Vùng đất này chứa đựng các giá trị văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng, được xác lập trong lịch sử lâu đời cùng với tín ngưỡng bản địa, phản ánh qua các di chỉ tiêu biểu nền văn hóa Đông Sơn, cùng nhiều công trình kiến trúc tâm linh, đình, chùa cổ nổi tiếng được xây dựng và phát triển qua nhiều thế hệ người dân như: đền Đông Cuông, Tuần Quán, Nhược Sơn, chùa Bách Lẫm, Ngọc Am…
Tỉnh Yên Bái có dòng sông Hồng bồi đắp phù sa, tạo lên những cánh đồng bằng phẳng đan xen cùng núi non vươn sát bờ sông tạo thành những khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục. Từ lợi thế thiên nhiên với trí tuệ và bàn tay con người tạo dựng, những khát vọng về sự yên ấm thơ mộng được đặt cho các tên làng, trở thành dấu ấn không phai nhạt như Châu Quế, Yên Hưng, Lan Đình, Cổ Phúc, Yên Lương, Âu Lâu, Bình Phương, Linh Thông, Minh Quân, Nga Quán...
Thiên nhiên ban tặng Yên Bái một phong cảnh non nước hữu tình với nhiều cảnh quan đẹp như ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chè Suối Giàng, hay khu du lịch Hồ Thác Bà… Những ai đã từng đặt chân đến vùng đất Yên Bái đều cảm thấy sức hấp dẫn qua những trải nghiệm ấn tượng nơi mảnh đất đa sắc màu văn hóa này.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là một huyện nhỏ ở phía tây tỉnh Yên Bái, nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Để đến được huyện này phải qua đèo Khau Phạ, một trong những con đèo ngoạn mục nhất của núi rừng Tây Bắc. Cảnh đẹp nơi đây là những thửa ruộng bậc thang nằm trên các sườn núi, lớp nọ gối tiếp lớp kia trên diện tích khoảng 2.200 ha. Năm 2007, 500 ha diện tích ruộng bậc thang thuộc 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được xếp hạng là di tích quốc gia như là một trong những danh thắng độc đáo bậc nhất tại Việt Nam.
Phong cảnh bên Đèo Khau Phạ, giữa Cao Phạ và Púng Luông.
Mù Cang Chải không chỉ thu hút du khách bởi những thắng cảnh du lịch đẹp, mà còn hấp dẫn bởi những bản sắc dân tộc phong phú, đa dạng vẫn còn được gìn giữ
Điệu xòe Thái, Mường Lò
Từ bao đời nay, điệu xòe Thái trở thành một đặc trưng văn hóa, là “tài sản chung” của nhiều dân tộc ở Tây Bắc. Điệu xòe luôn xuất hiện trong các lễ hội, những ngày vui của bản làng, điệu xòe mang lời chào, mời gọi du khách gần xa. Đó là tiếng lòng của bà con gửi gắm trong điệu múa quyến rũ giữa non ngàn Tây Bắc.
Múa xòe biểu hiện sự đoàn kết thân thiện gắn bó, có tính tập thể, dân chủ cao nên người Thái đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe. Vòng xòe Thái lớn nhất được nhiều người biết đến và được ghi nhận kỷ lục là màn biểu diễn Đại xòe đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Xòe Thái - Mường Lò, Nghĩa Lộ” năm 2013 với sự tham gia của 2033 người, trong đó có 2013 người tập luyện 6 điệu xòe cổ và 20 người tham gia dàn nhạc cụ dân tộc. Đến nay, nghệ thuật xòe Thái đã lan tỏa rộng rãi tới nhiều vùng miền trên cả nước.
Theo các tư liệu lịch sử, xòe Thái xuất hiện khoảng 10 thế kỷ trước, đến nay, múa xòe đã phát triển thành 36 điệu, trở thành “tài sản văn hóa” chung của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và được giới thiệu rộng rãi tới nhiều tỉnh thành cả nước.
Điệu xòe “Khắm khen” thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.
Chè Shan tuyết Suối Giàng
Ai đã đến huyện Văn Chấn, Yên Bái chắc hẳn đều mong muốn ít nhất được một lần đặt chân đến vùng chè Shan tuyết Suối Giàng, để thưởng thức thứ chè nổi tiếng của người Mông, mà đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn thường nhắc đến như một niềm tự hào.
Một góc khu chè Suối Giàng.
Từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu chè ở Việt Nam và thế giới đã xác định có khoảng 80.000 cây chè Shan Tuyết có tuổi đời trên 200 năm, nhiều cây lên tới 300 năm tuổi ở rừng chè Suối Giàng. Rừng chè cổ bao phủ khoảng 293 ha là một điểm đến độc đáo của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Lễ hội bánh dầy một nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc H’ Mông, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Trải nghiệm văn hóa truyền thống Yên Bái
Tỉnh Yên Bái có 30 dân tộc anh em cùng chung sống, đoàn kết, gắn bó, có nền văn hoá đa sắc tộc, hình thành nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Ở nhiều huyện, thành phố trong tỉnh, ngoài việc trồng lúa nước còn phát triển nhiều làng nghề: trồng dâu nuôi tằm, đan lát thủ công làm miến, kéo mật, cùng với những rừng quế bạt ngàn, những nương chè ngút ngát xanh tươi…
Các làng văn hóa được tạo dựng, chính là nơi giữ gìn cảnh quan môi trường thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó là những lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Yên Bái như Lễ hội cấp sắc của người Dao ở Đại Sơn; Lễ hội xuống đồng của đồng bào Mường ở Quy Mông; Lễ hội cầu cơm mới đền Đông Cuông; Lễ hội Hoa Ban Mường Lò; Lễ hội đền mẫu Thác Bà… Các lễ hội này không chỉ chứa đựng các giá trị phi vật thể mà còn là kết tinh truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Yên Bái.
Ở đây có thể bắt gặp các giá trị phi vật thể độc đáo vẫn đang tiềm ẩn trong nhân dân.
Trong kho tàng văn hóa phi vật thể của Yên Bái, người ta nhớ tới tiếng khèn “ma nhí”, sáo “cúc kẹ” dân tộc Xa Phó, “tết nhẩy” của dân tộc Dao; nghệ thuật trình diễn dân gian “Hạn khuống” của người Thái; lễ cầu mùa của người Dao đỏ; Lễ hát Xịnh ca dân tộc Cao Lan... tất cả cùng tổng hòa tạo lên bức tranh văn hóa đa sắc màu Tây Bắc.
Cùng các di sản, di tích trên, tỉnh Yên Bái còn lưu giữ nhiều địa danh lịch sử, văn hóa khác như: Di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái; Chiến khu Vần, huyện Trấn Yên; Khu ủy Tây Bắc, xã Phù Nham (Văn Chấn) - “Địa chỉ đỏ” kháng chiến chống Pháp; Di tích lịch sử khảo cổ học Hắc Y (Lục Yên); Đèo Lũng Lô (Văn Chấn) - con đường huyết mạch góp phần làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ; Khu bảo tồn loài sinh cảnh Chế Tạo (Mù Cang Chải); các hồ nước lớn có phong cảnh kỳ vĩ, rất thuận lợi để phát triển du lịch như hồ Thác Bà, Hồ Chóp Dù... các lễ hội truyền thống và hội xuân của các dân tộc ít người.
Những năm gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái tổ chức, triển khai nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá các danh thắng, di tích hấp dẫn, được du khách trong, ngoài nước biết đến và bình chọn. Tiêu biểu như Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội du lịch về nguồn 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai; mở rộng khai thác nhiều tuyến du lịch mới như: du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nước nóng và du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề (tâm linh, lịch sử, sinh thái, làng nghề). Đồng thời tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của thiên nhiên và con người Yên Bái, tin rằng vùng đất giàu tiềm năng này sẽ luôn là điểm đến thân thiện và hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước./.