Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền (tên tiếng Anh: Academy of Journalism & Communication, tên viết tắt: AJC) là đại học công lập, trường đại học trọng điểm quốc gia của Việt Nam, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Học viện Báo chí và Tuyên truyền được mệnh danh là ngôi trường đào tạo báo chí - truyền thông hàng đầu tại Việt Nam.
Giới thiệu trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền được thành lập ngày 16/1/1962, theo Nghị quyết số 36 NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, trên cơ sở hợp nhất 3 trường: trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II, trường Tuyên huấn và trường Đại học Nhân dân. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác xây dựng Đảng, đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành báo chí, tuyên truyền và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác.
Chương trình đào tạo
Hiện nay trường có đa dạng các hệ đào tạo như:
- Đại học chính quy: Đào tạo 41 chuyên ngành, được chia thành 4 nhóm ngành khác nhau:
- Nhóm ngành 1: Các ngành nghiệp vụ Báo chí
- Nhóm ngành 2: Ngành Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện, Triết học, Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Kinh tế Chính trị, Kinh tế, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Xã hội học, Công tác xã hội, Quản lý công
- Nhóm ngành 3: Ngành lịch sử
- Nhóm ngành 4: Ngành Truyền thông Quốc tế, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh.
- Sau đại học: Đào tạo 17 ngành/chuyên ngành ở trình độ Thạc sĩ với hơn 500 học viên/năm, 04 ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ với hơn 30 nghiên cứu sinh/năm.
- Chương trình liên kết quốc tế: Đào tạo Cử nhân quốc tế các chuyên ngành Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu. Đây chương trình nhượng quyền giữa Đại học Middlesex (Anh) và Học viện.
- Đào tạo vừa làm vừa học: Học viện đào tạo 4 chuyên ngành: Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Báo chí chuyên ngành Báo mạng điện tử, Ngôn ngữ Anh và Quan hệ công chúng. Thời gian đào tạo 5 năm (có thể học nhanh để rút ngắn thời gian đào tạo còn 3.5 năm)
Tuyển sinh 2024
Năm 2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh 2400 chỉ tiêu và chỉ xét tuyển bằng 3 phương thức (tiếp tục không tổ chức thi năng khiếu báo chí), gồm:
- Xét học bạ (dự kiến 15% chỉ tiêu);
- Xét tuyển kết hợp (dự kiến 15% chỉ tiêu) đối với thí sinh có chứng chỉ quốc tế môn Tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 trở lên, chứng chỉ SAT tối thiểu 1200/1600, điểm trung bình chung học tập của 5 học kỳ bậc THPT từ 7.0 trở lên, hạnh kiểm Tốt 5 học kỳ bậc THPT (không tính học kỳ II năm lớp 12);
- Xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến 70% chỉ tiêu).
Ngoài ra, trường vẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu không hạn chế.
Điểm chuẩn
Điểm chuẩn Học viện Báo chí và tuyên truyền năm 2022 dao động từ 22.88 - 37.6. Ngành Quan hệ công chúng, chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp có điểm chuẩn cao nhất với 37.6 điểm khối D78, R26 (theo thang 40 điểm). So với năm ngoái, mức điểm này giảm 0.47 điểm.
Ngành xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước có điểm chuẩn thấp nhất trường, 22.88 điểm khối A16 (theo thang điểm 30).
Học phí, học bổng
Học phí
Về học phí, tại AJC các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí.
- Các ngành khác hệ đại trà (dự kiến): 506.900 đ/tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ).
- Hệ chất lượng cao (dự kiến): 1.470.010 đ/tín chỉ (chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh).
Lộ trình tăng học phí cho từng năm theo hướng dẫn của Chính phủ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Học bổng
Học bổng là trợ cấp tài chính Học viện dành cho các học sinh, sinh viên có học lực tốt, hoặc đạt được các thành tích trong quá trình học tập và rèn luyện. Sinh viên được xét cấp học bổng theo từng kỳ học, căn cứ vào thành tích học tập và phải đạt được những tiêu chí nhất định:
- Mỗi lớp sẽ có số suất học bổng bằng 10% sĩ số của lớp, dành cho những bạn có điểm trung bình chung cuối kỳ cao nhất.
- Điểm học tập và điểm rèn luyện phải đạt loại Khá trở lên.
- Không bị học lại học phần nào.
Tại AJC, học bổng được phân chia thành các mức như sau:
- Mức học bổng loại Khá
- Mức học bổng loại Giỏi
- Mức học bổng loại Xuất sắc
Mức học bổng đối với sinh viên các lớp hệ đại học chính quy tập trung và sinh viên các lớp chất lượng cao sẽ có sự chênh lệch.
Review Học viện Báo chí và Tuyên truyền có Tốt Không?
Những quyền lợi của sinh viên khi theo học tại Trường
- HV Báo chí và Tuyên truyền xác lập vị thế của mình là ngôi trường hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo báo chí và truyền thông. Ngoài ra Nhà trường còn có các chương trình đào tạo về các ngành lý luận, chính trị, văn hóa - tư tưởng, chính vì vậy các bạn sinh viên sẽ có những sự lựa chọn đa dạng hơn về ngành học.
- Trường tập trung vào việc nâng cao cơ sở vật chất và phát triển nhiều câu lạc bộ chuyên môn và nghiệp vụ báo chí; thiết lập liên kết trực tiếp với các cơ quan báo chí và truyền thông trong và ngoài nước. Tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường học tập tốt nhất.
- Học viện là cái nôi sản sinh ra những nhà báo, phóng viên, biên tập viên, MC hàng đầu tại Việt Nam. Chính vì thế các bạn sinh viên sẽ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những cựu sinh viên nổi tiếng của trường, có thêm những kinh nghiệm quý báu từ anh chị đi trước.
Tốt nghiệp HV Báo chí và Tuyên truyền có dễ xin việc không?
Cơ hội việc làm ngành báo chí hiện nay rất rộng mở cho sinh viên chuyên ngành báo chí và những người có đam mê với nghề báo. Ngoài kiến thức chuyên môn, các nhà tuyển dụng rất thích những ứng viên tốt nghiệp AJC bởi sự nhiệt tình, năng động, tham gia nhiều dự án xã hội. Vì điều đó chứng tỏ ứng viên là người thực sự nhanh nhẹn, có kỹ năng giao tiếp tốt, có thể làm việc nhóm và luôn sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của công việc.
Cơ sở vật chất
Sinh viên AJC luôn tự hào bởi Học viện là một trong những ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang nhất Thủ đô. Hiện nay, Học viện có tổng cộng 92 phòng học, trong đó hơn 80% phòng được trang bị hệ thống máy chiếu, 69 phòng có hệ thống âm thanh phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy. Bên cạnh đó còn có:
- 02 hội trường có sức chứa trên 200 và trên 600 người chỗ ngồi.
- 01 phim trường rộng lớn: Studio truyền hình, phát thanh, dựng phim.
- 01 phòng học trực tuyến.
- 07 phòng thực hành máy tính.
- 01 phòng thực hành báo chí.
- 04 phòng lab.
- 03 phòng bảo vệ luận văn, luận án.
- Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện gồm nhiều phòng chức năng với hàng ngàn đầu sách.
Đội ngũ giảng viên
Tổng số đội ngũ giảng viên của Học viện hiện nay là hơn 400 giảng viên, viên chức và người lao động. Trong đó có 37 Phó Giáo sư, 91 Tiến sĩ, 215 Thạc sĩ, 40 cử nhân.
Ngoài đội ngũ cán bộ cơ hữu, Học viện còn có sự đồng hành của hàng trăm chuyên gia, nhà nghiên cứu, và các nhà khoa học đáng tin cậy từ các lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí - truyền thông, cũng như các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác tại Trung ương. Họ đảm nhận vai trò là thành viên Hội đồng trường, cố vấn chuyên môn, giảng viên đồng thời cũng tham gia thỉnh giảng tại Học viện.
Đời sống sinh viên
Sinh viên của Học viện có thể tổ chức các sự kiện đầy sáng tạo và chuyên nghiệp. Những chương trình đều đem lại những dấu ấn vô cùng ấn tượng với sinh viên AJC như: Welcome to AJC do Đội Văn nghệ xung kích thực hiện, Speak Up - cuộc thi tìm kiếm MC tài năng, Press Beauty - Tài sắc nữ sinh Báo chí, Phút cuối, Kịch báo chí, vv…
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện Báo chí & Tuyên Truyền không ngừng phát triển mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên. Nhà trường có rất nhiều CLB chuyên môn phù hợp với những bạn trẻ muốn vừa tham gia các hoạt động tập thể vừa thêm tăng kinh nghiệm thực tế cho bản thân.
Một số CLB có thể kể đến như: Đội Văn nghệ xung kích, Đội Tình nguyện Xung kích, CLB Thanh niên vận động hiến máu, AJC Guitar Club - CLB Guitar, AJC’s Basketball Club, CLB AJC Karatedo, Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông, Câu lạc bộ truyền hình sinh viên, vv…
Ký túc xá
Ký túc xá Học viện gồm 4 toà nhà khác nhau. Các phòng ký túc xá đều được trang bị trang thiết bị cần thiết, hiện đại như giường, tủ, bàn học, giá sách, quạt đảo trần.
Hiện tại, ký túc xá E5 với quy mô 1 tầng hầm và 12 tầng nổi, sau khi đưa vào sử dụng có thể đáp ứng chỗ ở cho 1200 sinh viên Học viện. Đây là khu KTX hiện đại với nhiều tiện ích như nhà ăn tập thể sinh viên, sân vận động dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí, ngoại khóa.
Mức phí KTX:
- Phòng tiêu chuẩn: khoảng 1.000.0000 đồng/học kỳ, bao gồm cả tiền điện, nước.
- Phòng chất lượng cao cho 2 người ( đầy đủ tiện nghi, có bình nước nóng lạnh,…): 1.600.000 đồng/ tháng.
- Phòng chất lượng cao dành cho 3 người (có thêm điều hòa so với phòng 2 người): 1.800.000 đồng/tháng.
Ký túc xá của AJC sẽ ưu tiên sinh viên vùng sâu, vùng xa, đối tượng đặc biệt khó khăn con em gia đình có công với cách mạng.
Những gương mặt tiêu biểu của trường
- Biên tập viên, MC, Đạo diễn truyền hình - Diệp Chi
- BTV Ngọc Trinh - MC và Biên tập viên chương trình Tài chính kinh doanh trên kênh VTV1 hay Chuyển động 24h.
Vậy, có nên học Học viện Báo chí và Tuyên truyền không? Vì sao?
Trải qua 60 hình thành và phát triển, Học viện hiện đang là cơ sở đào tạo top đầu về báo chí ở Việt Nam. Nơi đây đã cho cho ra đời rất nhiều những người làm nghề tài giỏi, có năng lực, phẩm chất tốt, đạo đức nghề nghiệp cao. Đây là ngôi trường thật sự phù hợp cho những bạn có đam mê và sở thích về lĩnh vực báo chí và truyền thông. Tại Học viện, việc giáo dục và đào tạo chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu và được nhiều thế hệ sinh viên, học viên tin tưởng. Số lượng sinh viên tốt nghiệp AJC và tìm kiếm được việc làm luôn đứng đầu trong tất cả các trường báo chí khác trên cả nước, điều này càng thêm khẳng định vị thế của trường.
Một số trường đào tạo tương đương
- Đại học Văn hóa Hà Nội: Khoa Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội được thành lập vào năm 2015, với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và lòng nhiệt huyết. Sau gần 10 năm phát triển, nhờ vào nỗ lực không ngừng và việc cải tiến chất lượng giảng dạy qua các năm, Đại học Văn hóa Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm nhiệt tình từ phần đông sinh viên trẻ trên khắp cả nước.
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai có niềm đam mê với ngành Báo chí và Truyền thông. Trong suốt 4 năm học tại Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông, sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng biên tập, chỉnh sửa các ấn phẩm truyền thông, sản xuất và thiết kế các chương trình phát thanh, cũng như nắm vững cách phát sóng thông tin lên các trang báo mạng, báo in, đài phát thanh và truyền hình,…
- Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội: Với hơn 25 năm lịch sử hình thành và phát triển, khoa Báo chí và Truyền thông của trường là điểm đến của nhiều giảng viên danh tiếng, cả trong và ngoài nước. Trường cũng nổi tiếng với tỷ lệ cạnh tranh vô cùng cao trong việc tuyển sinh vào khoa Báo chí. Sinh viên tại đây được giảng dạy theo giáo trình tiêu chuẩn, mang tính trực quan cao, tạo nền tảng vững chắc để phát triển sự nghiệp trong tương lai một cách dễ dàng.