Chuyển phôi là giai đoạn quyết định cuối cùng nhưng rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Khi bước vào giai đoạn này, một trong những quan tâm hàng đầu của các cặp vợ chồng là liệu nên chuyển phôi tươi hay đông lạnh tốt hơn, từ đó để tối ưu hóa tỷ lệ mang thai. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu chi tiết về quyết định chuyển phôi nhé!
Chuyển phôi tươi là gì?
Khi lựa chọn chuyển phôi tươi, quá trình này thường diễn ra sau 3 đến 5 ngày kể từ khi thực hiện kích thích buồng trứng và chọc hút noãn. Lúc này, phôi tức là hợp tử được tạo thành từ sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng, không trải qua bước đông lạnh.
Chuyển phôi trữ là gì?
Chuyển phôi trữ là quá trình mà phôi đã trải qua kỹ thuật đông lạnh và được lưu trữ trong môi trường nitơ lỏng ở nhiệt độ cực thấp, thường là -196 độ C. Quá trình chuyển phôi trữ là một lựa chọn khi không thực hiện quá trình kích thích buồng trứng và chọc hút noãn. Thay vào đó, người phụ nữ sẽ được chuẩn bị niêm mạc tử cung một cách kỹ lưỡng để đón nhận và chuyển phôi vào buồng tử cung sau khi phôi được rã đông.
Hiện nay, tỷ lệ phôi sống sau quá trình rã đông thường đạt trên 99%. Mọi phôi sẽ được chuyên viên phôi học đánh giá chất lượng một cách kỹ lưỡng trước khi thực hiện quá trình đông lạnh, đảm bảo rằng hầu hết các phôi duy trì chất lượng của mình sau khi rã đông. Đồng thời, sau khi rã đông, phôi cũng sẽ được đánh giá lại một lần nữa trước khi được chuyển vào buồng tử cung của bệnh nhân.
Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp đông lạnh phôi là một sự an tâm cho các cặp vợ chồng trong quá trình điều trị thụ tinh ống nghiệm.
Chuyển phôi tươi hay đông lạnh tốt hơn?
Trước đây, thực hiện chuyển phôi tươi thường là lựa chọn phổ biến do kỹ thuật đông lạnh phôi không đạt hiệu suất tốt. Điều này gây ra nguy cơ quá kích buồng trứng cao cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với sự phát triển của kỹ thuật đông lạnh phôi, quan điểm về hiệu quả giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ đang trở nên ngang bằng, vì vậy không ít người đặt ra câu hỏi "Chuyển phôi tươi hay đông lạnh tốt hơn?".
Nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về việc so sánh hiệu quả giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ đã được tiến hành bởi BS Vương Thị Ngọc Lan và đồng nghiệp tại bệnh viện Mỹ Đức vào năm 2018. Kết quả của nghiên cứu này đã chứng minh rằng chuyển phôi trữ có hiệu quả tương đương với chuyển phôi tươi đối với nhóm bệnh nhân không mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Điều này đã tạo ra một sự đột phá và ảnh hưởng đáng kể đến phương pháp thụ tinh ống nghiệm trên toàn cầu.
Do đó, không còn áp đặt chuyển phôi trữ là bắt buộc cho mọi trường hợp, và cũng không nhất thiết phải thực hiện chuyển phôi tươi đối với tất cả bệnh nhân. Quyết định giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ ngày càng được đề xuất dựa trên đặc điểm cụ thể của từng bệnh nhân và từng chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và bác sĩ sẽ tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.
Vậy khi nào thì bạn được chuyển phôi?
Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định cho phép chuyển phôi khi bạn đáp ứng các tiêu chí sau:
- Nội mạc tử cung có độ dày ít nhất là 7mm và có mật độ đều.
- Bạn đã tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ.
- Tình trạng sức khỏe của bạn đang ổn định và không có dấu hiệu bất thường như sốt, đau bụng hay ra huyết.
- Quan trọng nhất là bạn đã sẵn sàng về mặt tâm lý và đã sắp xếp công việc một cách thuận tiện.
Trong quá trình theo dõi và điều trị, nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề hay khó khăn nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị của bạn để được hỗ trợ và tư vấn.
Khi nào nên đông lạnh phôi và thực hiện kỹ thuật chuyển phôi trữ sau đó?
Nếu bạn trải qua cảm giác mệt mỏi, sốt, và đau bụng kéo dài sau quá trình chọc hút trứng và đồng thời chưa sẵn sàng hoặc không thể sắp xếp được thời gian và công việc để chuyển phôi, có một số trường hợp mà bác sĩ có thể quyết định trữ phôi thay vì chuyển phôi tươi. Đây có thể bao gồm:
- Bác sĩ có nghi ngờ về sự xuất hiện của polyp trong tử cung và cần thực hiện kiểm tra trước khi quyết định chuyển phôi.
- Theo dõi tình trạng tắc nghẽn, viêm ống dẫn trứng và có thể yêu cầu chụp phim tử cung - vòi trứng (HSG) để đánh giá.
- Trường hợp lạc nội mạc tử cung yêu cầu điều trị nội khoa trong vài tháng trước khi có thể xem xét chuyển phôi.
- Chỉ số nội tiết Progesterone vào ngày tiêm mũi rụng trứng cao (P4 > 1.5 ng/ml).
- Thực hiện kỹ thuật sinh thiết phôi để đánh giá chất lượng của phôi.
- Trường hợp có quá nhiều nang trứng phát triển trong quá trình kích thích buồng trứng cũng có thể là một lý do bác sĩ cân nhắc thực hiện trữ phôi để ngăn chặn nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng.
Qua bài viết này, Nhà thuốc Long Châu mong rằng sẽ mang tới cái nhìn rõ nhất về việc lựa chọn chuyển phôi tươi hay đông lạnh tốt hơn. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin và đặt câu hỏi với bác sĩ điều trị sẽ giúp bạn hiểu hơn về lựa chọn phương pháp và phù hợp nhất với tình trạng của bạn.
Xem thêm: Sau khi chọc hút trứng bao lâu thì chuyển phôi?