Túi thừa đại tràng là hiện tượng xuất hiện các túi lồi phồng lên quanh thành đại tràng với những triệu chứng thường gặp như đau bụng, sốt hoặc chảy máu. Viêm túi thừa đại tràng là biến chứng hay gặp nhất của bệnh túi thừa đại tràng. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố, và người cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người trẻ. Bệnh có thể được kiểm soát tốt nếu kịp thời phát hiện và điều trị. Nếu bệnh để lâu có thể gây biến chứng thủng ruột thành áp xe ổ bụng hay viêm phúc mạc…
Túi thừa đại tràng là gì?
Túi thừa đại tràng là hiện tượng đại tràng xuất hiện nhiều túi thừa, lồi phồng lên quanh thành niêm mạc đại tràng.
Đại tràng là cơ quan dài nhất của hệ tiêu hóa, dài trung bình khoảng 1,48 m. Đại tràng nằm ở giữa ruột non và ống hậu môn. Cấu trúc của đại tràng gồm 3 phần chính là: manh tràng, đại tràng và trực tràng. Trong đó, đại tràng được chia thêm thành 4 phần nhỏ là: đại tràng trên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng sigma.
Túi thừa có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên đại tràng nhưng đa số hay gặp ở manh tràng, đại tràng lên và đại tràng Sigma.
Có thể có một cho đến rất nhiều túi thừa đại tràng. Hơn 80% trường hợp bị túi thừa đại tràng không đi kèm với triệu chứng, vì vậy người bệnh thường tình cờ phát hiện túi thừa đại tràng khi thực hiện nội soi đại trực tràng toàn bộ hoặc siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Bệnh túi thừa đại tràng được xem là một yếu tố rủi ro tăng cao nguy cơ bị viêm túi thừa đại tràng, một bệnh lý tiêu hóa gây phù nề và có biến chứng nguy hiểm như: chảy máu đường tiêu hóa, thủng đại tràng,…
Nguyên nhân túi thừa đại tràng
Nguyên nhân của bệnh túi thừa đại tràng khá đa dạng. Kết quả của các nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng việc xuất hiện túi thừa có liên quan đến chế độ dinh dưỡng, cụ thể là thiếu hụt chất xơ, dư thừa đạm động vật và tác động từ môi trường xung quanh, lối sống cá nhân. Dù vậy, căn nguyên trực tiếp dẫn đến sự hình thành túi thừa trong đại tràng vẫn chưa được xác định.
Những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh túi thừa đại tràng còn bao gồm:
-
- Yếu tố di truyền giữa người thân trong gia đình
- Cấu trúc và khả năng hoạt động của thành đại tràng
- Chế độ ăn không cân bằng, khoa học, thiếu chất xơ
- Lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá nhiều, ít vận động, thừa cân béo phì…
- Thói quen tự ý sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau không theo y lệnh của bác sĩ
Triệu chứng nhận biết túi thừa đại tràng
Bệnh túi thừa đại tràng thường không xuất hiện triệu chứng. Những triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển thành biến chứng như viêm túi thừa đại tràng.
Triệu chứng của bệnh túi thừa đại tràng có thể xảy ra là:
-
- Táo bón từng đợt, ngắt quãng
- Đau bụng
- Chướng bụng, đầy hơi
- Buồn nôn và nôn
Những triệu chứng của túi thừa đại tràng rất dễ nhầm lẫn với những hiện tượng sinh lý thông thường hoặc các bệnh lý tiêu hóa khác. Người bệnh cần chú ý đến tình trạng sức khỏe cũng như những triệu chứng lâm sàng. Trường hợp túi thừa đại tràng đã tiến triển thành biến chứng viêm túi thừa đại tràng, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau đây:
-
- Đau bụng, chướng bụng
- Sốt cao liên tục
- Đi ngoài ra máu
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược(1)
Chẩn đoán bệnh túi thừa đại tràng
Bệnh túi thừa đại tràng được chẩn đoán bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Tùy vào từng tình trạng sức khỏe và triệu chứng lâm sàng của mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán khác nhau. Dù vậy, kết quả hình ảnh đều sẽ thể hiện được có sự xuất hiện của túi thừa đại tràng hay không, và kích thước, số lượng của các túi thừa.
Những phương pháp chẩn đoán bệnh túi thừa đại tràng gồm:
-
- Nội soi đại trực tràng toàn bộ hoặc chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc: Đây là 2 phương pháp được ưu tiên sử dụng, giúp xác định rõ có sự xuất hiện của túi thừa đại tràng hay không và biến chứng của bệnh nếu có.
-
- Chụp X-quang: Phương pháp này giúp xác định được vị trí và kích thước của túi thừa ở đại tràng.
-
- Chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang: Thuốc cản quang là loại thuốc chuyên dụng trong y khoa, có công dụng thể thể rõ được cấu trúc của cơ quan tập trung nhiều thuốc bằng cách hấp thụ tia X và các loại tia khác
-
- Siêu âm: Túi thừa đại tràng dưới hình ảnh siêu âm là túi khí đầy phồng lên từ thành đại tràng. Tuy nhiên, hình ảnh túi thừa đại tràng cũng dễ bị nhầm lẫn với polyp.
Điều trị bệnh túi thừa đại tràng
Bệnh túi thừa đại tràng nếu không có triệu chứng thì không cần điều trị. Người bệnh cần thay đổi chế độ ăn cho phù hợp với bệnh. Duy trì cân bằng dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ chất trong mỗi bữa ăn, đi kèm với xây dựng lối sống lành mạnh. Đây là cách chủ động bảo vệ sức khỏe toàn diện, giúp người bị túi thừa đại tràng giảm thiểu được tối đa khả năng bệnh tiến triển thành viêm túi thừa hoặc những biến chứng nặng nề hơn.
Đối với người bệnh có xuất hiện triệu chứng như táo bón, đau bụng, chướng bụng… bác sĩ sẽ điều trị theo triệu chứng đó. Mục đích là làm giảm thiểu mức độ cơn đau của triệu chứng, không gây ảnh hưởng chất lượng sống của người.
Bệnh túi thừa đại tràng không cần phẫu thuật cắt bỏ túi thừa, trừ khi người bệnh xảy ra biến chứng như thủng ruột gây nên áp xe ổ bụng hoặc viêm phúc mạc.
Một lưu ý mà người bệnh cần nhớ, việc tự ý sử dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm là một trong những yếu tố rủi ro của bệnh túi thừa đại tràng. Không những vậy, các thuốc kháng viêm nếu không uống đúng liều lượng cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh như viêm loét dạ dày,… Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc này. Nếu có nhu cầu, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước để được chỉ định liều lượng phù hợp.
Biện pháp phòng ngừa bệnh túi thừa đại tràng
Không có biện pháp chính xác nào giúp phòng ngừa bệnh túi thừa đại tràng. Cách hiệu quả nhất để giảm rủi ro mắc bệnh là xây dựng nền tảng sức khỏe tổng thể tốt và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện và ổn định sức khỏe. Những lưu ý trong dinh dưỡng giúp bạn có thể tăng cường sức khỏe, hạn chế khả năng hình thành túi thừa đại tràng gồm:
-
- Bổ sung chất xơ trong mỗi bữa ăn. Trung bình một người trưởng thành cần nạp 25 gr chất xơ mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn không cần phải ăn chuẩn 25 gr. Nên bắt đầu bằng việc ghi nhớ nạp thêm 1 ít chất xơ từ rau củ quả và trái cây sẽ dễ dàng thực hiện và duy trì hơn. Từ đó, đem lại hiệu quả sức khỏe tốt hơn.
-
- Ăn uống đầy đủ chất, không cắt bỏ bất cứ loại chất nào ra khỏi chế độ ăn, đặc biệt là các dưỡng chất chính như tinh bột, đạm và chất béo tốt
-
- Ăn các thực phẩm tươi sống, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn
-
- Uống đầy đủ nước mỗi ngày
Ngoài ra, bạn cũng cần có một lối sống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhưng hiệu quả cao sẽ giúp bạn hình thành lối sống lành mạnh, hạn chế khả năng mắc bệnh. Những thói quen nên thay đổi là:
-
- Tập thể dục đều đặn 3-4 lần/tuần
- Không lạm dụng, sử dụng thường xuyên rượu bia và các đồ uống có cồn
- Hạn chế tối đa hoặc bỏ hút thuốc lá
- Giữ vệ sinh môi trường sống và bản thân
Túi thừa đại tràng có gây nguy hiểm không?
Bệnh túi thừa đại tràng phần lớn không có triệu chứng, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe gồm các bệnh lý tiêu hóa phức tạp.
Người bị túi thừa đại tràng nếu không chăm sóc sức khỏe tốt sẽ rất dễ bị viêm túi thừa đại tràng và nhiều hệ lụy khác như chảy máu đại tràng, hẹp lòng đại tràng, hoặc các bệnh nguy hiểm hơn như thủng đại tràng, áp xe hoặc lỗ rò.
Vì vậy, dù bệnh túi thừa đại tràng không nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, việc chủ động bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa là hết sức cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về tiêu hóa từ nhẹ đến nặng (viêm dạ dày, trào ngược dạ dày, nhiễm trùng đường ruột, đau ruột thừa,…). Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa - Ngoại khoa - Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:
Bệnh túi thừa đại tràng phần lớn không có triệu chứng và không cần điều trị. Việc quan trọng là thay đổi lối sống và cân bằng dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như táo bón, đau bụng, phân lẫn máu, cần đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và chỉ định điều trị, giảm thiểu khả năng xảy ra biến chứng của túi thừa đại tràng.