Trong Đông y, từ xưa nấm linh chi đã được xem là loại nấm thượng phẩm, rất quý với hơn 200 hoạt chất có tác dụng tốt cho sức khỏe. Nhiều người bắt đầu sử dụng nấm linh chi như một loại trà uống mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu những công dụng của trà nấm linh chi và những lưu ý khi sử dụng.
Những công dụng của trà nấm linh chi với sức khỏe
Trà nấm linh chi có những công dụng với sức khỏe sau đây:
Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch
Nhóm hoạt chất Polysaccharides beta-glucan trong nấm linh chi có tác dụng hỗ trợ tăng cường chức năng đại thực bào, từ đó làm tăng hoạt động của tế bào miễn dịch, giúp cơ thể sản xuất interferon chống viêm, chống dị ứng và làm ức chế tế bào ác tính. Trà nấm linh chi có hoạt chất acid ganoderic cũng hỗ trợ kích thích các yếu tố kháng virus, mang lại hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn và giảm các triệu chứng của bệnh tốt hơn.
Uống trà nấm linh chi còn giúp bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng và có thể ngăn ngừa một số loại bệnh, tăng cường sức khỏe.
Giải độc, tăng cường sức khỏe
Hoạt chất acid ganoderic trong trà nấm linh chi còn hỗ trợ loại bỏ các chất độc trong cơ thể và hỗ trợ chống xơ gan khi bị viêm gan siêu vi. Nhờ sự tác động của hoạt chất polysaccharides, cơ thể sản xuất interferon chống viêm, chống dị ứng và hỗ trợ chống lại các gốc tự do, ức chế tế bào ác tính, từ đó tăng cường giải độc gan mật, phục hồi chức năng gan đã bị tổn thương, giúp cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy sức sống.
Giảm căng thẳng, mệt mỏi
Trong trà nấm linh chi có các acid amin giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, ổn định đường huyết, tăng cường hoạt động tuần hoàn não và cải thiện giấc ngủ, từ đó hỗ trợ cải thiện chứng đau đầu, tình trạng suy nhược thần kinh. Trà nấm linh chi giúp cải thiện tâm trạng cho những người bị suy nhược thần kinh có triệu chứng chóng mặt, đau đầu và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch
Hoạt chất adenosine trong trà nấm linh chi hỗ trợ hạ cholesterol trong huyết thanh, làm ức chế kết tập tiểu cầu và cải thiện tuần hoàn cơ thể. Ngoài ra trà nấm linh chi còn có các hoạt chất như lactone A, cellulose có thể hỗ trợ giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt, hỗ trợ ngăn ngừa xơ vữa động mạch, hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ, giúp ổn định đường huyết.
Chống lão hóa, làm làn da tươi trẻ
Trà nấm linh chi rất giàu các nguyên tố vi lượng, acid ganoderic và nhiều dược chất khác có tác dụng chống oxy hóa mạnh, khắc phục các rối loạn da, làm trẻ hóa các mô của cơ thể, mang lại sự trẻ trung của làn da. Hoạt chất ganodermadiol trong nấm linh chi còn làm sáng da nhờ ức chế tổng hợp melatonin, ức chế men tyrosinase.
Hoạt chất germanium hữu cơ trong trà nấm linh chi cũng giúp tăng lượng oxy trong máu, tăng cường khả năng trao đổi chất và làm chậm quá trình lão hóa.
Dùng trà nấm linh chi sao cho hiệu quả?
Trà nấm linh chi là một thức uống dễ pha, dễ uống tại nhà. Đầu tiên, để pha trà nấm linh chi đúng cách, bạn làm như sau:
- Cho 10g nấm linh chi vào 1 lít nước.
- Đun sôi nhỏ lửa trong 15 - 20 phút hoặc hãm trong bình thủy tinh.
- Có thể nấu tiếp trà nước 2, nước 3 cho đến khi nước nấm linh chi chuyển từ màu hổ phách sang màu trắng và hết vị đắng.
Lưu ý:
- Trước khi đun, không nên rửa nấm linh chi vì lớp bột trên tai nấm và bào tử nấm chứa nhiều dược chất.
- Thời gian uống trà nấm linh chi tốt nhất là vào mỗi buổi sáng, lúc bụng đói.
- Bạn có thể thêm 1 - 2 viên đá hoặc để trà vào tủ lạnh nếu muốn uống lạnh.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy nước nấm linh chi để nấu các loại canh thịt hoặc súp để bồi bổ cho người già yếu, người ốm.
Liều lượng sử dụng nấm linh chi
Khi uống trà nấm linh chi, bạn nên tìm hiểu về liều lượng sử dụng thích hợp của loại nấm này vì nấm linh chi không được sử dụng bừa bãi dù đây là một dược liệu bổ dưỡng quý hiếm. Liều dùng nấm linh chi phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Tuổi tác;
- Hình thái của nấm;
- Độ tuổi của nấm;
- Sức khỏe các nhân.
Bạn có thể tham khảo lượng uống nấm linh chi mỗi liều/ngày như sau:
- Dùng 1,5 - 9g nấm khô dạng thô;
- Dùng 1 - 1,5g nấm linh chi tán nhuyễn;
- Dùng 1ml dung dịch nấm linh chi.
Tuy nấm linh chi có nhiều hình thái để sử dụng nhưng với dạng nấm thô nguyên cây thì lại khó để dùng. Do vậy, chúng ta chỉ sử dụng ở dạng đã qua tinh chế hay dạng chiết xuất. Phổ biến nhất là nấm linh chi dạng dung dịch, dạng bột hay dạng viên.
Sử dụng nấm linh chi cần lưu ý gì?
Khi mới dùng nấm linh chi, có thể bạn không gặp phản ứng phụ của nấm linh chi với cơ thể. Nhưng sau khi dùng khoảng 3 - 6 tháng, loại thảo dược này có thể gây ra dị ứng da, làm da bị khô và ảnh hưởng đến một số cơ quan như miệng, họng và mũi.
Những biểu hiện dị ứng có thể gặp là: Nổi mẩn ngứa, phát ban, chóng mặt, đau đầu, khó chịu ở dạ dày, chảy máu, đi ngoài ra máu. Bệnh nhân huyết áp quá thấp hoặc quá cao sử dụng nấm linh chi sẽ tăng nguy cơ gặp rủi ro. Nếu bệnh nhân đang điều trị rối loạn hệ miễn dịch, tiểu đường cũng nên thận trọng khi dùng nấm linh chi.
Đã có một số trường hợp được báo cáo là bị nhiễm độc gan hay tiêu chảy mạn tính khi dùng nấm linh chi dạng bột. Do vậy bạn cần chú ý cách dùng và liều lượng khi dùng nấm linh chi.
Người có số lượng tiểu cầu thấp sẽ gia tăng nguy cơ xuất huyết khi dùng nấm linh chi ở liều cao.
Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng nấm linh chi để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, trừ khi có chỉ định từ bác sĩ. Ngoài ra, người mắc bệnh tự miễn hoặc có tiền sử dị ứng cũng nên cẩn trọng.
Một số loại thuốc tương tác với nấm linh chi
Nếu bạn đang điều trị bệnh liên quan đến quá trình đông máu, việc dùng nấm linh chi có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu. Ngoài ra nấm linh chi có thể tương tác với thuốc trị tiểu đường hoặc thuốc trị huyết áp cao. Để đảm bảo an toàn, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tránh một số loại thuốc sau khi sử dụng nấm linh chi:
- Aspirin;
- Clopidogrel;
- Diclofenac;
- Warfarin;
- Captopril;
- Amlodipin;
- Hydrochlorothiazide,...
Tóm lại, nấm linh chi là một loại thảo dược quý có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, thảo dược này có thể gây ra nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu dùng không đúng cách. Tốt nhất, bạn nên tham khảo kỹ thông tin về trà nấm linh chi và hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Xem thêm: Uống nấm linh chi nhiều có tốt không?