Coi chừng “đu giá ngọn cây”
Một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh than phiền, dù chưa có thông tin gì rõ ràng và chuyện đầu tư sân bay còn rất xa nhưng những thông tin râm ran thất thiệt đã làm xáo trộn đời sống của bà con ở đây.
Trước đó, Bộ GTVT rà soát 12 vị trí sân bay các địa phương đề xuất để lựa chọn đưa vào dự thảo quy hoạch cảng hàng không toàn quốc, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, hai sân bay được đưa vào quy hoạch là sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và sân bay Biên Hoà (Đồng Nai). Bộ GTVT để ngỏ khả năng đưa vào quy hoạch 8 sân bay. Trong đó có sân bay Tây Ninh đặt tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, cách Tây Ninh 20km.
Khảo sát ở khu vực xã Phước Ninh và trong vùng lân cận ở huyện Dương Minh Châu như xã Phước Minh, Lộc Ninh, Chà Là, Cầu Khởi, Núi Đá… chúng tôi thấy phần lớn người dân địa phương chưa biết nhiều về thông tin này. Khu vực các xã dọc hồ Dầu Tiếng hiếm hoi mới thấy một bảng rao bán đất hoặc môi giới nhà đất.
Bà Viết, chủ một quán ăn cách huyện lỵ Dương Minh Châu khoảng 10km cho biết: “Đất đai nhiều nơi lên xuống chứ ở vùng này không dao động bao nhiêu”. Bà giới thiệu mảnh đất ngang 30m, dài 50m, mặt tiền tỉnh lộ 10m, kêu giá 450 triệu đồng/mét ngang. Đem giá này hỏi những người am hiểu về đất đai ở Tây Ninh, họ nói “giá trên trời”.
Một lãnh đạo tỉnh Tây Ninh (đề nghị không nêu tên) than phiền, trên thực tế một số nơi trong vùng ảnh hưởng của tọa độ của dự án đang đề xuất quy hoạch sân bay, giá đất ruộng rao bán đã tăng lên chục lần. “Đất lúa trước đây chừng 500 - 600 triệu/ha, giờ có nơi xì xầm lên 6-7 tỷ/ha! Điều này rất có hại”, ông nói.
Có hại, theo vị này được hiểu như một lời cảnh báo: “Cứ coi cái cảnh người ta mua bán đất đai dọc cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thì biết. Đẩy giá cho cố giờ ngồi đu ngọn cây”. Giá được đẩy lên cao vẫn có người lao vào mua đầu tư, giờ thì không thể bán cắt lỗ chứ chưa nói chuyện thu hồi vốn.
Giao dịch trầm lắng, giá vẫn trên trời
Ở thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu, nơi có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua, tình hình giao dịch đất đai trầm lắng, dù rằng thời điểm khởi công cao tốc đã cận kề (dự kiến trong năm 2024).
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài khoảng 50km, đi qua huyện Củ Chi (TP.HCM) và hai huyện trên của Tây Ninh, đã xác định vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.
Tại phường An Tịnh (thị xã Trảng Bàng), ông Nguyễn Đông Đức, Phó chủ tịch UBND phường cho biết không có mấy giao dịch đất cát. “Mấy năm trước chộn rộn lắm, nay hết rồi”, ông nói.
Phường An Tịnh có khoảng 2km đường cao tốc đi qua. Đây là phường thuần nông. Theo ông Đông, đất nông nghiệp nơi có cao tốc đi qua Nhà nước sẽ đền bù theo giá Nhà nước, “ai mua đầu cơ sẽ bất lợi”. Ngoài ra, trên phường không có nút giao nào, cho nên nếu mua đất dọc cao tốc chờ cơ hội lên giá, là rất khó.
Anh Phương, một người bán mảnh đất có diện tích 8,75x47m (382,8m2), trong đó có hơn 287m2 thổ cư tại phường An Tịnh - Trảng Bàng, vị trí khu đất nằm trên QL22 cũ, cách dự án cao tốc Mộc Bài khoảng 5 - 6km kêu giá 8,5 tỷ đồng (1,7 tỷ/m ngang). “Trước đây người ta trả tôi 10 tỷ, nay thị trường xuống nên tôi mới rao giá này đó”, anh nói.
Một khu đất khác nằm trên khu phố An Đước, cũng phường An Tịnh có diện tích 8,6x32m thuộc đất trồng cây hàng năm cũng được rao bán với giá 2,2 tỷ. Khu đất này cách khu công nghiệp Trảng Bàng khoảng 2km nhưng lại cách khá xa cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Chị Huỳnh Mai, một cư dân ở khu vực này cho biết, người ta nói giá ở khu vực này đã tăng nhiều so với trước đây, một phần là từ khi huyện Trảng Bàng lên thị xã.
Nhiều miếng đất ruộng cũng được rao với giá khá cao (khoảng 100 triệu/m ngang) dù chưa có đường sá.
Ở Trảng Bàng và Gò Dầu, dù giao dịch không còn sôi động nhưng trên các con đường liên huyện liên xã, bảng rao bán đất vẫn treo đầy cột điện, gốc cây.
Dù vậy các bảng đều mờ cũ, chữ nhòe, không thấy những bảng mới. Ông Mã Anh Tuấn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Trảng Bàng cho biết: “Từ đầu năm đến giờ chẳng ai mua bán đất đai gì đâu”.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cảnh báo: “Những người cả tin mua đất nông nghiệp hy vọng được tiền đền bù cao là rất khó, vì giá đã được Nhà nước quy định. Việc đất nông nghiệp bị thổi giá đang gây ra những khó khăn cho tỉnh khi tiến hành giải toả, đền bù cho người dân. Tuy nhiên, chắc chắn là khi giao dịch mà thiếu thông tin, cứ mua theo đồn đoán thì khả năng thiệt hại sẽ cao”.