Thời gian gần đây, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng lợi dụng thời điểm đêm tối, các đối tượng thanh thiếu niên càn quấy, không chấp hành luật lệ giao thông, điều khiển xe mô tô hàng hai, hàng ba, không lắp gương chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm… Đặc biệt, có đối tượng còn mang theo hung khí trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Những hành vi này khiến dư luận hết sức bức xúc, có đề nghị cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, giải quyết triệt để tình trạng này.
Khi phát hiện, làm rõ đối tượng là thanh thiếu niên chưa đủ tuổi lái xe mô tô, xe gắn máy, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể tiến hành xử phạt. (Ảnh minh họa: nhandan.vn)Trường hợp lực lượng thi hành công vụ phát hiện đối tượng thanh thiếu niên như trên, nếu xác định lỗi không đủ tuổi tham gia lái xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt như thế nào, luật sư Hoàng Tiến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có những phân tích, giải đáp.Cụ thể:
Theo Luật Giao thông đường bộ, người lái xe tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện về tuổi, sức khỏe và có các loại giấy phép lái xe phù hợp.
Điều kiện về tuổi lái xe của người tham gia giao thông, theo khoản 1 Điều 58, Chương V, Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60, Chương V, Luật Giao thông đường bộ 2008 và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Theo đó, điều kiện về tuổi và sức khỏe của người lái xe quy định như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.
Trong khi đó, về mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe mô tô, gắn máy, căn cứ khoản 11, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng thì mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe quy định như sau:
- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
- Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất đó là phạt cảnh cáo. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có thể bị phạt tiền lên đến 600.000 đồng.
Trường hợp giao xe cho người chưa đủ tuổi lái xe, về mức xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ dựa trên khoản 5, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi giao xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ 2008 điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) có thể chịu các mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ phương tiện;
- Phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện.
“Như vậy, trên cơ sở những quy định đã có như trên, khi phát hiện, làm rõ đối tượng là thanh thiếu niên khi chưa đủ tuổi để lái xe mô tô, xe gắn máy, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể tiến hành xử phạt. Ngoài ra, quá trình làm việc, khi có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật khác, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật” - luật sư Hoàng Tiến cho biết thêm./.