Bệnh nhi L.Y.N, 12 tháng tuổi ở Hà Nam, được người nhà đưa vào viện khám trong tình trạng mũi nhiều, sốt, quấy khóc nhiều…
Sau khi được thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán viêm tai giữa cấp, mủ hai bên và được bác sĩ kê đơn thuốc. Tuy nhiên, sau khi điều trị theo đơn thuốc vài ngày, thấy bệnh không thuyên giảm, người nhà bệnh nhi tự ý bỏ thuốc.
Nghe lời mách bảo, người nhà cho bệnh nhi tới cơ sở y tế tư nhân xông khói vào tai kèm theo thổi bột thuốc.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh không cải thiện còn nặng hơn, tai bệnh nhi chảy dịch vàng. Lúc này, gia đình phải đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa lần nữa. Bác sĩ phải làm sạch tai và tiếp tục điều trị nội khoa. Tuy nhiên, do trước đó bệnh nhi đã dùng nhiều kháng sinh và tự ý bỏ thuốc nên lần này đáp ứng thuốc kém hơn và kéo dài thời gian trị bệnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt - cho biết, thời tiết giao mùa sang thu đông là thời điểm lý tưởng cho nhiều bệnh lý tai mũi họng xuất hiện ở trẻ nhỏ. Trong đó, viêm tai giữa là một trong những bệnh lý thường gặp nhất.
Trên các hội nhóm, thường xuyên xuất hiện các bài viết chia sẻ mẹo chữa viêm tai giữa cho con như thổi sáp ong, thổi bột thuốc. Theo chia sẻ của một mẹ bỉm sữa, sáp ong rừng bỏ mật, đun nóng lên cho tan ra rồi phết lên tờ giấy mỏng, sau đó đốt tờ giấy rồi thổi khói vào tai trẻ.
Mẹo chữa viêm tai giữa tại nhà không cần tới bác sĩ hay dùng thuốc này nhận được rất nhiều sự quan tâm.
"Hiện các phương pháp điều trị dân gian như xông khói, thổi bột thuốc, rắc phèn chua, sáp ong… vào tai trẻ chưa chứng minh được hiệu quả và chưa được khuyến cáo điều trị viêm tai giữa ở trẻ. Việc làm theo có thể để lại hậu quả đáng tiếc cho trẻ như bệnh nhi gặp các biến chứng nguy hiểm: Viêm tai xương chũm, nhiễm trùng huyết, thậm chí viêm màng não mủ...", PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An lo lắng.
Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ, tuy nhiên nếu bố mẹ không điều trị kịp thời, triệt để, khiến viêm tái đi tái lại kèm theo ứ dịch mủ trong tai, có thể gây nguy hiểm lớn.
Theo bác sĩ Hoài An, viêm tai giữa thường phát sinh từ đường hô hấp trên, tức là phải qua giai đoạn viêm mũi họng rồi mới vào tai. Việc thổi sáp ong hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Thậm chí, việc đổ sáp ong sẽ bịt mất đường dẫn lưu của mủ ra khỏi tai, mủ không chảy được ra ngoài sẽ chảy vào trong gây nên viêm màng não và áp xe não dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cảnh báo các bậc cha mẹ: Nếu trẻ không chảy mủ tai thì không nên can thiệp vào tai. Thay vào đó, nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ kê các loại thuốc kháng sinh điều trị, làm khô mũi thì tai sẽ khỏi dần.
Bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con..., ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh...) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.
Những biến chứng nặng của viêm tai giữa có thể kể đến biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII).