Tôi đọc “Bút máu” khi đang học ở Đại học Huế. Lúc bấy giờ ngọn triều yêu nước của phong trào sinh viên học sinh đã cuốn tôi đi. Một ngày mùa hè, trở về trong căn nhà cũ của cha mẹ tôi ở Hội An, đang đêm, tôi nằm đọc “Bút máu”, và rồi khi đặt cuốn sách đã gấp lại trên ngực, nhìn ra bên ngoài thì trời đã sáng.
Câu chuyện ấy là một bài học, là một nhắc nhở, một lời mời gọi lên đường. Tôi đã lên đường, nhưng tác phẩm của Vũ Hạnh như một thúc giục, một sẻ chia và một chung cùng.
Cái ẩn dụ trong tác phẩm mang tính cách giáo dục, tựa như một thứ luận đề văn chương, nhưng lại là câu chuyện làm người, là một thứ đạo lý mang tính nhân loại. Cái ẩn dụ ấy cũng đồng thời như một thứ nhân quả báo đền, chẳng ai có thể thoát khỏi, nếu không biết quy hướng cuộc đời theo những lối đi phong quang, mà cứ mù quáng, tham lam và nuôi dưỡng dục vọng để không ngừng bước vào bóng tối của thế quyền.
Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15/7/1926 tại Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam. Ông qua đời ngày 15/8/2021, thọ 96 tuổi.
Nhưng nếu chỉ thuần túy là một bài học đạo đức về cách sống và thái độ ở đời thì chắc hẳn tác phẩm Bút máu không thể có giá trị lớn về mặt nhân sinh như vậy, trong tôi.
Vượt lên ý nghĩa của một luận đề văn chương, đó còn là tính khái quát cao của cuộc sống con người, của lương tri nhân loại, mà ý nghĩa của nó có thể tồn tại và có giá trị cho mọi thời đại, mọi con người, dù đang ở dưới bất cứ bầu trời nào. Chính đó mới là cái ý nghĩa đích thực của văn chương Vũ Hạnh. Chính đó mới là dấu ấn sâu sắc và quan trong nhất mà nhà văn đồng hương đáng kính này đã để lại trong tôi.
Tôi còn yêu quý ngòi bút của nhà văn vốn sinh ra ở vùng đất cát Thăng Bình này vì những bài nhận định văn học xuất sắc của ông, mà “Đọc lại Truyện Kiều” là một tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp nghiên cứu phê bình văn học của Vũ Hạnh. Ngoài cách nhìn rất mới, Vũ Hạnh còn cho người đọc được sống với một thứ ngôn ngữ tế nhị, giàu hình tượng và đầy chất dí dỏm mang đậm dấu ấn dân gian nhưng cũng không thiếu cái cười bác học.
Nói về ngôn ngữ phê bình của Vũ Hạnh, tôi không bao giờ quên được, dù đã gần nửa thế kỷ qua đi, đó là nhận xét của ông, với bút danh “cô Phương Thảo”, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Bách Khoa, khi nhận định về cuốn “Bơ vơ” của Minh Đức Hoài Trinh; trong bài viết ấy, ông đã hạ một câu như thế này (tôi nhớ gần như nguyên văn, dù bao nhiêu năm tháng đã qua): “Qua “Bơ vơ”, người ta thấy Minh Đức Hoài Trinh là một tác giả khiêm nhường; cô khiêm nhường đến độ không để tài năng lộ ra bất cứ một chỗ nào trong tác phẩm”. Tưởng không có cách viết nào ngỡ như hiền lành mà lại “độc” đến như vậy !
Tôi còn yêu Vũ Hạnh vì “Người Việt cao quý”.
Đọc “Người Việt cao quý”, bất cứ ai trong chúng ta cũng cảm thấy tự hào về dân tộc, cũng cảm thấy được kích thích tự hào dân tộc để phải sống cao quý hơn, xứng đáng với bề dày văn hiến của dân tộc Việt Nam, và nhất là sống sao cho không hổ thẹn với ông cha.
Tôi đã yêu Vũ Hạnh như vậy, từ thuở còn đi học. Đó luôn là những ấn tượng tốt đẹp, đáng quý mà văn chương Vũ Hạnh lưu lại ở tuổi thanh xuân, đến giờ vẫn còn sống động trong tôi.