Hệ miễn dịch được xem là “lớp kén” bao bọc cơ thể trước sự tấn công của các vi sinh vật gây bệnh. Vậy, cấu tạo của hệ thống miễn dịch như thế nào? Cách thức hoạt động của hệ thống miễn dịch ra sao?
ThS. Nguyễn Diệu Thúy - Chuyên viên Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Hệ miễn dịch nắm giữ vai trò quan trọng trong việc chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm,…; là lớp phòng hộ tự nhiên của cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch suy yếu sẽ tạo cơ hội cho các mầm bệnh dễ dàng tấn công, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh”.Hệ miễn dịch là gì?
Hệ miễn dịch là một tổ chức gồm nhiều tế bào và phân tử được biệt hóa nhằm giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các vi sinh vật gây hại. Như hệ tuần hoàn, hô hấp, tiết niệu, thần kinh hay nội tiết, hệ miễn dịch cũng là một hệ thống và được chia thành nhiều phân môn. Về mặt sinh học, ta có miễn dịch thu được và miễn dịch tự nhiên. Về phương thức loại trừ kháng nguyên, ta có miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Ngoài ra, ta còn có miễn dịch sinh lý, bệnh lý, hay miễn dịch học cơ bản và miễn dịch học ứng dụng. [1]
1. Vì sao hệ miễn dịch quan trọng với cơ thể người?
Hệ miễn dịch quan trọng với cơ thể người vì nắm giữ 2 vai trò chính: Bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh và tạo kháng thể chủ động phòng nguy cơ tái nhiễm.
Các tác nhân gây bệnh có thể xuất hiện khắp mọi nơi, xung quanh môi trường sống của chúng ta như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm. Miễn dịch có khả năng nhận biết hàng triệu kháng nguyên khác nhau khi đi vào cơ thể, đồng thời kích hoạt toàn bộ chức năng cần thiết nhằm loại bỏ hầu hết các yếu tố gây hại..
Ngoài miễn dịch bẩm sinh sẵn có, hệ miễn dịch chủ động sẽ được cải thiện dần theo thời gian. Trong quá trình trưởng thành và phát triển, nếu ta mắc phải các bệnh truyền nhiễm hoặc được đã tiêm vắc xin trước đó, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể tương ứng để chống lại các mầm bệnh này trong tương lai. Đó là lý do người trưởng thành thường có hệ miễn dịch mạnh mẽ và ít mắc bệnh hơn trẻ em. Tuy nhiên, hệ miễn dịch sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn khi chúng ta già đi.
2. Những điều thú vị về hệ thống miễn dịch
Khả năng Ghi nhớ “Kẻ thù”
Ghi nhớ và nhận biết “kẻ thù” (những tác nhân có thể gây hại cơ thể) là một trong những khả năng nổi bật của hệ thống miễn dịch. Hệ miễn dịch có khả năng này nhờ vào sự hiện diện của các tế bào ghi nhớ: tế bào lympho T và tế bào lympho B. Những tế bào này thực hiện chức năng ghi nhớ thông tin của các tác nhân lạ mà cơ thể gặp trước đó, giúp cơ thể nhanh chóng phản ứng lại khi gặp chúng.
Hệ miễn dịch biết cách học hỏi để phản ứng tốt hơn
Thông qua việc tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, hệ thống miễn dịch biết cách học hỏi để phản ứng tốt hơn. Nhờ vào khả năng thích ứng và sản xuất kháng thể của tế bào lympho B, lympho T, hệ miễn dịch hoạt động ngày càng hiệu quả trong việc chống lại các mối đe dọa mới.
Hệ thống miễn dịch có thể tự bảo vệ chính mình
Không chỉ phản ứng nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài, hệ miễn dịch còn có khả năng kiểm soát nhằm ngăn chặn những phản ứng quá mạnh có khả năng gây tổn thương cơ thể. Đây là cơ chế giúp tránh tình trạng tự tấn công.
Hệ miễn dịch có thể bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tinh thần
Căng thẳng và áp lực kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch làm giảm khả năng chống lại bệnh tật. Cụ thể, khi sức khỏe tinh thần đi xuống, Hormon Cortisol được sản xuất nhiều hơn làm giảm khả năng phản ứng của hệ miễn dịch. Ngược lại, khi tinh trạng tích cực hệ thống miễn dịch có thể hoạt động hiệu quả hơn.

Cấu tạo của hệ thống miễn dịch
1. Các loại bạch cầu và chức năng của chúng
Bạch cầu trung tính
Bạch cầu trung tính chiếm khoảng 60-70% trên tổng số bạch cầu trong cơ thể. Nhiệm vụ của bạch cầu trung tính là tìm kiếm và triệt tiêu những tác nhân gây hại khi xâm nhập vào cơ thể con người. Bình thường, bạch cầu trung tính có giá trị 2-8 g/l. Khi bạch cầu trung tính tăng, vượt ngưỡng bình thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị tổn thương hoặc do một tình trạng bệnh lý nào đó cần được can thiệp sớm.
Bạch cầu Lympho B
Bạch cầu lympho B chiếm 15-30% tổng số bạch cầu, được lưu trữ trong các cơ quan bạch huyết gồm tuyến ức, lách, tủy xương, hạch bạch huyết. Tế bào lympho B được sinh ra từ tủy xương và có khả năng giúp cơ thể ghi nhớ mầm bệnh từng gặp, nhằm kịp thời nhận biết khi mầm bệnh đó quay lại tấn công trong tương lai. [2]
Bạch cầu Lympho T
Chiếm 15%-30% trên tổng số bạch cầu, bạch cầu Lympho T có khả năng tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh và giữ cho hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả. Có thể nói, bạch cầu Lympho T đóng vai trò chủ đạo trong miễn dịch tế bào, ngăn chặn sự phát triển của tế bào bệnh hoặc tế bào nhiễm virus.
Đại thực bào và dưỡng bào
Tất cả các loại tế bào bạch cầu đều rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh, duy trì sự ổn định của môi trường nội bào. Đại thực bào và dưỡng bào cũng không ngoại lệ. Đại thực bào và dưỡng bào chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số lượng bạch cầu, nhưng lại giữ vai trò loại bỏ các tế bào chết trong cơ thể. Đây là hai loại tế bào tiêu biểu cho giai đoạn cuối cùng của sự phát triển của bạch cầu.
2. Các cơ quan và mô liên quan
Tuyến thymus
Tuyến Thymus (hay tuyến ức) là cơ quan có hình dạng xù xì, nằm phía sau xương ức và giữa 2 lá phổi. Ở trẻ em, tuyến ức thường có trọng lượng khoảng 10g (cỡ trọng lượng của trái chanh). Ở người lớn, tuyến ức thường nặng 25-35g. Khi về già, tuyến ức thường thoái hóa thành mô liên kết hoặc mô mỡ. Tuyến ức là nơi phát triển tế bào lympho T chưa trưởng thành, thành tế bào trưởng thành giúp chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, tuyến ức còn là tuyến nội tiết sản xuất Hormon Thymosin kích thích biệt hóa tế bào lympho T.
Hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết là tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ miễn dịch, có chức năng như bộ lọc các chất lạ ra khỏi chất lỏng đi qua mạch bạch huyết. Khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, hạch bạch huyết sẽ tăng cường hoạt động, sản sinh các tế bào lympho nhằm tiêu diệt vi sinh vật gây hại, dẫn đến hiện tượng nổi hạch, sưng hạch mà ta có thể cảm nhận bằng mắt thường và dùng tay sờ.

Da
Da là rào cản vật lý đầu tiên ngăn chặn vi sinh vật gây bệnh tấn công cơ thể. Ngoài ra, da còn là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây hại. Để ngăn các loại vi khuẩn này xâm nhập cơ thể, da được trang bị bộ máy hoạt động liên tục được gọi là đề kháng da. Đây được xem là chức năng đề kháng tự nhiên của da trong hệ thống miễn dịch.
Màng nhầy
Màng nhầy là lớp niêm mạc có chứa dịch nhầy bảo vệ các bề mặt trong cơ thể, như lỗ mũi, họng, và đường tiêu hóa. Màng nhầy giúp ngăn chặn vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua các cơ quan này.
Lách
Lách có vai trò sản xuất protein miễn dịch, đồng thời tham gia vào quá trình lọc và xử lý các chất độc hại trong máu. Lách có khả năng loại bỏ các tác nhân gây hại và hỗ trợ vận hành hệ thống miễn dịch.
Mạch bạch huyết
Mạch bạch huyết là một phần của truyền thông miễn dịch và hệ thống cảm nhận. Mạch bạch huyết kết nôi các mô và cơ quan để truyền thông tin về tình trạng miễn dịch, giúp hệ thống miễn dịch tương tác và phản ứng nhanh chóng khi phát hiện tác nhân gây bệnh.
3. Kháng thể
Kháng thể là những protein đặc biệt do hệ thống miễn dịch tạo ra giúp bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Kháng thể hoạt động bằng cách nhận diện và gắn kết chặt chẽ với các tác nhân gây bệnh, sau đó kích thích cơ thể sinh ra phản ứng ngăn chặn sự phát triển và lây lan của chúng.
Kháng thể có khả năng kích thích các phagocytes tiêu diệt mầm bệnh, cũng như tạo ra các phản ứng giết chết trực tiếp. Một vai trò quan trọng khác là kháng thể tạo ra “trí nhớ miễn dịch”, giúp cơ thể nhận biết và chống lại các tác nhân đã gặp một cách nhanh chóng khi chúng tái xuất hiện. Có thể nói, kháng thể đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sức khỏe và đề kháng của hệ thống miễn dịch.
⇒ Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn qua bài viết: Kháng thể là gì? 5 loại kháng thể và chức năng của nó.
3 loại phản ứng miễn dịch
1. Miễn dịch bẩm sinh
Tất cả chúng ta được sinh ra với một hệ thống miễn dịch hoàn chỉnh giúp cơ thể đối phó với những tác nhân gây bệnh bên ngoài. Hệ miễn dịch của con người cũng tương tự như của nhiều động vật, sẽ phản kháng và chống trả lại những mầm bệnh gây hại khi có ý định xâm nhập cơ thể. Miễn dịch bẩm sinh này gồm các rào cản bên ngoài cơ thể như da, màng nhầy cho đến các tế bào bên trong cơ thể. Nếu mầm bệnh vượt qua được hệ miễn dịch bẩm sinh, miễn dịch thích ứng và thụ động sẽ tham gia vào quá trình chiến đấu. [3]
2. Miễn dịch thích ứng
Miễn dịch thích ứng bao gồm các kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh mà cơ thể đã từng tiếp xúc. Tức hệ thống miễn dịch sẽ ghi nhớ kẻ thù từng gặp và sinh ra các kháng thể nhằm tiêu diệt chúng trong tương lai.
3. Miễn dịch thụ động
Miễn dịch thụ động hay miễn dịch “vay mượn” từ nguồn khác giúp bảo vệ cơ thể tức thì nhưng chỉ duy trì được trong một thời gian ngắn. Ví dị, em bé sinh ra nhận được kháng thể từ mẹ qua nhau thai và trong sữa mẹ. Miễn dịch thụ động này giúp bảo vệ bé khỏi một số bệnh nhiễm trùng trong các tháng đầu đời. Đó là lý do mẹ nên tiêm vắc xin khi chuẩn bị mang thai để tạo cho bé một nguồn miễn dịch thụ động.
⇒ Xem thêm: Miễn dịch chéo là gì? Cơ chế hoạt động và những hạn chế.
Hệ thống miễn dịch hoạt động như thế nào?
Hệ thống miễn dịch bao gồm da, tế bào phagocytic, tế bào T và B, kháng thể, hệ thống bổ thể, bạch cầu và hồng cầu. Da và niêm mạc tạo rào vật lý; thực bào bảo vệ cơ thể bằng cách ăn các hạt có hại, vi khuẩn và tế bào chết; tế bào T và B sản xuất kháng thể; hệ thống bổ thể chống lại nhiễm trùng; bạch cầu và hồng cầu hỗ trợ chức năng miễn dịch. Sự tương tác chặt chẽ giữa các thành phần này giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus và tác nhân gây bệnh, bảo vệ hiệu quả hệ thống miễn dịch.
⇒ Xem thêm:
- 3 cơ chế miễn dịch của cơ thể và cách hoạt động của chúng.
- Sức đề kháng là gì? 10 nguyên nhân làm nó yếu đi.
- Đáp ứng miễn dịch là gì? 5 cách cơ thể phản ứng với mầm bệnh
Những “kẻ thù” của hệ thống miễn dịch
- Virus và vi khuẩn: Có khả năng gây bệnh. Khi đi vào cơ thể, chúng xâm nhập vào tế bào và nhân lên, khiến cơ thể bị nhiễm trùng. Một số loại virus và vi khuẩn còn có khả năng “ngụy trang” nhằm tránh sự nhận biết của hệ thống miễn dịch.
- Ký sinh trùng và nấm: Là những sinh vật nhỏ có khả năng ẩn mình để giúp chúng tồn tại trong môi trường mà không bị phát hiện hoặc tấn công từ các nguy cơ bên ngoài. Khi ký sinh trùng và nấm xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng ban đầu như sốt, ngứa thường bị nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác. Nếu chung sống “hòa thuận” với con người, nấm và ký sinh trùng thì đây là căn bệnh âm thầm và được phát hiện khi làm xét nghiệm.
- Ung thư: Ung thư khiến cho các tế bào trong cơ thể chúng ta phát triển kỳ lạ và không theo quy tắc bình thường. Ung thư “lừa dối” hệ miễn dịch bằng cách giả mạo thành tế bào bình thường hoặc làm giảm khả năng của hệ miễn dịch trong việc nhận biết chúng. Điều này giúp ung thư tránh được sự tấn công của hệ miễn dịch.

Vấn đề bất thường của hệ miễn dịch
- Bệnh tự miễn: Là “cuộc nổi loạn nội bộ”, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công tế bào và mô của chính cơ thể vật chủ, dẫn đến tổn thương tự miễn dịch không cần thiết, gây ra các bệnh như lupus hay bệnh tăng tấn công tự miễn.
- Dị ứng: Hệ thống miễn dịch phản ứng quá mạnh với các chất không gây hại như phấn hoa hay thức ăn, tạo ra phản ứng quá mức gây triệu chứng như sổ mũi, đau ngực, và ngứa.
- Suy giảm miễn dịch: Xảy ra khi hệ miễn dịch không đủ sức để đối mặt với tác nhân gây bệnh. Các bệnh nhân suy giảm miễn dịch dễ mắc các nhiễm trùng nặng và nguy hiểm.
⇒ Xem thêm: Rối loạn hệ thống miễn dịch: Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa.
Làm sao để tăng cường hệ miễn dịch
Để tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả, giúp cơ thể khỏe mạnh chống lại các tác nhân gây bệnh, bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau:
- Chế độ ăn khoa học: Dinh dưỡng và miễn dịch có mối quan hệ chặt chẽ. Để tăng cường miễn dịch cho cơ thể, đầu tiên bạn cần lên cho mình một chế độ ăn khoa học với các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, uống đủ nước mỗi ngày, chỉ ăn các chất béo lành mạnh và nhớ tránh xa các thực phẩm lên men.
- Tập luyện đều đặn: Hãy chọn một/ một vài bài tập phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân như chạy bộ, yoga, đạp xe hoặc bơi lội. Vận động đều đặn giúp kiểm soát các bệnh lý mạn tính, tăng cường sức khỏe, cải thiện hệ thống miễn dịch tự nhiên cho cơ thể.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp hồi phục cơ thể sau một ngày dài, cải thiện hệ tim mạch, ổn định đường trong máu mà nhiều tác dụng tuyệt vời khác cho sức khỏe.
- Tiêm vắc xin: Vắc xin là chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh giúp tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ cơ thể hiệu quả, lâu dài. Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC có hơn 40 loại vắc xin phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và người lớn. Các loại vắc xin được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới, cam kết chất lượng, an toàn cho người sử dụng, không tăng giá bất thường kể cả trong thời điểm vắc xin khan hiếm hoặc bệnh dịch hoành hành.
⇒ Bạn nên xem thêm: 12 cách tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể hiệu quả.

Hệ miễn dịch nắm giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ và duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Thế nhưng, không phải lúc nào miễn dịch bẩm sinh cũng đủ khả năng bảo vệ hiệu quả trước các đợt tấn công của bệnh truyền nhiễm. Do đó, tạo miễn dịch chủ động bằng vắc xin là phương pháp phòng bệnh được đánh giá an toàn và hiệu quả nhất, được khuyến cáo thực hiện.