Bệnh giảm bạch cầu ở mèo là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao ở mèo. Khi mắc bệnh thì số lượng bạch cầu trong máu của mèo giảm đột ngột, làm suy yếu hệ miễn dịch và kế phát các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Trong bài viết này, Tropicpet sẽ chỉ cho bạn nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh giảm bạch cầu ở mèo cùng với những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo là gì?
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo là một bệnh do do virus FPV (Feline Panleukopenia Virus) còn được biết đến với tên gọi khác là bệnh viêm ruột truyền nhiễm ở mèo. Virus này tấn công và phá hủy tế bào bạch cầu - Loại tế bào máu quan trọng giúp cơ thể mèo chống lại nhiễm trùng, dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến mèo ở mọi lứa tuổi, mèo con dưới 1 tuổi và mèo chưa được tiêm phòng đầy đủ là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
☞ Xem thêm: Panleukopenia Feline Virus là gì?
Nguyên nhân gây bệnh giảm bạch cầu ở mèo
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh giảm bạch cầu ở mèo là do virus FPV (Feline Panleukopenia Virus). Loại virus này có khả năng lây lan nhanh chóng qua các con đường khác nhau, bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với mèo nhiễm bệnh: Virus có thể lây lan khi mèo khỏe mạnh tiếp xúc với dịch cơ thể của mèo nhiễm bệnh bao gồm: nước tiểu, phân, nước bọt và máu.
- Môi trường nhiễm virus: Mèo có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm virus như bát ăn, khay vệ sinh, hoặc đồ chơi. Virus FPV có khả năng tồn tại trong môi trường lên đến vài tháng, khiến cho bệnh rất dễ lây lan trong môi trường sống của mèo.
- Lây từ mẹ sang con: Bệnh giảm bạch cầu còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Nếu mèo mẹ bị nhiễm FPV trong giai đoạn thai kỳ, virus có thể truyền sang mèo con gây ra các dị tật bẩm sinh hoặc khiến mèo con tử vong ngay sau khi sinh.
- Lây nhiễm gián tiếp: Nếu tiếp xúc với mèo bệnh mà không tẩy trùng hoặc vệ sinh sạch sẽ thì con người, động vật trung gian có thể truyền virus cho mèo khỏe.
Triệu chứng của bệnh giảm bạch cầu ở mèo
Bệnh giảm bạch cầu thường có triệu chứng khởi phát nhanh chóng đặc biệt là ở mèo con. Một số dấu hiệu điển hình mà bạn có thể quan sát bao gồm:
- Sốt cao: Mèo bị nhiễm FPV thường có biểu hiện sốt cao, kéo dài nhiều ngày.
- Nôn mửa và tiêu chảy: Một trong những triệu chứng phổ biến nhất là mèo nôn mửa và tiêu chảy nặng. Phân của mèo thường có màu xanh đậm, mùi hôi thối và có thể kèm máu.
- Bỏ ăn: Mèo sẽ mất hoàn toàn hứng thú với việc ăn uống, dẫn đến sụt cân nhanh chóng.
- Mệt mỏi, suy nhược: Tiêu chảy và nôn mửa kéo dài khiến mèo mất nước nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng lờ đờ, yếu ớt và lười vận động.
- Mất cân bằng hệ miễn dịch: Sự giảm sút số lượng bạch cầu khiến mèo không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng khác, dẫn đến tình trạng sức khỏe chung suy giảm.
- Hôn mê hoặc mất ý thức: Khi bệnh trở lên nghiêm trọng, mèo sẽ rơi vào trạng thái hôn mê do suy giảm chức năng cơ thể.
☞ Xem thêm: Mèo nôn ra dịch vàng, nhận biết nguyên nhân và cách điều trị
Cách chẩn đoán bệnh giảm bạch cầu ở mèo
Dưới đây là các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh giảm bạch cầu ở mèo đang được áp dụng:
- Xét nghiệm phân: Phân mèo có thể chứa virus, do đó xét nghiệm phân thông qua que test nhanh là phương pháp hữu ích để phát hiện bệnh.
- Xét nghiệm máu: Xác định số lượng bạch cầu trong máu là cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để chẩn đoán bệnh. Nếu số lượng bạch cầu giảm dưới mức bình thường, khả năng cao mèo đã bị nhiễm bệnh.
- Siêu âm hoặc chụp X-Quang: Những kỹ thuật này giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường trong cơ thể mèo, chẳng hạn như viêm ruột hoặc tổn thương các cơ quan nội tạng.
Phương pháp điều trị bệnh giảm bạch cầu ở mèo
Hiện tại chưa có thuốc đặc trị để tiêu diệt hoàn toàn virus FPV này, nhưng các biện pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc giảm triệu chứng và tăng cường sức đề kháng cho mèo. Phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng bao gồm:
- Bổ sung nước và điện giải: Mèo bị mất nước nặng cần được truyền dịch và bổ sung điện giải để ngăn ngừa tình trạng sốc.
- Thuốc kháng sinh: Mặc dù thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt virus, nhưng chúng có thể ngăn ngừa các nhiễm trùng thứ cấp xảy ra do hệ miễn dịch của mèo bị suy yếu.
- Kích bạch cầu: Đây là loại thuốc giúp kích thích tủy xương sản xuất ra nhiều bạch cầu hơn, tăng cường khả năng miễn dịch cho mèo. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kích bạch cầu cần phải được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ thú y.
- Cung cấp kháng thể: Máu của mèo đã khỏi bệnh giảm bạch cầu chứa kháng thể tự nhiên chống lại virus. Việc truyền máu này giúp mèo bệnh có thể sử dụng ngay các kháng thể này. Tuy nhiên phương pháp này khá khó khăn để thực hiện do tính chất máu và lượng máu có thể lấy từ mèo khỏi bệnh là không nhiều.
- Cầm nôn và chống tiêu chảy: Điều này rất quan trọng giúp ngăn chặn mất nước và chất điện giải từ đó ngăn ngừa suy kiệt và để mèo thoải mái hơn trong quá trình điều trị.
- Chăm sóc dinh dưỡng: Mèo bị bệnh cần được cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp để hỗ trợ quá trình phục hồi. Nếu mèo từ chối ăn, bác sĩ thú y có thể đề nghị cho ăn qua ống dẫn để đảm bảo mèo nhận đủ chất dưỡng chất.
- Quan tâm chăm sóc: Trong quá trình điều trị, mèo cần được cách ly để tránh lây lan virus cho các mèo khác. Đồng thời thường xuyên theo dõi thân nhiệt và diễn biến của bệnh để có phương án can thiệp kịp thời.
- Chăm sóc tại nhà: Sau khi mèo qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, việc chăm sóc tại nhà cũng rất quan trọng. Hãy đảm bảo mèo của bạn được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh.
Tùy theo thể trạng bệnh của mèo mà bác sĩ thú y sẽ thực hiện phác đồ điều trị khác nhau, nó thường là sự kết hợp của các phương pháp trên một cách linh hoạt và khoa học. Trong quá trình điều trị cần phải theo dõi sát diễn biến bệnh để có những điều chỉnh kịp thời.
☞ Xem thêm: Dịch vụ khám và điều trị bệnh thú cưng tại Tropicpet
Cách phòng ngừa bệnh giảm bạch cầu ở mèo
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh giảm bạch cầu ở mèo là tiêm phòng đầy đủ, tiêm vắc-xin cho mèo con từ sớm là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Lịch tiêm vắc-xin cần được tuân thủ đúng theo khuyến cáo để đảm bảo hiệu quả bảo hộ tốt nhất cho mèo của bạn.
Bên cạnh đó để ngăn ngừa sự lây lan của virus cần phải giữ vệ sinh môi trường sống của mèo sạch sẽ. Khử trùng các vật dụng của mèo như bát ăn, khay vệ sinh và đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn. Mèo mới nhận nuôi nên cho kiểm tra tầm soát sức khỏe và cách ly trong 1 - 2 tuần trước khi được thả ra với những bạn mèo khác trong nhà.
☞ Xem thêm: Vaccine 4 bệnh cho mèo, lịch tiêm vaccine cho mèo đầy đủ nhất