Theo bác sĩ nội trú Hồ Phương Thùy - Bệnh viện Da liễu Trung ương, tóc bạc là tình trạng tóc mất sắc tố, chuyển thành màu trắng. Độ tuổi xuất hiện tóc bạc tự nhiên trung bình ở người da trắng, vàng, đen tương ứng là 35, 40 và 45 tuổi. Khoảng 6-23% người 50 tuổi có một nửa mái đầu là tóc bạc.
Tóc bạc sớm là tình trạng tóc bạc trước tuổi 20 ở người da trắng, trước 25 ở người da vàng và trước 30 tuổi ở người da đen.
Tóc bạc sớm không phải là bệnh, cũng không là dấu hiệu cảnh báo máu xấu hay bệnh lý. Cơ chế bệnh sinh của tóc bạc sớm chưa rõ ràng, một số tác giả cho rằng có thể liên quan đến rối loạn lão hóa sớm, bệnh tự miễn, cơ địa.
Tóc bạc thường bắt đầu ở vùng thái dương, vùng đỉnh, tiến triển từ từ ở những vùng còn lại. Râu và lông cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng thường muộn hơn. Tóc bạc đột ngột sau một đêm có thể là một giai đoạn của rụng tóc thể mảng, gọi là canities subita.
Một số hội chứng bẩm sinh có liên quan đến tóc bạc sớm như Brook, Werner, Rothmund-Thomson, Cri-du-chat, Down… Người có học thức cao, mắc bệnh mạn tính, béo phì kèm theo thường bạc tóc sớm. Đặc biệt, gia đình có ông bà, bố mẹ tóc bạc sớm thì con, cháu cũng có nguy cơ này.
Một nghiên cứu trên gần 6.500 người, trong đó có hơn 1.600 người tóc bạc sớm cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa tiền sử gia đình có người tóc bạc sớm và béo phì đến tỉ lệ tóc bạc sớm và mức độ nặng của tóc bạc.
Những người nghiện rượu, chế độ ăn thiếu vitamin B12, vitamin D3, biotin, đồng, kẽm, selenium, sắt…, người có hiện tượng rụng tóc hay thường căng thẳng, hút thuốc... dễ bạc tóc sớm.
Một số bệnh liên quan chứng tóc bạc sớm như loãng xương hay mạch vành. Trong đó, một nghiên cứu báo cáo ở người tóc bạc sớm cho thấy tỷ lệ loãng xương cao hơn 4 lần so với đối tượng khác. Người tóc bạc sớm trước 20 tuổi thường có mật độ xương thấp hơn. Vì thế, cần tầm soát loãng xương cho cả gia đình có người tóc bạc sớm.