Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp. Tuy nhiên, trước và sau khi hiến máu xong bạn cần chú ý chăm sóc bản thân để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Cùng tìm hiểu những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe nên ăn trước và sau khi hiến máu qua bài viết dưới đây!
1Tại sao phải bổ sung dinh dưỡng khi hiến máu?
Nếu bạn có kế hoạch tham gia hiến máu, bạn cần đảm bảo bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể từ trước và sau khi hiến máu. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, là nguồn cung cấp nguyên liệu để tạo các dòng tế bào máu.
Chế độ dinh dưỡng tốt trước hiến máu giúp đảm bảo sức khỏe và hạn chế tai biến có thể xảy ra trong quá trình hiến máu. Sau hiến máu, cơ thể bạn cần tăng huy động nguyên liệu để sản xuất lại một lượng máu đủ bù đắp lượng mất đi.
Do đó, việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chế độ ăn có ý nghĩa quan trọng khi tham gia hiến máu.
Bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt để cung cấp nguyên liệu tạo máu
2Các lưu ý cần biết khi hiến máu
Một số lưu ý bạn cần biết về hiến máu:[1]
Trước khi hiến máu
Một số điều bạn cần chú ý trước khi hiến máu bao gồm:
- Bạn có đủ điều kiện để tham gia hiến máu: Đủ tuổi, cân nặng và sức khỏe.
- Hãy đảm bảo bạn không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, sốt xuất huyết, sốt rét,...
- Ngủ đủ giấc trước ngày hiến máu.
- Ăn đầy đủ và lành mạnh trước khi hiến máu. Nên tránh các món ăn nhanh, dầu mỡ gây đầy bụng và chậm tiêu.
- Uống nhiều nước.
- Kiểm tra các loại thuốc mà bạn đã hoặc đang dùng gần đây.
- Điền phiếu thông tin một cách trung thực và đầy đủ.
- Thực hiện bài kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu.
Bạn sẽ được khám sức khỏe sơ bộ để đảm bảo đủ điều kiện tham gia hiến máu
Sau khi hiến máu
Quá trình hiến máu thông thường hoàn tất trong 10 phút. Sau khi hoàn thành và bác sĩ đã rút kim tiêm ra, bạn cần giữ chặt miếng bông trên vết kim trong 5 phút để đảm bảo máu ngừng chảy. Hoặc bạn có thể gập tay lại, cho bàn tay chạm vào vai trong 5 - 10 phút hoặc tới khi máu ngừng chảy.
Uống nước, ăn nhẹ để cơ thể dần hồi phục sau khi mất một lượng máu lớn. Bạn không nên ra về ngay mà hãy ở lại nghỉ ngơi khoảng 15-20 phút. Nước và thức ăn nhẹ tại điểm hiến máu sẽ được cung cấp đầy đủ mà bạn không cần chuẩn bị trước.
Khi xuất hiện các triệu chứng như choáng, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc người bên cạnh trợ giúp để được thăm khám và chăm sóc tốt hơn.
Nếu sức khỏe ổn định, bạn có thể rời đi. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất sau hiến máu, bạn cần chú ý một số điều sau đây:
- Uống nhiều nước.
- Giữ băng dán tại vị trí kim lấy máu trong 5 giờ. Sau khi tháo bỏ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ.
- Tránh hoạt động gắng sức trong ngày.
- Bổ sung các loại thực phẩm dinh dưỡng, bổ máu.
Bạn cần nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 15 phút sau hiến máu
3Trước khi hiến máu nên ăn gì?
Một số thực phẩm tốt cho sức khỏe mà bạn nên ăn trước khi hiến máu:[2]
Thực phẩm giàu sắt từ động vật
Sắt là nguyên tố quan trọng tham gia vào cấu tạo tế bào hồng cầu. Bổ sung các thực phẩm giàu sắt giúp tăng sản xuất hồng cầu, đảm bảo đủ khối lượng tuần hoàn cơ thể để đáp ứng được điều kiện truyền máu.
Các loại thực phẩm từ động vật có màu đỏ chứa hàm lượng sắt cao như thịt bò, thịt lợn, gan, thịt gà tây,... hoặc một số loại hải sản như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu, cá tuyết,...
Bạn nên bổ sung các loại thịt đỏ giàu sắt trước ngày hiến máu
Thực phẩm giàu sắt từ thực vật
Thực vật cũng là một nguồn cung cấp sắt tốt cho cơ thể, đặc biệt cần thiết với những người ăn chay hoặc cần hạn chế đạm. Những nhóm thực phẩm từ thực vật giàu sắt mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn bao gồm:
- Rau củ: Rau có màu xanh thẫm như rau chân vịt, cải bina, cải xoăn, bông cải xanh, các loại đậu như đậu nành, đậu lăng,...
- Các loại hạt: Hạt óc chó, hạnh nhân, hạt bí, hạt vừng, hạt mè,...
- Trái cây: Quả có màu đỏ đậm như lựu, dâu tây, việt quất, nho đen, dưa hấu,...
Rau có màu xanh đậm có chứa hàm lượng sắt cao
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa sắt trong thực phẩm thành dạng dễ hấp thu. Do đó, bên cạnh bổ sung các thực phẩm giàu sắt, bạn cần kết hợp bổ sung vitamin C hằng ngày để tăng khả năng hấp thu.
Một số thực phẩm giàu vitamin C phổ biến như trái cây họ cam quýt, bưởi, ớt chuông, bông cải xanh, rau bina, cải xoăn,... Ngoài ra, bạn có thể sử dụng vitamin C dưới dạng thực phẩm chức năng hằng ngày.
Carbohydrate phức tạp
Nhóm carbohydrate phức tạp thường giàu chất xơ và được chuyển hóa chậm, giải phóng đường và năng lượng từ từ. Do đó, sử dụng các loại thực phẩm này trước ngày hiến máu giúp ổn định đường máu, giảm nguy cơ hạ đường huyết đột ngột trong lúc hiến máu.
Một số thực phẩm giàu carbohydrate phức tạp bao gồm gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang, bột yến mạch,...
Thực phẩm từ carbohydrate phức tạp chuyển hóa chậm và giải phóng năng lượng từ từ
Thực phẩm giàu protein
Protein là một trong 4 nhóm dinh dưỡng cung cấp năng lượng chính trong chế độ ăn hằng ngày. Đây cũng là thành phần quan trọng tham gia cấu tạo hồng cầu. Do đó, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu đạm vào chế độ ăn trước những ngày chuẩn bị tham gia hiến máu.
Các loại thịt có màu đỏ vừa cung cấp sắt vừa là nguồn protein thông dụng và phổ biến nhất. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung protein từ các loại hạt và đậu.
Protein tham gia vào cấu tạo tế bào hồng cầu
Uống nhiều nước
Bạn cần đảm bảo bổ sung đủ 2 lít nước và thậm chí nhiều hơn trước ngày hiến máu để đảm bảo thể tích máu của cơ thể. Nước là dung môi giúp dòng máu lưu thông dễ dàng trong lòng mạch, vừa đảm bảo cung lượng tim co bóp.
Do đó, uống nhiều nước giúp hạn chế nguy cơ hạ huyết áp do giảm thể tích máu đột ngột khi hiến máu.
Bạn nên uống nhiều nước trước khi hiến máu
4Hiến máu xong nên ăn gì?
Thực phẩm giàu sắt
Sau khi mất đi một lượng máu lớn, cơ thể sẽ cần huy động các nguồn nguyên liệu để sản xuất khối lượng hồng cầu bù đắp lại phần vừa mất đi. Do đó, bổ sung sắt sau hiến máu đóng vai trò sức khỏe vô cùng quan trọng.
Bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt sau khi hiến máu
Thực phẩm giàu vitamin C
Đồng thời với cung cấp sắt, bạn hãy chú ý kết hợp các thực phẩm giàu vitamin C. Mỗi 100mg vitamin C giúp tăng hấp thu sắt lên tới 67%.[3]
Vitamin C giúp tăng hấp thu sắt
Thực phẩm giàu vitamin nhóm B
Vitamin B cũng tham gia vào cấu tạo tế bào hồng cầu, đặc biệt là vitamin B9 (acid folic), vitamin B6. Bạn có thể bổ sung vitamin nhóm B qua các loại thực phẩm như rau có màu xanh đậm, các loại hạt, gan, thịt nạc,...
Bạn cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B9
Uống nhiều nước
Sau khi hiến máu, cơ thể mất đi một thể tích máu lớn, do đó, bạn có thể bù lại phần nào bằng cách bổ sung thêm nước. Bạn nên bổ sung nước có đường, sữa hoặc nước ép hoa quả.
Ngoài ra, bạn không nên bổ sung quá nhiều nước lọc hay nước tinh khiết để tránh hòa loãng máu, làm giảm độ nhớt của máu trong lòng mạch.
Bạn có thể bổ sung nước dưới dạng nước đường, nước hoa quả hoặc sữa sau hiến máu
5Những điều cần tránh sau khi hiến máu
Mặc dù hiến máu không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bạn. Tuy nhiên, sau khi hiến máu, cơ thể vừa đột ngột mất đi một lượng máu lớn, điều này đồng nghĩa với việc có ít hồng cầu thực hiện để vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng.
Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân, bạn cần chú ý tránh các hoạt động gắng sức gây tăng nhịp tim ngay sau khi hiến máu bao gồm:
- Thể dục thể thao.
- Lao động nặng nhọc như bê, vác,...
- Làm việc cần độ tập trung cao như lái xe đường dài, thợ xây đứng trên nhà cao tầng,...
- Uống rượu, bia, dùng chất kích thích.
Bạn cần tránh các vận động gắng sức sau khi hiến máu
6Chế độ nghỉ ngơi hợp lý sau hiến máu
Bạn cần có chế độ nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân hợp lý sau khi hiến máu để cơ thể nhanh hồi phục. Trong 2 - 3 ngày đầu sau hiến máu, bạn nên:
- Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya.
- Ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng và lành mạnh.
- Sinh hoạt nhẹ nhàng, điều độ.
- Tránh các hoạt động gắng sức, nặng nhọc.
Nếu bạn gặp phải tình trạng mệt mỏi, chóng mặt thoáng qua, hãy bình tĩnh và yên tâm. Đây có thể là phản ứng sinh lý của cơ thể bạn. Bạn nên giảm các hoạt động trong ngày và tăng thời gian nghỉ ngơi, tình trạng này sẽ tự hết.
Bạn nên nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ sau khi hiến máu để cơ thể nhanh hồi phục
7Lời khuyên sau hiến máu
Một số lời khuyên cho bạn sau khi hiến máu:
Hạn chế làm việc nặng, tuyệt đối không bưng bê vật nặng, tập thể dục với cường độ cao trong ngày.
Khi đang làm việc, giải trí, hoạt động, bạn cảm thấy chóng mặt, đau đầu nhẹ nên ngừng lại mọi hoạt động, ngồi hoặc nằm im cho tới khi bạn cảm thấy khỏe lại.
Trong 6 tiếng sau khi hiến máu, bạn tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá cao như uống nước nóng, tắm nước nóng, ngồi dưới ánh mặt trời.
Bạn không nên uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích sau khi hiến máu
Hiến máu vừa là nghĩa cử cao đẹp, vừa đem lại một số lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cần chú ý chăm sóc bản thân tốt trước và sau hiến máu để cơ thể bạn khỏe mạnh và nhanh hồi phục. Hãy chia sẻ bài viết trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!