Khi mình mua được một món đồ với giá cả phải chăng và sử dụng nó hiệu quả, cảm giác rất sung sướng. Nhưng khi mình vội vã mua một món đồ chỉ vì mình thích rồi bỏ xó đóng bụi sau đó, mình sẽ thấy hối tiếc và thấy bản thân ngu ngốc.
***
Để kỷ niệm một ngày tiền không phải chạy ra khỏi ví, hôm nay mình quyết định chia sẻ về chủ đề mua sắm. Shopping có lẽ là thú vui của tất cả chị em phụ nữ chúng mình, khi vui cũng đi mua sắm mà khi buồn lại càng phải mua sắm để giải sầu. Có khi ngẫu hứng sắm một món đồ mình thích mà không cần phải có lý do gì cả. Điều này có thể khiến chúng ta viêm màng túi khi chưa hết tháng và lại lay lắt chờ đợi đến ngày nhận lương. Nếu bạn dư dả về tài chính thì bạn có thể mua sắm thoải mái. Còn nếu bạn chỉ là một người bình thường, làm công ăn lương, thu nhập trung bình thì có lẽ podcast này sẽ có ích cho bạn trong việc điều chỉnh thói quen mua sắm của mình.
Cái gì muốn phải có cho bằng được
Mình là một người theo chủ nghĩa tiêu thụ và có lẽ sẽ chẳng bao giờ sống tối giản được. Nhưng sau nhiều lần stress khi dọn nhà, bất lực trước đống đồ bỏ thì thương mà vương thì tội, mình nghĩ đã đến lúc mình phải xem lại thói quen mua sắm của mình. Có rất nhiều món đồ mình đã mua mà hiện tại không còn dùng đến, tần suất mình sử dụng nó cũng không nhiều, không xứng đáng với với số tiền mình đã bỏ ra.
Tính cách của mình là muốn làm gì phải làm ngay và luôn, nhưng tệ hại thay, nó ảnh hưởng cả đến thói quen mua sắm. Mình muốn cái gì là phải có cho bằng được, càng nhanh càng tốt. Tất nhiên thứ mình muốn cũng không phải cỡ một căn nhà hay một chiếc xe. Ở đây mình chỉ nói đến những thứ nằm trong tầm tay với, những thứ mình có khả năng chi trả được. Nếu muốn có một món đồ gì đó mà chưa có, mình sẽ bứt rứt không yên, thậm chí mình từng vay tiền để có thể sở hữu ngay lập tức món đồ mình muốn.

Bạn mình bảo cái gì có thể giải quyết được bằng tiền thì hãy dùng tiền để giải quyết, để đầu óc còn làm việc khác. Đúng là chừng nào chưa chịu chi tiền ra để sở hữu món đồ mình muốn, mình không thể tập trung vào làm gì khác được. Nhưng chính cái tính muốn là phải có, dùng tiền để thỏa mãn bản thân sẽ dẫn đến việc đồ đạc thừa mứa không cần thiết, ngày càng chật nhà và nếu cộng lại, mình đã chi ra một số tiền không hề nhỏ.
Mình không biết với người khác thế nào nhưng với mình tính sở hữu có lẽ bắt nguồn từ tuổi thơ thiếu thốn. Mình thậm chí không có nổi một con búp bê trong suốt thời thơ ấu của mình. Mình chỉ có thể chơi ké của bạn, hoặc tự làm búp bê bằng gỗ, dùng vỏ kẹo quấn làm quần áo. Hoặc chơi những con búp bê mà đứa trẻ khác đem bỏ, đã bị cụt tay, cụt chân. Nhà mình không khó khăn đến nỗi không thể mua nổi một con búp bê. Chỉ là mẹ mình cho rằng búp bê là vật dụng không cần thiết nên không mua cho mình. Sau này khi đã lớn, mình đã tự mua mấy con búp bê về để trong phòng. Nhưng không bao giờ mình tìm lại được cảm giác háo hức như ngày bé.
Những đứa trẻ như mình, hoặc sẽ sống rất tiết kiệm, hoặc sẽ luôn bù đắp cho bản thân khi có điều kiện. Mình học tất cả những gì mình muốn, mình mua tất cả những thứ mình thích, như một cách tự bù đắp cho bản thân mình. Mình vẫn như một đứa trẻ, muốn có bằng được món đồ chơi mình thích nhưng khi có được thì lại vứt xó. Và rồi mình hiểu ra rằng, không phải thứ gì cũng có thể bù đắp được.

Quan niệm “sống cho hiện tại”
Mình đã từng nghĩ rằng không ai biết ngày mai sẽ ra sao nên phải sống hết mình cho hiện tại, thích ăn món gì là phải ăn món đó, thích mua thứ gì là phải sắm thứ đó, vì biết đâu bất ngờ mình không còn cơ hội nữa. Bên cạnh đó, mình chưa phải chăm lo cho gia đình, con cái nên được tự do thoải mái hơn, điều này khiến mình khó khăn trong việc giữ tiền. Mình từng nghe một người em chia sẻ rằng em ấy mong muốn kết hôn để có người giúp mình quản lý tài chính, vì độc thân thường chi tiêu mất kiểm soát, không có kế hoạch lâu dài. Bạn thân mình cũng cho biết vợ chồng bạn ấy chỉ bắt đầu để dành tiền tiết kiệm kể từ khi có con.
Mình nhận ra, người ta chi tiêu mất kiểm soát khi không có nhiều trách nhiệm và ràng buộc và khi không có một kế hoạch chi tiêu dài hạn. Một vài năm sau khi đi làm, mình vẫn không tiết kiệm được đồng nào. Mình viện cớ là đang phải vừa làm vừa học, rồi lương mình chưa cao. Biến cố gia đình xảy đến khiến mình nhận ra nếu không có một khoản tiết kiệm thì mình sẽ rất dễ lâm vào cảnh khó khăn. Ngoài việc tìm cách gia tăng thu nhập, mình cũng nghiêm túc nghĩ đến chuyện phải tiết kiệm. Hóa ra việc tiêu ít đi không khó khăn như mình tưởng. Bạn có nhiều sẽ tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Khi bạn không có nhiều tiền, bạn không phát sinh quá nhiều nhu cầu. Nhưng khi bạn có tiền, các nhu cầu sẽ tự xuất hiện, giãn nở ra để vừa với số tiền mà bạn có.
Sống cho hiện tại không có nghĩa là bạn chi tiền một cách thiếu cân nhắc. Việc phải trích ra một khoản tiết kiệm sẽ khiến bạn phải kìm hãm cơn thèm mua sắm lại. Nhưng bù lại bạn sẽ không phải lao đao khi bản thân hay gia đình gặp biến cố. Ít ra khi cần đến tiền cho một việc gì đó bạn cũng có sẵn một khoản mà không phảy chạy vạy ngược xuôi vay mượn. Cảm giác phải mượn nợ thật không dễ chịu chút nào. Sự yên tâm về một khoản tài chính dự phòng sẽ giúp bạn vững vàng qua những sóng gió cuộc đời.

Hãy mua thứ bạn cần, đừng mua thứ bạn muốn
Warren Buffet từng nói: “Nếu bạn mua những thứ bạn không cần, bạn sẽ sớm phải bán những thứ mình cần”. Nhiều người cho rằng giới siêu giàu đi mua đồ không cần phải xem mác giá, đó cũng là mơ ước của nhiều người. Người giàu chắc cũng có người này người khác nhưng nói người giàu mua đồ không cần xem giá là không đúng. Họ bỏ ra một đồng cũng phải suy nghĩ thấu đáo, chính nhờ việc sử dụng đồng tiền hợp lý mà họ trở nên giàu có.
Mình từng là một người mua sắm rất cảm tính, khiến tài chính hao hụt cho những món đồ thừa thãi trong nhà. Nhưng lần đầu tiên mình từ chối mua một món đồ mình muốn, mình thích mà vẫn cảm thấy vui vẻ. Mình coi đó như một sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của mình. Dù có mua được món đồ mình thích hay không thì mình vẫn cảm thấy vui vẻ. Nếu mua thì vui vì có đồ mới dùng. Còn không mua thì vui vì đã bảo toàn được ví tiền.
Tất nhiên đến tận bây giờ mình vẫn là kiểu người muốn gì phải có bằng được, không có thì bứt rứt không yên nhưng mình cũng đã biết cách ra quyết định để đảm bảo mình ít hối hận nhất có thể. Chẳng hạn như gần đây mình muốn có một chiếc iPad pro. Mình chưa từng sử dụng ipad, lý do bởi vì chưa thấy nó cần thiết cho công việc của mình. Mình sử dụng laptop, một chiếc smartphone vừa tầm và không có nhu cầu gì thêm.
Tuy nhiên dạo gần đây mình đang học vẽ điện tử và cực kỳ thích thú với việc vẽ bằng Apple pencil trên iPad. Đó là lý do mình muốn sở hữu và trải nghiệm. Nhưng combo trải nghiệm này lại khá đắt đỏ, thậm chí còn đắt hơn cả chiếc laptop và điện thoại của mình cộng lại. Ngoài việc vẽ ra mình cũng chưa có kế hoạch công việc nào khác khi sử dụng iPad. Cộng thêm việc chi phí đắt đỏ là lý do khiến mình phải cân nhắc thật kỹ. Trước khi xuống tiền mình đã trải qua 3 vòng, vòng thứ nhất lập bảng Excel để ra quyết định, ở đây mình list ra những thứ được và mất khi mua hoặc không mua iPad rồi tính điểm. Kết quả cho thấy mình có thể mua iPad vì sẽ được nhiều hơn mất. Vòng thứ 2, mình lắng nghe ý kiến từ những người am hiểu và những người mình tin tưởng. Chẳng hạn, mình hỏi một artist kiêm designer về trải nghiệm của họ khi dùng iPad. Một người bạn thân đã hỏi mình lý do khiến mình muốn mua iPad và hỏi đó là thứ mình muốn hay thứ mình cần. Bạn ấy khuyên mình nên ưu tiên cho thứ mình cần trước. Vòng cuối cùng sẽ quyết định việc mình có xuống tiền hay không. Đó là đến cửa hàng để trải nghiệm trực tiếp. Sau khi trải nghiệm, mình đã quyết định không mua chiếc iPad đó. Đó là chiếc iPad cũ nhưng giá bán vẫn khá cao. Và bằng việc trải nghiệm trực tiếp, dù không mua được đồ, mình cũng không còn cảm thấy bứt rứt. Đây là lần đầu tiên mình cân bằng được giữa cảm xúc và lý tính trước khi đưa ra quyết định.

Mình không chọn chiếc iPad đó không có nghĩa là mình sẽ không mua iPad sau này. Mình sẽ mua khi đã có kế hoạch sử dụng nó rõ ràng để phục vụ công việc. Và nếu mua, mình chắc chắn sẽ mua một món đồ mới. Trải nghiệm trên giúp mình càng củng cố thêm quan điểm rằng đồ điện tử vẫn nên mua đồ mới, trừ khi được cho, tặng.
Thế nên trước khi mua món đồ gì, đặc biệt là những món đồ có giá trị cao, bạn càng phải thẩm định một cách kỹ lưỡng. Bạn thẩm định kỹ bao nhiêu thì bạn càng đỡ đau ví bấy nhiêu vì đồng tiền đi liền khúc ruột, nhất là ở thời kỳ dịch bệnh khó khăn như hiện tại. Cái gì tiết kiệm được thì hãy tiết kiệm.
Tuy nhiên, đừng chỉ chăm chăm tiết kiệm, hãy đầu tư thông minh. Đừng tiếc tiền cho những thứ giúp tăng giá trị cuộc sống của bạn. Chẳng hạn như với những vật dụng có tần suất sử dụng nhiều và thường xuyên, bạn nên mua một món đồ tốt, dù có thể giá nó cao hơn những món đồ khác, đó mới là tiết kiệm thông minh. Bởi vì bạn dùng đồ rẻ tiền, nó rất nhanh hỏng và bạn sẽ phải sửa hoặc mua mới.
Mình từng mua tủ lạnh mini vì mình sống một mình, nhu cầu không nhiều, và mình muốn tiết kiệm điện. Nhưng tủ lạnh mini thường không kèm những chức năng như khử mùi, chống đóng tuyết nên mỗi lần vệ sinh tủ rất vất vả và đồ ăn tươi sống cũng không được bảo quản tốt. Sau này mình đã đổi sang một chiếc tủ lạnh lớn hơn và cảm thấy rất hài lòng, mà số tiền điện cũng tăng không đáng kể.

Mình cũng từng nghĩ việc bỏ ra số tiền tương đương với cả tháng lương để mua một chiếc điện thoại là lãng phí không cần thiết. Đó là thời điểm mình mới đi làm, chưa có nhiều tiền. Tuy nhiên trải nghiệm của bạn là rất quan trọng, việc dùng một chiếc điện thoại bị đơ, giật lag sau một thời gian đã khiến mình ác cảm hẳn với thương hiệu điện thoại ấy. Trong khi thực tế mình đã có thể có những trải nghiệm tốt hơn khi mua một mẫu điện thoại ở phân khúc cao hơn. Sau này mình chuyển sang dùng những chiếc điện thoại ở phân khúc tầm trung và cảm thấy hài lòng khi nó đáp ứng đủ những gì mình cần.
Khi mình mua được một món đồ với giá cả phải chăng và sử dụng nó hiệu quả, cảm giác rất sung sướng. Nhưng khi mình vội vã mua một món đồ chỉ vì mình thích rồi bỏ xó đóng bụi sau đó, mình sẽ thấy hối tiếc và thấy bản thân ngu ngốc. Hiện tại mình có thể kể ra một số món đồ mình dùng lâu dài và thấy rất hài lòng như chiếc laptop, chiếc điện thoại mình đang sử dụng, chiếc đèn pixar, mình thích đến nỗi đã mua hẳn hai chiếc, một chiếc kẹp bàn làm việc, một chiếc để ở đầu giường để đọc sách, hay chiếc loa kéo bluetooth mà mình dùng để nghe podcast khi làm việc nhà, mình mua trên shopee giá rất rẻ nhưng dùng rất bền và tốt.
Tất nhiên nếu bạn có tiền thì có thể thoải mái hơn trong việc trải nghiệm mua sắm. Còn nếu bạn chưa dư giả, đừng chi quá mức so với khả năng chi trả của bạn. Với những món đồ bạn thích mà chưa thật sự cần thiết lắm, bạn có thể coi nó như một phần thưởng, một món quà mà bạn sẽ tự thưởng cho bản thân khi đạt được mục tiêu nào đó. Mỗi khi đến ngày lễ, công ty mình thường thưởng tiền cho nhân viên và mình thường lấy tiền đó mua quà cho chính mình.
Còn bạn, bạn có kinh nghiệm gì trong việc quản lý chi tiêu hiệu quả không?
I Am NGA
Đọc thêm: Vì sao chúng ta dễ nản khi nhắc đến HỌC?
Nghe các podcast của Nga tại đây.
Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.