Vậy, bệnh yếu tim là gì? Dấu hiệu của bệnh yếu tim ra sao và liệu bệnh yếu tim có nguy hiểm hay không? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây, mời bạn đọc hãy chú ý theo dõi để không bỏ lỡ những thông tin bổ ích.
Bệnh yếu tim là gì?
Bệnh yếu tim hay chính là tình trạng suy tim mạn tính, xảy ra khi cơ tim không còn đủ khả năng bơm tống máu đáp ứng nhu cầu cung cấp lượng oxy cho các tế bào. Bệnh suy tim chính là hậu quả nghiêm trọng nhất do những tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng tại cơ tim, van tim hoặc hệ mạch máu tại tim. Tâm thất sẽ không còn đủ khả năng để tiếp nhận máu, lượng máu bơm nhằm cung cấp oxy, dưỡng chất cho cơ thể bị giảm đi và suy yếu dần.
Trong giai đoạn đầu mắc bệnh suy tim, cơ tim sẽ căng ra để co bóp mạnh hơn nhằm bù trừ lại cho tình trạng thiếu oxy, dẫn đến nhịp tim sẽ tăng lên để làm tăng lưu lượng máu, tình trạng này kéo dài sẽ làm cho các buồng tim trở nên co dãn.
Các hoạt động bù trừ mà tim thực hiện sẽ chỉ có thể làm giảm các biểu hiện của bệnh suy tim một cách tạm thời chứ không thể giải quyết được triệt để nguyên nhân gây bệnh. Suy tim vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và trở nặng hơn cho đến khi các hoạt động bù trừ mà tim thực hiện không còn hiệu quả. Đến lúc đó, cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng do bệnh yếu tim gây ra như:
- Dễ mệt mỏi, khó thở, hay bị hụt hơi, thở dốc. Tình trạng càng trở nên tệ hơn khi người bệnh gắng sức.
- Ho, ho khan, ho khạc đờm kéo dài mà không rõ nguyên nhân.
- Thiếu máu nuôi dưỡng gây suy nhược cơ thể.
- Hay hoa mắt chóng mặt, đau đầu, ngủ không ngon giấc, máu lên não kém còn có thể khiến cho người bệnh bị ngất.
- Đánh trống ngực, hồi hộp, tim đập nhanh.
- Phù chân do cơ thể bị tích nước, thận suy giảm khả năng đào thải dịch.
- Buồn nôn, chán ăn, hay tiểu đêm.
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng bệnh yếu tim là chỉ nhịp tim bị yếu đi. Thế nhưng thực chất, yếu tim do suy tim thì nhịp tim có thể sẽ tăng để giúp bù lại lượng máu tuần hoàn khắp cơ thể. Ngoài ra nhịp tim ở người trưởng thành được cho là yếu nếu như đập dưới 60 lần mỗi phút.
Suy tim cũng được chia ra thành nhiều loại khác nhau như suy tim trái, suy tim phải, suy tim toàn bộ hay suy tim cấp, suy tim mạn tính, suy tim tâm thu, suy tim tâm trương. Các bác sĩ sẽ dựa vào đặc điểm riêng của từng loại suy tim để định hướng điều trị cho bệnh nhân một cách cụ thể.
Nguyên nhân gây bệnh yếu tim
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tình trạng yếu tim bao gồm:
- Tăng huyết áp, huyết áp cao vô tình sẽ làm tăng gánh nặng cho tim, lâu dần gây ra suy tim.
- Các bệnh lý về tim mạch bẩm sinh như hở van tim, hẹp van tim.
- Bệnh xơ vữa động mạch.
- Bệnh lý rối loạn nhịp tim, bệnh lý ở động mạch vành.
- Nhồi máu cơ tim.
- Bị rối loạn các chức năng tuyến giáp như cường giáp, suy giáp, mắc bệnh đái tháo đường.
- Bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Tình trạng thừa cân béo phì, rối loạn lipid hoặc bệnh nhân đang trong quá trình hóa trị điều trị ung thư.
Như bạn có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tình trạng yếu tim. Do đó, để có thể phòng ngừa yếu tim cũng như các tình trạng bệnh lý khác, bạn nên thăm khám sức khỏe tim mạch định kỳ. Việc này sẽ giúp các bác sĩ có thể phát hiện ra những bất thường trong hệ tim mạch của bạn từ sớm và có phương pháp can thiệp điều trị khi cần thiết.
Bệnh yếu tim có nguy hiểm không?
Thực tế cho thấy, nếu bệnh yếu tim kéo dài không được can thiệp điều trị sẽ gây ra rất nhiều những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Một số có thể kể đến như nhồi máu cơ tim, đau tức ngực dữ dội, ngừng thở và thậm chí là cả đột quỵ. Chính vì thế, bệnh yếu tim sẽ cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh cũng như thể trạng bệnh nhân, mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Một số nhóm thuốc điều trị triệu chứng có thể sẽ được chỉ định như thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông máu hay thuốc điều hòa rối loạn nhịp tim.
Trong trường hợp tình trạng bệnh yếu tim đã trở nên nghiêm trọng hơn và không đáp ứng với các loại thuốc điều trị nội khoa thì có thể các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng các biện pháp khác như đặt stent mạch vành, nong mạch vành và cuối cùng là ghép tim.
Qua đây, chắc hẳn bạn đọc đã hiểu rõ bệnh yếu tim là gì và liệu bệnh yếu tim có nguy hiểm hay không. Bệnh yếu tim nếu được phát hiện và can thiệp điều trị từ sớm, giải quyết được nguyên nhân gây ra bệnh thì sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều sức khỏe. Để không mắc phải bệnh yếu tim cũng như các vấn đề tim mạch nghiêm trọng khác, bạn đọc hãy có cho mình một lối sống thật khoa học và lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất, vận động thường xuyên và thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện, ngăn chặn các bất thường tiến triển từ sớm.