Với sự thay đổi sắp tới trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Ngữ Văn, khi bài Nghị luận xã hội nay là một bài văn hoàn chỉnh 600 chữ. Trong bài viết này, Thích Văn học sẽ mang đến cho các bạn bốn bài nghị luận 600 chữ tiêu biểu để các bạn có thể tham khảo và làm quen với dạng bài này nhé!
Đề số 1: Anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến sau: “Bạn đừng nên chờ đợi những món quà bất ngờ của cuộc sống mà hãy tự mình làm nên cuộc sống” ( L.Tôn xtôi)
BÀI LÀM
“Chúng ta tồn tại nhờ thực tế; nhưng chúng ta sống vì lý tưởng” (Victor Hugo). Như ngọn đèn hải đăng soi rọi, lý tưởng chính là kim chỉ nam của mỗi con thuyền số phận để người cầm lái có thể đến được bến bờ họ mong muốn. Có người chọn cách sống thụ động, bình lặng qua ngày, có người thích theo đuổi thành công, danh vọng, tiền tài. Bản thân tôi chọn cách sống chủ động kiến tạo con đường của riêng mình như cách mà nhà văn L. Tôn xtôi đã gửi gắm: “Bạn đừng nên chờ đợi những món quà bất ngờ của cuộc sống mà hãy tự mình làm nên cuộc sống”.
“Quà tặng bất ngờ của cuộc sống”, đôi khi là những giá trị vật chất hoặc tinh thần mà ta được nhận từ những người xung quanh, những cơ hội, may mắn bất chợt do khách quan đem lại. Nhưng liệu ta chỉ mãi “há miệng chờ sung” trông chờ những món quà may rủi? Trách nhiệm của con người là “tự mình làm nên cuộc sống”, tự lực kiến tạo dấu ấn tồn tại của riêng mình. Bằng cách nói hàm súc, văn hào người Nga đã ký thác lời khuyên về thái độ sống chủ động, không nên ỷ lại, trông chờ vào người khác hay số phận. Cuộc sống đích thực là cuộc sống do chính chúng ta tạo nên.
Cuộc sống là những món quà diệu kì luôn trao gửi cho mỗi chúng ta trên hành trình cuộc đời. Đó có thể là sự giúp đỡ từ bạn bè thân thiết, là những cơ hội ngẫu nhiên từ những người xung quanh . Khi đó ta sẽ có may mắn được hưởng niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời. Nhưng con người vẫn phải tự mình làm nên cuộc sống. Bởi lẽ, những món quà tốt đẹp ấy không phải lúc nào cũng sẵn có và đáp ứng nhu cầu vô hạn của chúng ta. Cuộc sống không phải lúc nào cũng là thảm đỏ trải đầy hoa hồng, cuộc sống là một trường tranh đấu, luôn tiềm ẩn những khó khăn, phức tạp. Thay vì chờ đợi, chúng ta nên tự mình tạo ra cuộc đời mà chúng ta mong muốn. Đó là cách mà Alysha Allen đã làm để kiến tạo sự sống của mình. Cuộc sống đã thiếu công bằng với người phụ nữ ấy khi lấy đi khả năng nghe, nhưng Alysha đã không thụ động chờ đợi, cô mạnh mẽ đứng lên tự tô vẽ bức tranh cuộc sống của riêng mình và từng bước chinh phục ước mơ. Liệu nếu chỉ im lặng và chờ đợi, Alysha có trở thành một phiên bản độc lập đáng mơ ước như hiện tại hay không?
Tự mình làm nên cuộc sống, đó còn là câu chuyện tự mình làm nên hạnh phúc cho riêng bản thân ta. Thay vì chờ đợi những món quà bất ngờ, sao ta không thử tìm niềm vui và hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt xung quanh mình. Tôi nhớ đến câu chuyện về một Trần Mạnh Tuấn giữa bóng đêm của đại dịch vẫn cất lên tiếng kèn saxophone để động viên những người xung quanh. Tôi thầm nể phục một Kito Aya trước lưỡi hái của tử thần vẫn lạc quan, yêu đời viết nên cuốn nhật kí vẫn còn làm rơi lệ cả thế gian. Họ không chờ đợi món quà bất ngờ của đời, chính họ tạo nên sự bất ngờ của cuộc đời này.
Câu nói của đại văn hào L. Tôn xtôi là lời khuyên quý giá cho thế hệ trẻ trong thời đại ngày nay. Thật đáng buồn khi vẫn có những người sống thụ động, ỷ lại. Dẫu ta có thể “tự mình làm nên cuộc sống” nhưng cũng đừng quên đón nhận sự hỗ trợ từ bạn bè và người thân để hành trình xây dựng lối đi riêng được hoàn thiện hơn. Ta không thể chỉ mãi “ngồi mát ăn bát vàng” mà cần chủ động trang bị kiến thức, rèn luyện cách sống bản lĩnh, có lí tưởng, có ước mơ để làm nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống của chính mình Những món quà của cuộc sống sẽ càng giàu giá trị khi được kết hợp với những nỗ lực cố gắng của bản thân mỗi chúng ta.
Nhà văn George Bernard Shaw: “Con người luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tôi không tin vào hoàn cảnh. Trên thế giới này, những người tiến lên phía trước là những người đứng dậy đi tìm hoàn cảnh họ muốn, và nếu không tìm thấy nó, họ tạo ra nó”. Bản thân tôi sẽ không ngần ngại chủ động đón nhận những món quà của cuộc sống và mạnh mẽ tự mình trở thành một tồn tại ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn.
Đề số 2: Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) bàn về chủ đề: Để được sống hạnh phúc.
BÀI LÀM
“Hạnh phúc như ngọc trong đá Không đến với ai chỉ hời hợt đi qua Hạnh phúc như một bông hoa Không có ai không cần cù tìm lấy”
Những câu hát từ nhạc sĩ Nguyễn Đông Thức khiến trái tim tôi trăn trở bồi hồi. Có người đã từng ví cuộc sống như một bản đàn ngân vang bao cung bậc cảm xúc đan quyện. Có nốt trầm của nỗi buồn, tuyệt vọng, đau khổ, có khúc hoan ca của niềm vui sướng thành công. Trong miền xúc cảm ấy, “hạnh phúc” luôn là nốt chủ đạo mà bao sinh thể luôn mong mỏi tìm kiếm. Nhưng hành trình tìm đến hạnh phúc vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải mã tường tận. Đã bao lần tôi tự hỏi chính mình: Để sống hạnh phúc, chúng ta cần gì?
Những điều thuộc về trái tim sẽ chẳng thể bộc lộ trọn vẹn bằng ngôn ngữ. Mỗi chúng ta, ắt hẳn, sẽ có riêng cho mình những định nghĩa khác nhau về “hạnh phúc”. Đối với tôi, đó là trạng thái dễ chịu khi mọi việc diễn ra tốt đẹp. Đó không chỉ là trạng thái thỏa mãn vật chất mà còn là cảm giác thỏa mãn tâm lý. Khái niệm về hạnh phúc cũng đa dạng và khác biệt với từng đối tượng, từng hoàn cảnh và lứa tuổi. Nhưng cách thức để ta được sống hạnh phúc thì vẫn là một câu hỏi bỏ lửng chưa lời giải đáp. Với tôi, con đường đi đến hạnh phúc sẽ rút ngắn khi ta biết thay đổi tư duy và học cách thấu hiểu chính mình.
Mọi cá thể sống đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Dẫu chúng ta khác nhau về màu da, tôn giáo, sắc tộc hay địa vị xã hội thì hạnh phúc luôn là địa hạt mà bao số phận luôn mong mỏi được đặt chân. Như nhà triết học Hy Lạp Aristotle đã chiêm nghiệm: “Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, là mục tiêu cuối cùng của sự tồn tại của loài người”. Sống hạnh phúc là nguồn năng lượng tuyệt diệu để mỗi cá nhân được sống và hoàn thiện mình hơn.
Mỗi người sẽ có một phương thức riêng để bào chế loại thuốc mang tên “hạnh phúc” này. Nhưng với tôi, để được sống hạnh phúc, điều quan trọng chính nằm ở tư duy, cách nhìn nhận, nhãn quan của con người. Một thái độ lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Một tấm lòng biết ơn, trân quý từng mối quan hệ xung quanh và sát na của cuộc đời. Hạnh phúc đôi khi không phải là ánh sao xa xôi ngoài tầm với, nó hiện hữu trong đóa hoa trước nhà luôn hé nở mỗi hừng đông, thấp thoáng sau nụ cười của những người thân yêu luôn kề cạnh. Hạnh phúc luôn ở đó, trước mắt chúng ta trong những điều tưởng chừng như tủn mụn, nhỏ nhặt nhất. Khi ta biết nhìn đời bằng lăng kính yêu thương, tích cực, những mầm non hạnh phúc sẽ cựa mình lộ diện.
Một trong những cách gần nhất để ta tiệm cận đến hạnh phúc là sống thành thật với bản thể. Thành thật với những cảm xúc đang cựa quậy trong lồng ngực, thành thật với những hoài bão khao khát được chắp cánh, thành thật với cả những sở trường và sở đoản của bản thân. Chỉ khi ấy ta mới thực sự là chính mình, và hạnh phúc với con người thật nhất của chính mình như cách mà chị Phạm Thị Huệ, nữ bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS, đã dám công khai thân phận. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha, chế giễu, chị vẫn thành thật với chính bản thân mình, không che giấu và biến điều đó thành động lực để chị trở thành trưởng nhóm tư vấn phòng chống HIV/AIDS. Có những giây phút chị sợ hãi, đau đớn, buồn bã, nhưng chị không để những xúc cảm ấy đánh gục, chị thành thật để đối diện với nó, giải tỏa nó bằng một lí tưởng sống đầy tích cực. Và mỗi khi nhận được lời tâm sự và an ủi từ những người xung quanh, trái tim chị càng hạnh phúc.
Hạnh phúc vốn dĩ rất gần gũi và thân thuộc, chỉ cần chúng ta lắng nghe một chút, để tâm một chút, trải nghiệm và cảm nhận bằng cả con tim, khối óc những thứ xung quanh ta là hạnh phúc đã hiện diện rồi. Có những người tìm kiếm cảm giác thỏa mãn bằng những cách thức tiêu cực, sa đọa. Đừng truy tìm những thứ hào nhoáng giả danh “hạnh phúc”, niềm hân hoan thật sự chỉ hiện hữu ở những điều chân thật nhất.
Đề số 3: Viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vấn đề: sống không định hướng.
BÀI LÀM
Oliver Wendell Holmes từng chia sẻ: “Thứ quan trọng nhất trên thế giới không phải là ta đang đứng ở đâu, mà là ta đang hướng về đâu”. Mục đích sống chính là những viên gạch đầu tiên xây đắp nên hành trình cuộc đời của mỗi người. Nhưng đáng buồn thay khi việc sống không định hướng đang dần dần trở thành phong cách sống mới của xã hội hiện đại.
Sống không định hướng là khi ta không biết mình muốn gì, không có mục tiêu, lí tưởng sống. Khi ấy ta chỉ đang đơn thuần là tồn tại. Cách sống ấy thường xuất hiện khi ta không có đủ sự thấu hiểu bản thân, tâm lý hài lòng và sợ bước ra khỏi “cái kén” an toàn của mình. Cá nhân tôi, sống không định hướng chính là một trong những cách nhanh nhất để ta hủy hoại sự tồn tại đầy giá trị của mình.
Tôi rất tâm đắc với câu nói của Hegel: “Cuộc sống chỉ có giá trị khi có thứ gì đó đáng giá làm mục tiêu”. Còn gì đáng buồn hơn khi ta sống không định hướng. Còn gì đau đớn hơn khi sự sống xinh đẹp này đang dần hoài phí. Không có mục tiêu để hướng đến, làm sao ta có động lực để tiến về phía trước. Mục đích sống sẽ cho ta biết mình muốn gì, cần gì, và học cách hoàn thiện bản thân mình hơn. Không chỉ vậy, sống không định hướng khiến ta chỉ biết đi theo lối mòn có sẵn, chẳng tự tìm lấy con đường của riêng mình. Nếu sống lênh đênh vô định, làm sao Lebedev dám bước ra khỏi vùng an toàn của gia đình doanh nhân giàu có để thực hiện ước mơ của riêng mình? Ông ý thức rất rõ về mục tiêu nghiên cứu vật lí của mình và nỗ lực không ngừng nghỉ để từng bước chinh phục ước mơ ấy. Những thành công vang dội ngày hôm nay chính là minh chứng hùng hồn nhất cho một phong cách sống kiên định của nhà vật lí đại tài.
Một cuộc sống lười nhác là một cuộc sống chết. Và người sống không định hướng như một mảnh đất tươi tốt nhưng không được cày xới, chăm bón và dần trở nên khô cằn. Sống không mục đích sẽ làm cho con người trở nên bị động trước hoàn cảnh, dễ bị lạc lối, cám dỗ. Bức tranh cuộc sống của ta cũng từ đó chỉ đơn điệu những gam màu trung tính. Và sẽ rất tai hại khi lối sống này dần trở nên phổ biến. Sẽ ra sao nếu xã hội chỉ là những người sống vô tư lự, không biết hoạch định cuộc đời riêng mà chỉ tồn tại cho qua thời gian? Liệu sự sống có tiếp tục sinh sôi và phát triển khi con người không còn khao khát đóng góp, không còn ý chí vươn lên làm giàu sự sống của mình?
Bức tranh đời sống sẽ trở nên ảm đạm nếu chúng ta tồn tại mà không hiểu rõ những gì mình cần, những khao khát và định hướng tương lai. Dẫu vậy, con người là một sinh vật xã hội, và chúng ta luôn bị chi phối từ hoàn cảnh khách quan nên những khoảng vô định trong hành trình sống vốn là điều khó tránh khỏi. Nhưng sẽ thật đáng tránh nếu ta biến vô định thành phương châm sống. Dù cuộc đời là một bộ phim luôn bất ngờ và không thể đoán trước, nhưng ta vẫn có thể hoạch định cuộc sống của mình bằng nấc thang đầu tiên: thấu hiểu bản thân. Giữa cuộc sống hỗn tạp xô bồ, hãy dành cho bản thân một vài phút để lắng nghe tiếng nói thẳm sâu trong nội tâm, để thấu cảm những ước mong của chính mình.
“Điều lớn lao nhất trên thế gian này không phải là nơi ta đứng mà là hướng ta đi” (Johann Wolfgang von Goethe). Sống không định hướng sẽ xói mòn sự sống đầy tiềm năng của ta. Và tôi mong rằng, trong khoang thuyền của riêng mình, mỗi chúng ta sẽ có một tấm bản đồ chỉ dẫn được vẽ nên bởi chính trái tim và khối óc của bản thân mình.
Đề số 4: Viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa.
BÀI LÀM
“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” - đầu tựa một quyển sách self-help khiến tôi trăn trở. Có người cho rằng đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong quãng đời tồn tại, có kẻ lại hạ giá tuổi xuân và lãng quên nó giữa bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền. Và những khi tôi thẫn thờ nhìn những dòng người hối hả trên đường phố, lòng tôi lại trăn trở suy tư về phương cách để tuổi trẻ được đong đầy giá trị.
Tuổi trẻ là lúc ta có nhiều thời gian để trải nghiệm và thử thách chính mình. Tuổi trẻ là khi trong ta dạt dào bao sinh khí với những khát khao, hoài bão khám phá thế giới. Đó là quãng thời gian quý giá một đi không trở lại. Và ắt hẳn không ai lại muốn tuổi thanh xuân ấy lại trôi qua vô nghĩa trong sự lười nhác, vô định. Bản thân tôi luôn tâm niệm rằng, khám phá bản thân và xây dựng mục tiêu, ước mơ chính là cách để tôi biến mỗi ngày tuổi trẻ trở nên đầy ý nghĩa.
Khám phá bản thân là quá trình nhận dạng bản thân. Đó là lúc ta học cách quan sát và lắng nghe tiếng nói nội tâm thẳm sâu của mình, để biết được giá trị, sở thích, sở trường, sở đoản của chính ta. Hiểu được chính mình chính là nấc thang đầu tiên trong quá trình tạo lập cuộc sống mà ta mong muốn. Tuổi trẻ vẫn còn đó những chông chênh vô định, học cách định dạng chính mình sẽ chính là chiếc la bàn hữu hiệu nhất để chúng ta định hướng con thuyền số phận của mình giữa trùng trùng ngã rẽ.
“Tuổi trẻ không có lý tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời” (Belinsky). Tuổi trẻ sẽ đáng giá nếu chúng ta có ước mơ, có hoài bão và hết lòng theo đuổi mục tiêu của mình. Mang trong mình nhiệt huyết của tuổi xuân thì, sao ta lại chần chừ mà không thử sống thật trọn vẹn, không trải nghiệm và va vấp thật nhiều. Tuổi trẻ cho ta có một đôi chân sẵn sàng cất bước chinh phục, một trái tim nhiệt huyết, gan lỳ, dám đánh đổi và vượt thoát khỏi vùng an toàn của chính mình. Đó là cách mà nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã biến thanh xuân của mình trở nên vô giá. Vì cô dám ước mơ, dám theo đuổi một mục tiêu, một khát vọng tưởng như là xa vời. Không ai nghĩ rằng một cô gái như Nhi lại có thể mang về đai vô địch WBO Thế giới đầu tiên trong lịch sử boxing Việt Nam. Nhờ tôi tin rằng, chặng đường ấy dù gian nan và nhọc nhằn, nhưng Thu Nhi sẽ không phải hối tiếc.
Tuổi trẻ là khúc nhạc mà ai cũng mong được tấu lên đầy kiêu hãnh trong bản hòa ca của cuộc đời sinh sắc. Học cách định dạng chính mình và sống có đam mê, hoài bão sẽ là phương cách để thời gian tươi đẹp ấy không trôi vào lãng quên hoài phí. Thật đáng buồn thay khi bên cạnh những cá nhân sống tràn đầy với thanh xuân rực rỡ, vẫn có những kẻ sống hời hợt, mê mải trong những thị hiếu tầm thường mà vô trách nhiệm với thanh xuân của mình. Tôi hiểu rằng trên hành trình tuổi trẻ với những nông nổi, những vấp ngã sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ta có thể bắt đầu từ những bước đi nhỏ, từ việc dành thời gian để lắng nghe chính mình đến khám phá bản thể, định dạng những sở trường sở đoản và những mong mỏi, khát vọng.
Mỗi chúng ta sở hữu trong tay chiếc chìa khóa của tuổi trẻ, và cách cửa đầy hứa hẹn ấy sẽ mở ra khi ta có cho mình một cách sống tích cực và không ngừng hoàn thiện bản thân. Vì bạn có trong tay cả tuổi trẻ mà, hãy dám đứng dậy và bước đi, hãy ngưng sợ hãi và theo đuổi đam mê. Thấu hiểu bản thân và kiên định vì mục tiêu của mình, để khi nhìn lại, ta đã có một thanh xuân rực rỡ.
Tham khảo những bài viết liên quan:
Cách làm giàu ý phần phản đề và mở rộng vấn đề bài Nghị luận xã hội
Những lưu ý khi làm bài Nghị luận xã hội theo chương trình mới
Những dẫn chứng Nghị luận xã hội tiêu biểu