiên cưỡng.
"Hồ sơ trùng tu một công trình đặc biệt nhạy cảm như Chùa Cầu thì cần hết sức thận trọng, nếu lập luận mà mang tính phỏng đoán thì phải tạm dừng lại, tránh trường hợp người ta bắt bẻ mình không cãi lại được.
Ở Quảng Nam vừa rồi có vụ ồn ào trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ. Khi truyền thông người ta phản biện mình không biết nói sao luôn" - ông Tú nói.
Nguyên giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An Nguyễn Chí Trung cũng cho rằng không có căn cứ nào để khẳng định lòng Chùa Cầu cong hay thẳng. Trong bối cảnh đó, việc trùng tu theo hiện trạng trước khi hạ giải là chưa đảm bảo cơ sở khoa học.
Dù vậy theo ông Trung, sau bao nhiêu lần bàn thảo nhưng không thực hiện được, lần này Chùa Cầu được tu bổ trong bối cảnh đầy khó khăn là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Hội An.
Về việc "cong hay thẳng", ông Trung cho rằng cần khảo sát, đánh giá lại thật kỹ. Nếu thấy cần thiết thì phải gia hạn tiến độ lại để làm sao chân xác nhất, không vì tiến độ mà làm ẩu.
Các cơ quan nên phác thảo hình ảnh 3D phương án trùng tu Chùa Cầu để công khai lấy ý kiến, đặc biệt là cộng đồng chủ thể di sản Hội An.
Bởi trong ký ức, đời sống bà con chắc chắn có nhiều tư liệu quý giá.