Sáng tạo những bức tranh bằng bút bi
Theo anh Luận chia sẻ, từ hồi học lớp 3, khi đọc các quyển truyện tranh, xem các bộ phim hoạt hình, anh đã miệt mài tập vẽ lại các nhân vật. Không giữ và phát triển mình theo hướng vẽ tranh truyền thống với trường phái dùng màu nước, sơn mài, sơn dầu mà lên cấp 2, anh Luận bắt đầu tập vẽ tranh bằng bút bi.
Họa sĩ Nguyễn Văn Luận với niềm đam mê vẽ tranh Hà Nội bằng bút bi.Lên lớp 12, anh Luận tham gia nhóm vẽ “Art - diễn họa thủ công” trên mạng xã hội Facebook, anh rất ấn tượng với tài năng của các thành viên khác trong nhóm, nên đã quyết tâm chăm chỉ rèn luyện.
“Năm 18 tuổi, khi theo học Khoa Môi trường tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, khi đó nhiều người tưởng tôi là sinh viên khoa Kiến trúc, vì có chút năng khiếu vẽ. Khi đó tôi chưa thực sự nghiêm túc, mãi sau này, khi có chút thành tựu, được mọi người động viên, tôi mới chính thức theo đuổi việc vẽ tranh”, anh Luận tâm sự.
Chia sẻ về lý do sử dụng bút bi, anh Luận cho biết, trước đây anh dùng bút chì màu để vẽ, nhưng vì ngại gọt chì, nên dùng bút bi cho tiện. Vẽ bằng bút bi là phong cách không nhiều người theo đuổi, nên anh luôn cố gắng tự tìm tòi, giao lưu với những người đi trước giàu kinh nghiệm, từ đó kết hợp với sự sáng tạo của bản thân để tích lũy, phát triển kỹ năng của mình.
“Nét bút bi rất nhỏ và thường xuyên bị dây mực, tôi phải vệ sinh ngòi bút thường xuyên, sử dụng bút bi, chúng ta không thể xóa đi để sửa giống như bút chì, nên đòi hỏi người vẽ phải tập trung, sử dụng nhiều kỹ năng”, anh Luận chia sẻ thêm về những khó khăn khi dùng bút bi để vẽ tranh.
Công đoạn quan trọng nhất là công đoạn phối màu.Quá trình để hoàn thiện một bức tranh của chàng trai genZ thường bắt đầu với việc chọn mẫu thật ấn tượng, sau đó dựng hình và vẽ những chi tiết quan trọng nhất trong bố cục. Công đoạn khó nhất chính là công đoạn phối màu, bởi người họa sĩ phải tính toán làm sao cho màu lên tranh phải sát nhất với màu mẫu, bởi bút bi chỉ có 10 màu cơ bản. Để đạt đến độ nhuần nhuyễn, anh Luận phải thực hành chăm chỉ mỗi ngày.
“Tính kỷ luật cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc sáng tạo. Người làm công việc có tính chất nghệ thuật thường dựa chủ yếu vào cảm xúc và tâm trạng, nhưng tôi luôn cố gắng để vượt ra khỏi rào cản này”, anh Luận cho biết thêm.
Tùy vào thể loại tranh, anh Luận thường mất từ khoảng 20 - 30 giờ, thậm chí vài trăm giờ để vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh. Với thể loại tranh vẽ chân dung trên khổ giấy A4, họa sĩ Nguyễn Văn Luận thường phải dành từ 20 - 30 giờ để hoàn thành bức tranh, còn mẫu chân dung được thực hiện trên khổ giấy A3, anh thực hiện trong 40 - 50 giờ đồng hồ. Đặc biệt, bức tranh về phong cảnh, anh Luận luôn dành nhiều tâm huyết nhất, vì vậy, một bức tranh thuộc thể loại này có thể tốn từ 80 - 100 giờ đồng hồ, thậm chí có thể tốn nhiều thời gian hơn.
“Có những bức tranh phong cảnh tôi phải dùng tới 250 giờ đồng hồ để hoàn thiện. Cảm giác dùng bút bi tỉ mỉ từng li, từng tí một, ngắm nhìn tác phẩm của mình dần thành hình và hoàn thiện, là cảm giác hạnh phúc nhất”, anh Luận bộc bạch.
Yêu Hà Nội qua từng nét vẽ
“Tôi được sinh ra tại Thái Bình, nhưng lại có tình cảm mãnh liệt dành cho Thủ đô Hà Nội. Tôi thích nét đẹp cổ kính của những con phố cổ, những gánh hàng rong. Người ta thường thấy Hà Nội tấp nập, vội vã, nhưng đâu đó, Hà Nội vẫn có nét trầm tư, hoài cổ, bình yên. Có rất nhiều họa sĩ đã khắc họa lại hình ảnh Thủ đô bằng chất liệu màu nước hay sơn dầu, nhưng tôi lựa chọn vẽ bằng bút bi, bởi tôi muốn mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp Hà Nội qua góc nhìn mới hơn”, họa sĩ Luận tâm sự.
Bức tranh “Hanoi house coffee” được anh Luận hoàn thiện trong 250 tiếng.Hình ảnh những con phố cổ, những gánh hàng rong từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, ký ức không thể quên khi nhắc về Hà Nội. Trên các con phố nhỏ, ngõ nhỏ, không khó để bắt gặp hình ảnh những người bán hàng lam lũ, len lỏi ngược xuôi, với đôi quang gánh nặng trĩu chở đầy thức quà vặt theo mùa. Những bức tranh vẽ bằng bút bi được thực hiện dựa trên những khoảnh khắc anh vô tình bắt gặp và chụp lại, hoặc tranh của một số tác giả khác chụp lại và đăng trên các trang mạng xã hội.
Trong số các bức tranh vẽ về phong cảnh Hà Nội, bức tranh mà anh Luận tâm đắc nhất chính là “Hanoi house coffee”, được vẽ vào cuối năm 2021, chính thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid 19. Đó là bức tranh vẽ một cô gái đang ngồi uống cà phê ở lan can phố cổ, một quán gần Nhà thờ Lớn Hà Nội. Bức tranh thể hiện sự giao thoa giữa ánh nắng vàng rực rỡ và vẻ đẹp cổ kính của Thủ đô. Đối với anh, tác phẩm này không chỉ thể hiện vẻ đẹp tinh túy của Hà Nội, mà còn truyền tải những cảm xúc lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh khi ấy.
Những khoảnh khắc Hà Nội trong tranh bút bi của chàng họa sĩ genZ.Là một người yêu thích hội họa và thường xuyên theo dõi các tác phẩm tranh vẽ của anh Luận, chị Nguyễn Bích Mỹ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên theo dõi các tranh vẽ bằng bút bi mà họa sĩ Nguyễn Văn Luận chia sẻ trên nhóm “Art - diễn họa thủ công. Lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh anh Luận vẽ, tôi tưởng là sản phẩm của photoshop, vì độ chi tiết cao, không ai nghĩ rằng những chiếc bút bi lại có thể tạo ra được những bức tranh đẹp như vậy. Trong số các bức tranh vẽ về phong cảnh Hà Nội, tôi ấn tượng nhất là bức tranh một người phụ nữ với chiếc xe đạp chở rất nhiều các loại hoa, vì Hà Nội vội vã, ngột ngạt của ngày thường bất chợt nên thơ, lãng mạn bởi những chiếc xe hoa đủ màu sắc”.
Với phong cách nghệ thuật độc đáo và tình yêu da diết, mãnh liệt dành cho Hà Nội, họa sĩ GenZ Nguyễn Văn Luận đang ấp ủ kế hoạch về một triển lãm tranh vẽ bằng bút bi về Thủ đô, ở đó, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn các bức tranh vẽ về phong cảnh Hà Nội, từ đó sẽ thấy thêm yêu mảnh đất nghìn năm văn hiến và anh hùng.