Lệch vách ngăn mũi
Đây có thể là nguyên nhân tại sao bị nghẹt mũi 1 bên kéo dài ở một số trường hợp. Vách phân chia 2 lỗ mũi không thẳng do bẩm sinh, lão hóa, sưng và kích ứng khoang mũi hay xoang hoặc chấn thương khiến 1 bên đường thở nhỏ hơn. Lệch vách ngăn mũi nghiêm trọng có thể chặn 1 bên mũi và làm giảm luồng không khí, gây ra nghẹt mũi 1 bên. Thậm chí, luồng không khí qua mũi làm khô mũi, góp phần gây đóng vảy và chảy máu cam ở một số người. Bệnh nhân còn gặp triệu chứng đau mặt ở vùng mũi, thở khò khè, mũi luân phiên bị tắc giữa hai bên theo chu kỳ, cảm thấy dễ chịu hơn nếu nằm nghiêng về một bên hơn là bên còn lại hoặc nằm thẳng.
Bạn cần đi khám nếu bị nghẹt mũi 1 bên kéo dài, chảy máu cam thường xuyên và viêm xoang tái đi tái lại liên tục. Cách chữa nghẹt mũi 1 bên lúc này là dùng thuốc để giảm sưng và phẫu thuật để sửa lại vách mũi bị lệch.
Viêm và polyp mũi
Những người bị viêm mũi mạn tính và polyp mũi ở 1 bên gây ra tắc nghẽn, khiến 1 bên mũi bị nghẹt.
Polyp mũi là những khối u thịt lành tính, không phải ung thư, phát triển ở bên trong mũi hoặc xoang. Polyp giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng. Khi kích thước đủ lớn, ngoài gây ra nghẹt ở 1 hoặc cả 2 bên mũi, nó còn gây đau đầu, giảm khứu giác, vị giác và tăng áp lực cho xoang. Triệu chứng của polyp mũi khá giống với cảm cúm, dị ứng và cảm lạnh thông thường nên nhiều người chủ quan không đi khám. Dù tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng polyp mũi đủ lớn sẽ chặn dòng chảy bình thường của chất nhầy, khiến chúng tích tụ và gây nhiễm trùng, làm tăng nặng các vấn đề của xoang.
Nếu các dấu hiệu nghi ngờ polyp mũi không biến mất, bạn nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân và mức độ tiến triển của bệnh nếu có.
Bác sĩ sẽ thu nhỏ polyp bằng cách hướng dẫn bạn uống hay nhỏ thuốc steroid. Cũng có trường hợp phải phẫu thuật để cắt polyp mũi, nhưng phần lớn sẽ bị tái phát sau đó. Vì vậy, sau tiểu phẫu, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc xịt mũi steroid hằng ngày để phòng ngừa.
Nghẹt mũi 1 bên do viêm xoang
Xoang là những khoảng nhỏ chứa đầy không khí bên trong xương gò má và trán, thông với mũi. Viêm tại xoang có thể gây nghẹt mũi 1 bên và đau ở vùng xoang bị ảnh hưởng. Cơn đau thường nặng hơn khi bạn cúi xuống, đôi khi kèm theo chóng mặt và sốt.