Thành phố Cảng Hải Phòng có nhiều điểm đến tâm linh ấn tượng và hấp dẫn, trong đó có chùa Hàng, ngôi chùa cổ ngàn năm tuổi và là nơi còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, mang đậm dấu ấn lịch sử.
Chùa Dư Hàng (tên thường gọi là chùa Hàng)
Chùa Hàng, tên đầy đủ là chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm Tự) là một ngôi chùa cổ, trước thuộc xã Dư Hàng Kênh, huyện An Dương; nay thuộc địa bàn phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Căn cứ theo bản ghi chép bia ký tại đây thì chùa có nguồn gốc từ thời Tiền Lê (980-1009).
Cuối thời vua Lê Đại Hành đã có vị sư tổ đến đây thuyết pháp, khai sáng giáo lý nhà Phật. Đến thời Trần (1225-1400), các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử Sơn, đã có những mối quan hệ thâm giao với chùa. Vì vậy, từ xưa đến nay, chùa Hàng vẫn truyền lệ kỷ niệm sinh nhật vị sư tổ đệ nhất “Đền ngự giác hoàng tinh tuệ thiền sư” tức vua Trần Nhân Tông, vào ngày 02/11 âm lịch và vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm là thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái vào ngày 03/11 âm lịch hàng năm. Vào đời vua Lê Gia Tông (1672), sư cụ Nguyễn Đình Sách (tự là Chân Huyền) đã xuất tiền để tậu ruộng đất, cải tạo chùa to rộng, có đủ gác chuông, nhà thờ tổ, nhà tăng... Đến đời vua Thành Thái (năm 1899), chùa tiếp tục được trùng tu. Vào năm 1917, chùa được xây thêm thư các, vườn tượng, vườn tháp và sửa sang một số hạng mục.Từ đó trở đi, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa cổ này đã được các thế hệ hoà thượng, tăng ni và các tín đồ phật tử sở tại chung sức, chung lòng sửa sang, xây đắp để ngày thêm khang trang, đẹp đẽ.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, chùa Hàng là nơi hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1926, đông đảo tăng ni, phật tử và học sinh... đã làm lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh ngay tại chùa. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa còn là nơi diễn ra lễ ra mắt của hội Tăng gia cứu quốc Hải Phòng, tổ chức “Tuần lễ vàng”…
Năm 1986, chùa Hàng đã vinh dự được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Không gian sân trung tâm chùa Dư Hàng
Là ngôi chùa đã có niên đại hàng ngàn năm nhưng chùa Hàng ngày nay vẫn giữ được khá vẹn nguyên dáng dấp, đường nét cổ xưa. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, kiểu chữ Đinh. Trung tâm là tòa Phật điện 7 gian bằng gỗ lợp mái ngói, được dựng theo kiểu vì kèo giá chiêng, với các hàng cột lim lớn đã ngả màu. Phía trong được bày biện, trang trí bởi nhiều bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, những cửa võng có các mảng chạm khắc tinh xảo theo phong cách nghệ thuật và thẩm mỹ nhà Nguyễn (giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), với các đề tài đa dạng như mai điểu, ngũ phúc, rồng mây…
Phía trước tòa Phật điện, cách một khoảng sân rộng là Tam quan, nơi có gác chuông 5 gian với 3 tầng mái đao cong vút, uốn lượn tạo thế rồng phượng; bên trong có một quả chuông đồng cỡ lớn đề chữ “Phúc Lâm tự chung”, nghĩa là chuông chùa Phúc Lâm; bên phải là 5 gian nhà Tổ, nhà thọ trai và nhà ngang; bên trái là 5 gian nhà hậu. Ngoài ra chùa còn có đầy đủ nhà thờ Mẫu, nhà phương trượng, tăng xá…
Phía trước và bên trong gian Tiền đường
Kiến trúc chùa Dư Hàng cổ kính, trang nghiêm
Tam quan, Phật điện kiến trúc chính của chùa
Phía bên phải tòa Tam quan, theo hướng từ cổng chính đi vào, là khu vườn tượng của chùa, nơi có nhiều loại cây trái và hoa cảnh tươi tốt và rực rỡ quanh năm. Điều đặc biệt khiến cho nơi đây mang dáng vẻ như một khu vườn nghệ thuật, là xung quanh hồ nước có đặt 12 bức tượng được chế tác tinh xảo với điểm nhấn chính là pho tượng đức Phật Tổ Như Lai tọa lạc trên đài sen, dưới bóng một cây bồ đề mang dáng vẻ uy nghi, trầm mặc. Đối diện với tượng Phật Tổ về phía bên kia hồ nước là pho tượng đức Phật Di Lặc màu đen, trong tâm thế vui vẻ, hạnh phúc. Xung quanh hồ và sân vườn là các pho tượng của 10 vị Tôn giả được tạc bằng đá trắng, trong các diện mạo, tư thế và dáng vẻ khác nhau.
Khu vườn chùa thanh tịnh và bình an
Vườn tượng là một nét đặc trưng của Chùa Dư Hàng
Tượng Phật Tổ ngự đài sen dưới gốc cây bồ đề
Bên trái của tòa Tam quan là khu vườn tháp tĩnh mịch, gồm 11 tòa tháp nhỏ được làm bằng đá, là nơi đặt di thể các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vàcác vị sư tổ, trụ trì đã viên tịch tại chùa. Tất cả đã tạo lên một quần thể kiến trúc tôn nghiêm, hòa nhập với thiên nhiên,yên bình dù chùa ở ngay giữa lòng thành phốsầm uất và náo nhiệt.
Ngoài giá trị kiến trúc được hình thành và bồi đắp qua thời gian, chùa Hàng hiện nay còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật từ thời kì phong kiến, có giá trị cao về mặt vật chất cũng như tinh thần như: chuông, khánh, đỉnh đồng, đồ trang trí mỹ nghệ bằng gốm sứ, đá xanh, tượng đồng (bộ Tam thế; tòa Cửu long - Thích Ca sơ sinh, hộ thiện, trừ ác; bộ Phật điện minh vương)và tủ chạm trổ đẹp mắt… Đặc biệt là bộ sách kinh Tràng A Hàm - một tài liệu cổ về giáo lý đạo Phật, đượcbiết đến như là phần đầu tiên của bộ sưu tập các Kinh điển Phật giáo sơ khai, một học thuyết Phật giáo cổ xưa được lưu truyền từ các thế hệ tu sĩ đầu tiên và có giá trị lịch sử và tâm linh đối với Phật giáo Việt Nam.
Chuông cổ tại chùa Dư hàng
Chứa đựng các giá trị vô giá về cảnh quan, kiến trúc, di vật, chùa Hàng từ lâu đã trở thành nơi được người dân thường xuyên lui tới để bày tỏ tấm lòng thành kính, cầu tài lộc, bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình; để tham gia vào các hoạt động thiện ích của chùa như các buổi giảng kinh, làm từ thiện hay để vãn cảnh và hòa mình vào không gian linh thiêng, thanh tịnh và yên bình nơi cửa Phật.